Viêm khớp vảy nến là một trong những biến chứng khiến người bị vảy nến khá lo lắng. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời và phòng tránh đúng cách thì tình trạng này sẽ không còn là mối bận tâm của bạn. Hãy tham khảo bài viết sau để biết cách ngăn ngừa viêm khớp vảy nến cực đơn giản từ các thực phẩm hàng ngày, theo dõi ngay, bạn nhé!
Viêm khớp vảy nến là bệnh gì?
Viêm khớp vảy nến là một trong những tiến triển xấu khi bị vảy nến. Theo thống kê, khoảng 42% trường hợp mắc vảy nến gặp phải biến chứng này, nam giới và phụ nữ có nguy cơ tương đương nhau. Viêm khớp vảy nến có thể gặp ở nhiều độ tuổi, tuy nhiên, hay gặp nhất ở người lớn từ 30 đến 55 tuổi.
Viêm khớp vảy nến ảnh hưởng trực tiếp đến khớp tay, chân và cột sống của bạn, với biểu hiện đặc trưng là: Sưng, đau, cứng khớp thường gặp vào sáng sớm, móng tay, chân xuất hiện rãnh sâu, mệt mỏi, di chuyển khó khăn, đồng thời kết hợp với triệu chứng da bong tróc, ngứa ngáy. Ở tình trạng này, các đợt bùng phát có thể xen kẽ với thời kỳ thuyên giảm.
Các dạng viêm khớp vảy nến hay gặp như: Viêm khớp vảy nến đối xứng, viêm khớp vảy nến bất đối xứng, viêm khớp vảy nến ngoại biên,...
Nguyên nhân nào gây viêm khớp vảy nến?
Trên thực tế, chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên, nhiều tài liệu cho thấy, sự rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch là yếu tố “gốc rễ”, khi chúng nhận diện nhầm và tấn công các tế bào biểu bì khỏe mạnh, cùng với đó là phản ứng miễn dịch bất thường gây viêm trong các khớp.
Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ khác cũng làm gia tăng khả năng mắc bệnh viêm khớp vảy nến, cụ thể:
- Nhiễm khuẩn: Thường gặp nhất là viêm đường hô hấp do liên cầu, từ đó dẫn đến viêm khớp vảy nến, vảy nến thể giọt hay thể mảng,...
- Chấn thương da: Vết trầy xước, viêm da,... đều có thể kích thích bệnh viêm khớp vảy nến bùng phát.
- Tác dụng phụ của một số thuốc: Điển hình như thuốc chống sốt rét, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chống trầm cảm,... khi sử dụng trong thời gian dài có thể kích hoạt bệnh vảy nến phát triển và gây biến chứng trên khớp.
- Sử dụng chất kích thích: Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Béo phì, thừa cân cũng là yếu tố khiến bệnh viêm khớp vảy nến trở nên trầm trọng hơn
- Hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm trong trường hợp mắc HIV/AIDS, ung thư cũng là yếu tố nguy cơ cao gây viêm khớp vảy nến.
Lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho người bị viêm khớp vảy nến
Thực tế, việc giảm nhẹ triệu chứng viêm khớp vảy nến đôi khi không cần sử dụng đến thuốc mà chỉ cần áp dụng một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:
Bổ sung rau họ cà
Cà chua, khoai tây trắng,... là các loại rau quả thuộc họ cà (Solanaceae). Nghiên cứu cho thấy, những thực phẩm này rất giàu lycopene và vitamin C - giúp kiểm soát phản ứng viêm và ngăn chặn tổn thương trên cơ thể. Do đó, bạn nên bổ sung những loại rau củ này trong bữa ăn hàng ngày.
Ớt giúp cải thiện bệnh viêm khớp vảy nến
Các loại ớt đặc trưng với màu sắc và hương vị cay nồng, nhiều người cho rằng, chúng không hề tốt cho người bị viêm khớp vảy nến, nhưng thực tế, trong các loại ớt chứa hàm lượng cao capsaicin - một chất chống đau và viêm tự nhiên rất tốt. Bởi vậy, bạn cũng có thể thêm gia vị này vào những bữa ăn hàng ngày, nhưng chỉ ăn với lượng vừa phải, tránh kích thích lên toàn bộ cơ thể..
Hạn chế tinh bột
Các thực phẩm như gạo trắng và bánh mì không có nhiều dinh dưỡng. Do đó, hãy thay thế bằng các loại ngũ cốc nguyên hạt hay gạo lứt vì có nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào hơn, nhờ đó, tình trạng của bạn ngày càng được cải thiện.
Chú ý lượng đường nạp vào cơ thể
Với người bị viêm khớp vảy nến, khẩu phần ăn nhiều đường sẽ khiến phản ứng viêm trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời còn làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, gây áp lực lớn lên các khớp xương. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ nên ăn không quá 25 gram đường bổ sung hàng ngày. Đối với nam giới, giới hạn là 37 gram. Do đó, bạn cần tính toán và cắt giảm lượng đường nạp vào cơ thể cho phù hợp.
Tăng cường thịt trắng
Quá nhiều chất béo và protein trong thịt bò, lợn, cừu,... sẽ thúc đẩy phản ứng viêm diễn ra, kể cả thịt xông khói hay xúc xích. Hãy tìm các chất đạm tốt cho cơ thể như: Đậu phụ, cá, ức gà,...
Bổ sung cá béo
Đặc biệt là cá hồi, cá mòi, cá thu, cá ngừ nên bổ sung 2 lần/tuần, do đây là một trong những nguồn omega-3 tốt nhất, giúp chống oxy hóa, giảm viêm khắp cơ thể.
Không sử dụng quá nhiều dầu ô liu
Tuy đây là một loại chất béo tốt nhưng nó cũng chứa khá nhiều calo, vì vậy hãy chắc chắn rằng, bạn không sử dụng quá nhiều dầu ô liu trong món salad của bạn. Tương tự đối với các loại hạt, quả bơ cũng là những chất béo tốt khác nhưng nên thưởng thức ở mức độ vừa phải.