Vảy nến là bệnh viêm da mạn tính có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Theo thống kê của Hiệp hội Bệnh vảy nến Quốc tế (IFPA), có từ 2-3% dân số thế giới mắc loại bệnh này. Triệu chứng vảy nến khá điển hình, nhưng vẫn có thể nhầm với các bệnh về da khác nếu không quan sát kỹ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về triệu chứng, cách phòng ngừa cũng như điều trị bệnh vảy nến.
Hướng dẫn cách nhận biết biểu hiện của bệnh vảy nến
Tùy vào cơ địa của từng người mà các triệu chứng vảy nến sẽ khác nhau. Bệnh vảy nến có thể khởi phát ở mọi độ tuổi, nhưng thường gặp nhất ở lứa tuổi từ 15-25 và 50-60 tuổi. Da khô, dày và đóng vảy trắng là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh vảy nến. Triệu chứng vảy nến có xu hướng thay đổi theo từng thể bệnh.
Triệu chứng vảy nến thể mảng
Đây là thể phổ biến nhất của bệnh vảy nến, chiếm khoảng 80-90% tổng số người mắc. Triệu chứng vảy nến thể mảng như sau:
- Xuất hiện các mảng gồ lên so với bề mặt da, da dày, đỏ và ngứa.
- Một số mảng được phủ lớp vảy mỏng màu trắng bạc.
- Kích thước các mảng da không đều. Những mảng nhỏ nằm sát nhau tạo thành các mảng kích thước lớn hơn.
- Vảy nến thể mảng thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối, nửa dưới lưng. Tuy nhiên chúng cũng có thể hình thành ở bất cứ đâu trên bề mặt da.
Vảy nến thể mảng là thể bệnh hay gặp nhất khi mắc bệnh vảy nến
Biểu hiện vảy nến thể giọt
Bạn có thể thấy những nốt sần kích thước khác nhau xuất hiện chiếm phần lớn diện tích da toàn thân. Căn bệnh này thường xuất hiện ở người có tiền sử nhiễm trùng, đặc biệt là sau viêm họng do liên cầu khuẩn. Các dấu hiệu có thể thấy là:
- Xuất hiện những vết sần màu đỏ, nổi gờ trên bề mặt da, giới hạn khá rõ.
- Những vết sần có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, số lượng nhiều.
- Kích thước các nốt sần dao động từ vài mm đến vài cm, có vảy màu trắng bạc.
Triệu chứng bệnh vảy nến thể mủ
Biểu hiện của vảy nến thể mủ có thể nhầm với nhiễm trùng da. Tuy nhiên, các vết sưng mủ không hề chứa vi khuẩn hay những tác nhân gây nhiễm trùng. Triệu chứng vảy nến thể mủ bao gồm:
- Xuất hiện các vết sưng tấy, chứa mủ trắng.
- Da đỏ và gây đau nhiều.
- Các vết sưng thường hình thành ở bàn tay và chân. Những hoạt động cần sự tham gia của bàn chân hoặc tay đều làm người bệnh cực kỳ đau đớn.
- Khi các vết sưng mủ khô, chúng sẽ được thay thế bằng các chấm nâu (có thể có vảy hoặc không).
Triệu chứng vảy nến da đầu
Triệu chứng bệnh vảy nến da đầu thường biểu hiện ở mức vừa đến nặng, cụ thể là:
- Hình thành các mảng sần sùi màu đỏ trên da đầu.
- Trên từng mảng có vảy màu trắng bạc, bong tróc và rơi xuống như gàu.
- Cảm giác da đầu cực kỳ ngứa và khô. Đôi khi thấy đau rát.
Hình ảnh vảy nến da đầu
>>> XEM THÊM: Vảy nến da đầu là gì? Chuyên gia giải đáp trong bài viết sau
Biểu hiện của bệnh vảy nến móng
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng các dấu hiệu vảy nến chỉ xuất hiện ngoài da, tuy nhiên bạn có thể thấy chúng ở một số vị trí khác ví dụ như móng tay hoặc chân của mình. Các triệu chứng vảy nến móng mà bạn có thể thấy là:
- Móng tay sần sùi, thô ráp và có nhiều vết lõm nhỏ.
