Viêm khớp vảy nến là biến chứng điển hình khi bị vảy nến. Tình trạng này không chỉ khiến da bị tổn thương mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới khớp. Hiện nay, tiêm steroid là một trong những phương pháp được áp dụng để cải thiện các biểu hiện bệnh. Vậy chúng có hiệu quả ra sao? Có nên áp dụng không? Để có lời giải đáp cụ thể, mời bạn tham khảo ngay bài viết sau đây!

Viêm khớp vảy nến là tình trạng như thế nào?

Viêm khớp vảy nến là biến chứng thường xuất hiện ở người mắc vảy nến, tuy nhiên chúng cũng có thể khởi phát ngay từ ban đầu.

Như chính tên gọi của bệnh lý này, người mắc sẽ gặp phải những tổn thương ngoài da giống với vảy nến (da sưng đỏ, bong tróc, khô nứt) và ảnh hưởng đến khớp (sưng đau, cứng khớp, ê nhức cột sống, ngón tay như hình “xúc xích”,...). Điều này không chỉ gây mất thẩm mỹ, dẫn tới người mắc tự ti, thu mình, không dám giao tiếp, mà còn khiến cuộc sống sinh hoạt ngày càng khó khăn, nhiều trường hợp không thể cầm, nắm, vận động bình thường.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thêm những biến chứng nguy hiểm khác như: Tổn thương thị lực, viêm cơ tim, loạn nhịp,...

Hiện nay, giới chuyên môn vẫn chưa khẳng định được nguyên nhân chính xác khiến viêm khớp vảy nến hình thành. Tuy nhiên, nhiều tài liệu đã chỉ ra rằng, sự suy giảm miễn dịch trong cơ thể chính là tác nhân hàng đầu khiến bệnh khởi phát. Lúc này, hệ thống miễn dịch đã mắc sai lầm và tấn công chính các tế bào da, khớp khỏe mạnh trong cơ thể, khiến chúng tổn thương và bị rút ngắn chu kỳ sống.

Steroid có tác dụng ra sao với bệnh viêm khớp vảy nến? Có nên tiêm không?

Cho tới nay, trên thế giới chưa có cách chữa trị viêm khớp vảy nến khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu có biện pháp khắc phục triệu chứng kịp thời và phòng ngừa thường xuyên, tình trạng bệnh sẽ được kiểm soát hiệu quả.

Khi bị viêm khớp vảy nến, việc sử dụng thuốc thường là lựa chọn đầu tay, nhằm: Giảm đau, hạn chế phản ứng viêm,... Và trong đó, steroid là một trong những hoạt chất có tác dụng như vậy.

Trong điều trị bệnh, thuốc nhóm steroid chính là các corticoid. Đây là những hoạt chất có khả năng chống viêm cực mạnh, bên cạnh đó còn có khả năng chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Bởi vậy, với viêm khớp vảy nến, corticoid sẽ giúp giảm tình trạng đỏ da, bong tróc vảy, ngứa ngáy thường xuyên, đồng thời cải thiện đau nhức khớp xương, giúp người mắc có thể di chuyển, vận động dễ dàng hơn. Thực tế, hoạt chất này được bào chế dưới khá nhiều dạng như: Kem bôi, viên uống, thuốc tiêm, nhưng với viêm khớp vảy nến, thường hay được chỉ định tiêm hơn, bởi:

- Khắc phục các triệu chứng nhanh chóng hơn dùng đường uống, nhất là tại vị trí tiêm.

- Hiệu quả ở cả những khớp khác trên cơ thể khi thuốc được hấp thu vào hệ tuần hoàn.

- Số lần sử dụng không nhiều sẽ giúp giảm bớt tác dụng phụ của thuốc (đặc biệt là trên đường tiêu hóa).

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có mặt gây hại cho sức khỏe:

- Có thể gặp biến chứng teo da, chảy máu tại chỗ, phản ứng viêm tăng cường hơn.

- Một số trường hợp tổn thương gân, mỏng sụn khớp,... đã được ghi nhận sau khi tiêm corticoid.

- Nguy cơ nhiễm trùng nặng tại vết tiêm hoặc những vùng khác trên cơ thể (do thuốc có tác dụng ức chế phản ứng miễn dịch). 

- Có thể gây tăng đường huyết, rối loạn chuyển hóa nên không được sử dụng trong trường hợp người bị đái tháo đường, rối loạn dung nạp dinh dưỡng. 

Như vậy, mặc dù có hiệu quả nhất định nhưng để áp dụng phương pháp này, bạn cần tham khảo kỹ ý kiến của chuyên gia và áp dụng đúng chỉ định.