Dày sừng nang lông là bệnh da liễu khá phổ biến, với biểu hiện đặc trưng là da sần sùi, ngứa ngáy. Nếu không phát hiện kịp thời, tổn thương sẽ trở nên nghiêm trọng và điều trị rất khó khăn. Để hiểu rõ hơn về bệnh này, cũng như cách khắc phục hiệu quả, mời bạn tham khảo ngay thông tin trong bài viết sau đây!
Dày sừng nang lông là bệnh gì?
Dày sừng nang lông, hay “da gà” là bệnh da liễu khá phổ biến, gây ra các mảng khô ráp và những nốt sần nhỏ, thường xuất hiện trên mặt, cánh tay, đùi, cẳng chân... Bên cạnh đó, các tổn thương hay có màu đỏ hoặc nâu, không gây đau nhức, nhưng có thể ngứa nhiều.
Theo nghiên cứu, bệnh dày sừng nang lông xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, có thể thuyên giảm và biến mất khi bạn 30 tuổi, nhưng nhiều trường hợp vẫn tái phát nếu không áp dụng biện pháp chăm sóc thường xuyên. Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh bao gồm:
- Có nốt mụn nhỏ ở các vị trí nang lông.
- Da khô, thô ráp, hơi đỏ ở những vùng tổn thương.
- Da sần sùi như giấy nhám.
- Triệu chứng diễn ra theo chiều hướng xấu hơn khi thời tiết chuyển khô, lạnh, độ ẩm thấp,...
Về nguyên nhân gây dày sừng nang lông, cho tới nay vẫn chưa được khẳng định rõ ràng, nhưng các nghiên cứu cho thấy, đây là kết quả của sự tích tụ keratin - một loại protein cứng bảo vệ da khỏi bị tấn công bởi các yếu tố bên ngoài. Chất sừng này bong tróc tạo thành vảy phủ trên nang lông, khiến chúng dễ bít tắc, dẫn đến viêm nhiễm.
Nhưng về sâu xa, dày sừng nang lông tiến triển là do hệ miễn dịch bị rối loạn, khiến quá trình sản sinh keratin không được kiểm soát tốt, dẫn đến tích tụ quá nhiều và gây tổn thương trên da.
Làm sao để hết dày sừng nang lông?
Để cải thiện sớm các triệu chứng dày sừng nang lông, bạn có thể sử dụng một số biện pháp sau đây:
- Kem loại bỏ tế bào da chết: Kem có chứa axit alpha-hydroxy, axit lactic, axit salicylic hoặc urê giúp tẩy sạch tế bào da chết. Chúng cũng có khả năng dưỡng ẩm và làm mềm vùng da khô ráp.
Tuy nhiên, bạn cần chú ý, các hoạt chất này có thể gây mẩn đỏ, châm chích da, vì vậy không được khuyến khích sử dụng cho trẻ nhỏ.
- Chế phẩm làm sạch nang lông: Đặc biệt là các loại kem có nguồn gốc từ vitamin A (retinoids tại chỗ) hoạt động bằng cách thúc đẩy sự thay đổi tế bào và ngăn chặn những nang lông bị bít tắc.
Nhưng bạn cũng cần lưu ý, các sản phẩm trên có thể gây kích ứng và làm khô da. Ngoài ra, nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, cần lựa chọn phương pháp điều trị khác.
Bên cạnh đó, sử dụng các loại kem thuốc này thường xuyên có thể cải thiện vẻ ngoài của da, nhưng nếu dừng lại, bệnh dễ tái phát và khó kiểm soát hơn.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà, giúp cải thiện triệu chứng hiệu quả hơn:
+ Sử dụng nước ấm và giảm thời gian tắm: Tắm nước nóng hoặc tắm trong thời gian dài sẽ khiến da dễ bị khô, khiến các triệu chứng tiến triển nặng hơn. Bởi vậy, hãy giới hạn thời gian tắm trong khoảng 10 phút hoặc ít hơn, đồng thời dùng nước ấm.
+ Vệ sinh da nhẹ nhàng: Tránh sử dụng xà phòng, mỹ phẩm,... có tính tẩy mạnh. Chà mạnh hoặc loại bỏ nút bít tắc nang lông có thể gây kích ứng da và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
+ Dưỡng ẩm: Trong khi da vẫn còn ẩm sau khi tắm, hãy thoa kem dưỡng ẩm chứa lanolin, vaseline hay glycerin,... để làm dịu da, ngăn ngừa khô ngứa. Bạn cũng nên sử dụng nhiều lần trong ngày để cải thiện tình trạng da bị dày sừng nang lông hiệu quả hơn.
+ Tránh ma sát từ quần áo chật.
+ Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí để làn da giảm kích ứng hơn.