Bệnh viêm khớp vảy nến không chỉ gây nên những tổn thương trên da mà còn ảnh hưởng tới khả năng vận động, di chuyển của người mắc, gây ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hàng ngày. Vậy cần lưu ý những gì với bệnh lý này, đặc biệt là chế độ ăn uống để khắc phục các triệu chứng nhanh chóng hơn? Tham khảo ngay bài viết sau để có câu trả lời bạn nhé!

Bệnh viêm khớp vảy nến là gì?

Viêm khớp vảy nến là một trong những biến chứng điển hình khi bị vảy nến, nhưng đôi khi cũng tiến triển đột ngột. Theo thống kê, 85% người sống chung với bệnh cũng bị vảy nến. Người mắc thường trong độ tuổi từ 30 đến 50, không phân biệt nam - nữ và ít xảy ra ở trẻ nhỏ.

Các triệu chứng điển hình của bệnh viêm khớp vảy nến bao gồm: Sưng đau khớp và tấy đỏ, bong tróc vảy, ngứa ngáy trên da. Bên cạnh đó, người mắc còn có thể phát triển các vấn đề khác như: Viêm gân, mệt mỏi toàn thân, sưng đau ngón tay, đau gót chân, đau lưng, rỗ móng và giảm khả năng vận động của khớp. Thông thường, bệnh thường ảnh hưởng đến các khớp một cách không đối xứng, khác với viêm khớp dạng thấp là tác động đến khớp đối xứng trong cơ thể.

26.jpg

Hình ảnh bệnh viêm khớp vảy nến

Nguyên nhân gây viêm khớp vảy nến vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng nhiều tài liệu chỉ ra rằng, sự rối loạn, suy giảm miễn dịch là tác nhân hàng đầu khiến bệnh khởi phát. Trong trường hợp này, hệ miễn dịch nhận diện và tấn công nhầm các mô trong cơ thể, dẫn đến tổn thương nghiêm trọng trên da và khớp, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người mắc.

Chế độ ăn cho người bị bệnh viêm khớp vảy nến như thế nào?

Tuy hiện nay chưa có cách điều trị bệnh viêm khớp vảy nến khỏi hoàn toàn nhưng vẫn có nhiều phương pháp giúp kiểm soát tình trạng bệnh. Trong đó, một chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng có tác động rất tốt với tình trạng này.

Viêm khớp là một triệu chứng chính của bệnh nên những loại thực phẩm có tác dụng giảm viêm, chống oxy hóa sẽ mang đến lợi ích lớn trong trường hợp này. Chế độ ăn uống của bạn nên bao gồm: Rau xanh, trái cây, cá, các loại hạt, họ đậu,... Cụ thể: 

- Quả bơ: Đây là một trong những loại quả chứa thành phần dinh dưỡng tốt nhất hiện nay. Bơ có nhiều kali, beta-carotene, vitamin C, E và K và các chất béo có lợi cho cơ thể.

- Rau lá xanh như: Cải bina, cải xoăn, súp lơ,... chứa hàm lượng cao vitamin K cùng nhiều chất chống oxy hóa giúp cải thiện bệnh vảy nến và viêm khớp nhanh chóng hơn.

- Omega-3 từ cá béo hay dầu cá là nguyên liệu quan trọng giúp kiểm soát phản ứng viêm rất tốt. Hãy bổ sung cá hồi, cá ngừ,... trong chế độ ăn hàng ngày của bạn.

- Trà xanh: Các catechin có khả năng chống oxy hóa, giảm viêm mạnh mẽ. Bạn có thể dùng lá trà tươi, hoặc phơi khô và nghiền thành bột pha uống dần đều có tác dụng tốt.

- Gừng: Vừa chứa chất chống viêm tự nhiên, đồng thời là một gia vị thơm ngon nên bạn có thể bổ sung trong chế độ ăn hàng ngày sẽ rất tốt.

- Nghệ: Chất curcumin trong nghệ là thành phần quan trọng giúp giảm sưng và viêm ở khớp, vì vậy bạn cũng nên sử dụng hàng ngày.

Ngoài những thực phẩm kể trên, một số loại có thể khiến các triệu chứng viêm khớp vảy nến nặng nề hơn. Do đó, khi đang có dấu hiệu tiến triển bệnh, bạn hãy tránh xa những tác nhân khiến các triệu chứng viêm khớp vảy nến bùng phát như: Chất béo bão hòa, đường, gluten, rượu bia, đồ hộp,... Chúng cũng là yếu tố quan trọng gây tăng cân và béo phì. Khi trọng lượng của bạn tăng lên, áp lực lên các khớp cũng cao hơn, khiến các biểu hiện đau nhức khớp càng thêm tồi tệ.