Vảy nến phấn hồng là một trong những dạng tổn thương da khá phổ biến hiện nay. Không chỉ khiến người mắc khó chịu vì da sưng đỏ, bong tróc, tình trạng này còn gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý và sinh hoạt hàng ngày. Vậy bệnh vảy nến phấn hồng là gì, có chữa khỏi được không? Mời bạn tham khảo ngay bài viết sau đây để có lời giải đáp phù hợp.

Bệnh vảy nến phấn hồng là gì?

Vảy nến phấn hồng (hay vảy phấn hồng, vảy nến hồng) là bệnh vảy da cấp hoặc mạn tính, có thể gặp ở cả người trưởng thành hay trẻ nhỏ. Bệnh thường phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa như xuân hay thu.

Với vảy nến phấn hồng, trước khi nhận thấy các biểu hiện trên da, hầu hết trường hợp đều có những dấu hiệu sau:

- Đau họng, nuốt khó, có thể sưng hạch bạch huyết ở cổ.

- Đau đầu.

- Sốt nhẹ.

- Buồn nôn, nôn.

- Người mệt mỏi, đau nhức, khó chịu, ăn kém ngon miệng...

Chỉ sau 1 - 2 ngày, một vài mảng da lớn bị sưng đỏ, tróc vảy sẽ xuất hiện trước khi phát ban rộng. Chúng thường khởi phát ở lưng, ngực hoặc bụng, tuy nhiên, cũng có thể tiến triển tại bất cứ nơi nào trên da, bao gồm cả nách, gây ngứa nhiều, đặc biệt là khi thân nhiệt người bị vảy nến phấn hồng tăng lên. Các đốm hồng ban nhỏ dần xuất hiện, phần viền ngoài có vảy, còn vùng trung tâm da nhăn nheo, chúng thường sắp xếp gần nhau như hình vảy cá. Nếu người mắc có làn da sẫm màu, các mảng tổn thương sẽ có màu xám hoặc nâu đậm.

Cho tới nay, nguyên nhân chính xác gây bệnh vảy nến phấn hồng vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhiễm độc, nhiễm nấm, hay mắc một số chủng virus herpes như: HHV6, HHV7,... liên quan tới sự rối loạn miễn dịch trong cơ thể, làm rút ngắn chu kỳ sống của các tế bào da, dẫn đến tổn thương, bong tróc vảy.

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tình trạng vảy nến phấn hồng như: Di truyền, tác dụng phụ của thuốc, căng thẳng thường xuyên, hay tiếp xúc dài ngày với hóa chất,…

Bệnh vảy nến phấn hồng có khỏi được không?

Trên thực tế, vảy nến phấn hồng được đánh giá là lành tính hơn những bệnh da liễu khác. Các triệu chứng có thể bùng phát nhanh và tự lui sau 6 – 8 tuần, nhưng cũng có trường hợp kéo dài tới 4 - 5 tháng. Nếu không phát hiện sớm và có biện pháp kiểm soát nhanh chóng, tổn thương có thể tiến triển nặng hơn và ảnh hưởng tới toàn cơ thể.

Theo đó, trong đợt cấp, người mắc thường được chỉ định: Điều trị bằng thuốc, quang trị liệu, kết hợp xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học.

Sử dụng thuốc

Bạn có thể sử dụng chế phẩm bôi ngoài da kết hợp thuốc uống để ngăn chặn các triệu chứng nhanh chóng và hiệu quả hơn.

- Kem bôi ngoài giúp giảm tổn thương ngoài da và kiểm soát triệu chứng viêm chứa thành phần: Acid salicylic, nhựa than,...

- Có thể kết hợp thuốc kháng sinh, kháng virus khi có nguyên nhân là do virus, vi khuẩn.

- Thuốc sinh học trúng đích cũng có thể được áp dụng theo chỉ định, tác động trực tiếp vào các tế bào miễn dịch trong cơ thể, nhằm làm giảm phản ứng viêm, tăng cường sức đề kháng.

Mặc dù có hiệu quả nhanh nhưng các loại thuốc trị vảy nến phấn hồng ở trên đều tiềm ẩn những tác dụng phụ khác nhau trên gan, thận, chuyển hóa,... do đó cần tham khảo kỹ trước khi dùng.

Quang trị liệu

Việc chiếu các chùm tia UVA, UVB trực tiếp vào vùng da bị vảy nến phấn hồng sẽ giúp giảm viêm, sưng đỏ da, hạn chế tổn thương lan rộng. Phương pháp này được đánh giá là an toàn hơn sử dụng thuốc nhưng bạn vẫn có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ như: Phồng rộp, bỏng da,...

Xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý

Một chế độ sinh hoạt khoa học sẽ giúp quá trình điều trị vảy nến phấn hồng nhanh chóng hơn. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích cho bạn:

- Tránh trầy xước, chấn thương da.

- Không uống rượu, bia, hút thuốc lá.

- Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, các loại nước ép, giảm lượng thịt đỏ, thực phẩm giàu đạm, chất béo.

- Dưỡng ẩm thường xuyên: Điều này sẽ giúp làm dịu tổn thương trên da, giảm bong tróc, ngứa ngáy.

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với chất tẩy rửa, ánh nắng trực tiếp, môi trường ô nhiễm, khói bụi,...