- Màu sắc móng thay đổi. Có thể thấy móng màu trắng hoặc ngả vàng, đôi khi có màu nâu.
- Móng tay, móng chân dày hơn và phát triển bất thường.
- Khi bệnh nặng có thể phá hủy móng hoàn toàn (móng tay, móng chân có thể vỡ vụn).
Dấu hiệu viêm khớp vảy nến
Những triệu chứng của bệnh viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng bất kỳ khớp nào. Thường thì bệnh viêm khớp vảy nến sẽ được phát hiện sau khi các triệu chứng viêm khớp xuất hiện một vài năm. Dưới đây là các triệu chứng thường thấy của loại bệnh này:
- Khớp sưng và đau. Hay gặp ở khớp bàn tay, ngón tay và ngón chân.
- Đôi khi có thể gây cứng khớp. Trường hợp nặng có thể gây phá hủy khớp vĩnh viễn.
- Thường đau nhiều vào buổi sáng, cơn đau giảm dần về chiều và tối.
Bệnh vảy nến có nguy hiểm không?
Bệnh vảy nến nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, vảy nến làm tăng nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nghiêm trọng hơn như:
- Xơ vữa động mạch: Chất béo và cholesterol sẽ tích tụ trong lòng mạch và tạo thành các mảng bám. Điều này dẫn đến đường kính lòng mạch bị hẹp, làm máu khó lưu thông. Nguy hiểm hơn là xơ vữa động mạch có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ.
- Cao huyết áp: Theo thống kê, người mắc bệnh vảy nến có nguy cơ bị cao huyết áp hơn 20% so với người bình thường. Bệnh vảy nến nặng có thể làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp lên đến 48%. Do đó, hãy thường xuyên theo dõi huyết áp của người bị vảy nến.
- Ngoài ra, người bị vảy nến có nguy cơ cao mắc những loại bệnh phổ biến hiện nay như: Béo phì, bệnh tiểu đường type 2 và các bệnh tim mạch,...
Bệnh vảy nến ảnh hưởng đến tinh thần, gây cảm giác tự ti và có thể dẫn đến trầm cảm.
Bệnh vảy nến làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch
>>> XEM THÊM: Bệnh vảy nến có lây không?
Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến hiệu quả
Hiện nay chưa có cách chữa dứt điểm bệnh vảy nến. Các phương pháp điều trị hiện nay có tác dụng giảm thiểu tình trạng viêm và góp phần giảm tốc độ phát triển của tế bào da. Đồng thời loại bỏ các lớp vảy và mảng bám.
Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ tiến triển của bệnh, vị trí xuất hiện vảy nến và vùng da bị ảnh hưởng. Tốt nhất là nên mô tả chi tiết các triệu chứng vảy nến với bác sĩ chuyên khoa để họ hiểu rõ về tình trạng da, từ đó đưa ra phương pháp điều trị tối ưu nhất.
Thuốc bôi vảy nến
Thuốc bôi vảy nến là phương pháp điều trị tại chỗ bằng các loại kem và thuốc mỡ bôi lên vùng da bị tổn thương. Phương pháp này có thể phù hợp với bệnh vảy nến nhẹ đến vừa. Dưới đây là các loại thuốc bôi thường dùng:
- Corticoid tại chỗ: Diprosalic, beprosalic, daivobet,... có tác dụng kháng viêm, giảm thiểu tình trạng sưng đỏ. Giúp nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh, tuy nhiên không nên lạm dụng.
- Các loại dẫn xuất vitamin D3: Calcitriol, calcipotriol,... là những chất giúp quá trình phát triển của tế bào da trở về bình thường.
- Axit salicylic: Có tác dụng làm mềm và loại bỏ lớp vảy, cải thiện tình trạng dày da của bệnh vảy nến.
