Vảy nến hồng (hay vảy phấn hồng) nằm trong danh sách các bệnh vảy da thường gặp hiện nay. Để hỗ trợ điều trị hiệu quả, bên cạnh việc tuân thủ theo phác đồ hàng ngày, một chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa vảy nến hồng tiến triển. Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, mời bạn tham khảo ngay những nội dung sau đây!
Vảy nến hồng là bệnh gì?
Vảy nến hồng (còn được gọi là vảy phấn hồng) là bệnh ngoài da có vảy, có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, nhưng thường gặp nhất là người trong độ tuổi từ 10 - 35, hay xảy ra ở mùa đông xuân.
Các triệu chứng bệnh khởi phát bằng một vài nốt đỏ hồng trên da, có hình tròn hay bầu dục trên ngực, lưng, bụng của bạn. Sau một thời gian ngắn, những đốm da này sẽ nhanh chóng lan rộng, đồng thời nhận thấy hiện tượng đóng vảy li ti phía trên, gây ngứa ngáy nhiều. Điểm đặc trưng nhất giúp nhận biết vảy nến hồng là các tổn thương sẽ “mọc” song song, thành dạng hình như “cây thông noel”. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây mất thẩm mỹ, khiến người mắc trở nên tự ti, ngại giao tiếp với những người xung quanh.
Về nguyên nhân gây bệnh, trên thực tế, chưa có khẳng định chính xác nào, tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra sự rối loạn miễn dịch trong cơ thể chính là yếu tố hàng đầu khiến vảy nến hồng bùng phát. Trong trường hợp này, hệ miễn dịch có thể nhận diện nhầm và tấn công chính những tế bào biểu bì khỏe mạnh, khiến chúng bị tổn thương và nhanh chóng chết đi, dẫn đến tình trạng bong tróc và da sưng đỏ từng mảng.
Ngoài ra, một số bằng chứng còn cho thấy, vảy nến hồng tiến triển là do cơ thể nhiễm một số chủng virus herpes như HHV6 hay HHV7, hoặc tiếp xúc với các yếu tố kích thích như: Thay đổi thời tiết đột ngột, môi trường ô nhiễm, tác dụng phụ của một số thuốc, căng thẳng, lo âu kéo dài,...
Bệnh vảy nến hồng có lây không?
Như đã phân tích ở trên, căn nguyên gốc rễ gây bệnh vảy nến hồng liên quan đến yếu tố miễn dịch, còn vi khuẩn, virus chỉ là những yếu tố gián tiếp ảnh hưởng đến sự bùng phát triệu chứng. Do vậy, cần khẳng định lại rằng, bệnh vảy nến hồng không có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác.
Tuy nhiên, trong trường hợp không được điều trị kịp thời, các tổn thương có thể lây lan sang những vùng khác nhau trên cơ thể, nhất là khi người mắc cào gãi, khiến da trầy xước nhiều hơn.
Người bị vảy nến hồng nên ăn gì, kiêng gì?
Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một chế độ dinh dưỡng khoa học mang lại tác dụng hỗ trợ điều trị vảy nến hồng tương đương với sử dụng thuốc tây y.
Vậy đâu là những thực phẩm mà người bị vảy nến hồng nên ăn?
Thực phẩm chứa omega-3
Omega-3 được biết đến với đặc tính chống oxy hóa, giảm viêm hiệu quả nên có tác dụng rất tốt với bệnh vảy nến hồng. Bạn nên tăng cường các loại cá như: Cá hồi, cá thu, cá basa,... những loại hạt: Óc chó, macca, hạnh nhân,... hay ngũ cốc nguyên hạt khác.
Rau quả chứa nhiều beta-caroten
Những loại rau quả như: Bơ, cà rốt, đu đủ, xoài,... giúp bảo vệ cấu trúc da rất tốt. Do đó, bạn nên thường xuyên bổ sung chúng vào các bữa ăn hàng ngày.
Ngao sò
Đây là nguồn thực phẩm chứa rất nhiều kẽm - một khoáng chất có khả năng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, kháng khuẩn, giảm viêm, đồng thời cung cấp dưỡng chất cho da khỏe mạnh.
Ngoài ra, “Bệnh vảy nến hồng nên kiêng gì?” cũng là vấn đề cần chú ý. Dưới đây là một số thực phẩm cần tránh:
Thịt đỏ
Thịt bò, thịt cừu, thịt dê,... rất giàu protein và một số chất làm gia tăng phản ứng viêm trong cơ thể. Do đó, hạn chế tiêu thụ các chất này sẽ giúp kiểm soát tốt bệnh vảy nến của bạn.
Đồ cay nóng
Bạn nên tránh xa các loại thực phẩm, gia vị như: Ớt, tỏi, tiêu, mù tạt, cà ri,... bởi chúng có thể kích thích phản ứng viêm trên da, đồng thời ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch của cơ thể. Hơn nữa, những thực phẩm này sẽ làm tăng thân nhiệt, dẫn đến người mắc cảm thấy ngứa nhiều hơn. Điều này càng làm tăng phản xạ cào gãi, khiến da bị bong tróc, trầy xước, tổn thương nghiêm trọng hơn.
Rượu, bia và những chất gây kích thích khác
Bia, rượu, thuốc lá, nước ngọt,… đều chứa những chất ảnh hưởng xấu đến làn da và cơ thể bạn, đặc biệt khi đang có biểu hiện của bệnh vảy nến hồng. Khi vào cơ thể, một số thành phần sẽ làm chuyển hướng phản ứng hóa học của tế bào miễn dịch, khiến tình trạng viêm tiến triển mạnh, từ đó các tổn thương trở nên nghiêm trọng và đóng vảy nhiều hơn.
Các thực phẩm gây dị ứng
Một số thực phẩm dễ gây dị ứng như: Tôm, cua, nhộng tằm, hay trứng, lạc (đậu phộng), chế phẩm từ sữa, bánh mì trắng,… có thể khiến tình trạng ngứa ngáy nặng hơn. Do đó, tốt nhất bạn nên tránh xa những món ăn này để cơ thể không bị kích ứng và giúp tổn thương lành lại nhanh chóng hơn.