- Anthralin: Có khả năng kháng viêm và làm chậm tốc độ phát triển của tế bào da.
- Retinoid tại chỗ: Tazorac, zorac, fabior,… là dẫn xuất của vitamin A, có tác dụng giảm tốc độ tăng trưởng bất thường của tế bào da, giảm viêm da.
- Dưỡng ẩm: Các loại kem dưỡng ẩm, thuốc mỡ,... giúp làm mềm da và vảy.
- Than đá (kem coal tar): Các chế phẩm từ than đá có khả năng giảm quá trình phát triển của tế bào sừng và kháng viêm.
Thuốc bôi vảy nến giúp làm mềm các lớp vảy da
Thuốc uống trị vảy nến thường dùng
Đối với người bị vảy nến từ vừa đến nặng, phương pháp điều trị toàn thân bằng các loại thuốc đường uống là lựa chọn phổ biến. Tuy nhiên, nên tránh sử dụng corticoid toàn thân vì nhiều tác dụng phụ và nguy cơ các triệu chứng vảy nến quay trở lại khi ngừng dùng thuốc. Các loại thuốc uống này có nhiều tác dụng không mong muốn nên thường được chỉ định sử dụng trong một khoảng thời gian ngắn. Những loại thuốc thường được chỉ định là:
- Methotrexat: Có tác dụng ngăn chặn quá trình phân bào để giảm tốc độ phát triển của tế bào da, đồng thời có khả năng ức chế quá trình viêm.
- Cyclosporin (sandimmun neoral): Thuốc ức chế miễn dịch được chỉ định điều trị cho người lớn, khi người bệnh không đáp ứng hoặc chống chỉ định với các phương pháp chữa trị toàn thân khác.
- Acitretin: Có tác dụng đưa tốc độ phát triển của tế bào da về bình thường, qua đó giảm thiểu các triệu chứng vảy nến.
- Retinoid toàn thân: Dẫn xuất của vitamin A có tác dụng giảm khả năng tăng trưởng của các tế bào da và kháng viêm.
Thuốc tiêm sinh học chữa bệnh vảy nến
Nhóm thuốc sinh học ức chế một phần hệ miễn dịch, giúp hạn chế các triệu chứng vảy nến do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Từ đó phòng ngừa và điều trị các triệu chứng vảy nến hiệu quả. Các loại thuốc sinh học thường dùng hiện nay là:
- Efalizumab (raptiva): Được chỉ định cho bệnh vảy nến mức độ vừa đến nặng, trong trường hợp không dùng được nhóm thuốc kháng TNF alpha (TNF alpha là một loại protein do cơ thể tạo ra, có vai trò thúc đẩy phản ứng viêm). Tuy nhiên, thuốc này đi kèm với nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là giảm tiểu cầu.
- Alefacept (amevive): Chỉ định cho vảy nến mức độ trung bình đến nặng. Thuốc này có ít tác dụng phụ, hiệu quả điều trị cao.
- Nhóm ức chế TNF (infliximab, etanercept): Có tác dụng ức chế các tế bào miễn dịch (đại thực bào, tế bào lympho T,...). Nhóm thuốc này có tác dụng tốt trong điều trị các triệu chứng vảy nến. Tuy nhiên phải cẩn trọng khi sử dụng vì có tác dụng ức chế miễn dịch và giảm khả năng đề kháng của cơ thể.
Thuốc tiêm sinh học có tác dụng điều trị vảy nến hiệu quả
Quang trị liệu chữa bệnh vảy nến
Phương pháp này sử dụng bức xạ của tia UV (tia cực tím) hoặc ánh sáng tự nhiên. Qua đó ngăn chặn sự tấn công của hệ thống miễn dịch lên các tế bào da khỏe mạnh, giúp cải thiện bệnh vảy nến hiệu quả. Quang trị liệu thường được phối hợp cùng các phương pháp khác như điều trị tại chỗ và toàn thân.
Cải thiện triệu chứng vảy nến nhờ các thành phần nguồn gốc tự nhiên
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc với tác dụng giảm thiểu và phòng ngừa các triệu chứng vảy nến. Nhưng đi kèm với hiệu quả cao thì còn phải kể đến các tác dụng không mong muốn. Do đó những thành phần tự nhiên trở thành lựa chọn đầu tay nhờ sự lành tính. Một số thành phần thiên nhiên đã được nhiều tổ chức uy tín chứng minh hiệu quả trong việc hỗ trợ phòng ngừa và giảm nhẹ các triệu chứng vảy nến:
- Chitosan: Nghiên cứu tại trường Đại học Y Harvard đã cho thấy chitosan có tác dụng kháng khuẩn, chữa lành vết thương, giúp làm mịn da nên có lợi cho bệnh vảy nến.
- MSM: Là hợp chất được tìm thấy ở các loài cây cỏ, động vật và cả con người. MSM có tác dụng kháng viêm, thúc đẩy quá trình tái tạo da và nhanh liền sẹo.
- Ba chạc: Hay còn được biết đến với cái tên khác như chè cỏ, chè đắng. Có tác dụng chính là kháng khuẩn và nấm. Ngoài ra còn hỗ trợ giảm đau và ngứa.
- Phá cố chỉ: Có tác dụng hỗ trợ phương pháp quang trị liệu (tăng độ nhạy cảm với tia cực tím). Ngoài ra còn có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn.
Ba chạc, phá cố chỉ, MSM giúp cải thiện triệu chứng vảy nến
Phòng ngừa và giảm thiểu triệu chứng bệnh vảy nến
Mặc dù bệnh vảy nến không quá nguy hiểm nhưng gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, xây dựng một lối sống lành mạnh có thể giúp phòng ngừa và giảm nhẹ các triệu chứng vảy nến:
- Duy trì mức cân nặng ổn định: Ngoài việc giúp bạn giảm được số đợt bùng phát bệnh vảy nến thì cân nặng ổn định rất tốt cho sức khỏe. Nếu bạn thừa cân thì các triệu chứng vảy nến có thể tiến triển nặng hơn.
- Chế độ ăn uống hợp lý: Xây dựng một chế độ ăn giàu acid béo omega 3 (có nhiều trong cá hồi, cá thu, trứng cá, hạt óc chó, đậu nành,...) và hạn chế tiêu thụ thức ăn chứa nhiều acid béo bão hòa (thịt, trứng, sữa, mỡ động vật,...) giúp giảm nhẹ triệu chứng vảy nến.
- Hạn chế uống rượu: Rượu có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh vảy nến. Bạn nên hạn chế hoặc cắt giảm hoàn toàn bia, rượu.
- Hạn chế sử dụng những loại thực phẩm làm tăng nguy cơ viêm nhiễm như đường tinh luyện, chế phẩm từ sữa và thực phẩm chế biến sẵn,...
- Giảm căng thẳng: Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các triệu chứng vảy nến là căng thẳng. Bạn có thể sử dụng nhiều phương pháp như thiền định, tập yoga, đọc sách,... để giải tỏa căng thẳng. Nhờ đó giảm nguy cơ bùng phát bệnh.
Người bị vảy nến không nên sử dụng quá nhiều thực phẩm có khả năng gây viêm
Bệnh vảy nến hiện nay chưa có cách chữa khỏi nhưng nếu nhận biết được các triệu chứng có thể giúp người bệnh điều trị sớm, tránh trường hợp bệnh chuyển biến nặng hơn. Hy vọng bài biết trên đây có thể giúp bạn hiểu hơn về các triệu chứng cũng như cách phòng ngừa bệnh. Để được giải đáp những thắc mắc về bệnh vảy nến, hãy để lại bình luận hoặc số điện thoại nhé!
Tài liệu tham khảo:
https://www.healthline.com/health/psoriasis#statistics
https://www.healthline.com/health/psoriasis#psoriasis-medications
https://www.aad.org/public/diseases/psoriasis/what/symptom