Vảy phấn trắng là bệnh ngoài da lành tính và khá phổ biến, hay gặp ở trẻ em. Bởi trẻ em là đối tượng thường hiếu động, hay đùa nghịch nên dễ mắc phải các bệnh ngoài da. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ chỉ nghĩ rằng bé bị viêm da thông thường nên không có biện pháp điều trị đúng đắn. Vậy để biết bệnh vảy phấn trắng ở trẻ có nguy hiểm không và cải thiện bằng cách nào mời bạn cùng theo dõi bài viết sau.
Vảy phấn trắng là bệnh lý như thế nào?
Bệnh vảy phấn trắng là một dạng viêm da mạn tính ở trẻ có tên quốc tế là Pityriasis Alba (tên gọi liên quan đến đặc điểm hình thái). Trong đó, pityriasis được định nghĩa là vảy mịn. Còn alba còn được định nghĩa là sự nhạt màu hay còn gọi là giảm sắc tố. Đa phần những người mắc bệnh vảy phấn trắng và một số trường hợp khác có tiền sử bị dị ứng đều là những triệu chứng của bệnh viêm da dị ứng.
Về cơ bản, bệnh vảy phấn trắng ở trẻ em thường không gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Ngoài việc khiến trẻ ngứa ngáy, ảnh hưởng đến giấc ngủ và ăn uống thì bệnh vảy phấn trắng còn dễ bị nhầm lẫn với bệnh lang ben. Nhưng thực tế, lang ben là bệnh do nấm gây ra và có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng bệnh vảy phấn trắng ở trẻ em
Đúng như tên gọi, triệu chứng bệnh vảy phấn trắng là những đám da hình tròn, bầu dục hoặc hình dạng không rõ ràng màu trắng do giảm sắc tố, trên bề mặt da, xuất hiện lớp vảy phấn nhỏ li ti. Khi bắt đầu bùng phát bệnh, các tổn thương thường có màu hồng, sau đó nhạt dần và kèm theo tình trạng ngứa ngáy. Kích thước tổn thương có đường kính từ 0,5 – 2 cm. Trẻ em từ 13 - 16 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh. Vị trí thương tổn thường ở mặt, thân người, chân, tay và nhất là hai má.
Bệnh vảy phấn trắng được chia thành nhiều giai đoạn với các triệu chứng khác nhau, bao gồm:
- Trong giai đoạn đầu tiên, tổn thương của bệnh thường xuất hiện vảy mờ nhạt, có màu đỏ hồng, đường kính 1 - 4cm, số lượng từ 4 – 5, thậm chí lên đến 20 hoặc nhiều hơn. Các tổn thương rõ ràng ở người có làn da sẫm màu. Những triệu chứng có thể biến mất khi trẻ trưởng thành.
- Trong giai đoạn thứ hai, những tổn thương này thường mờ dần.
- Ở giai đoạn cuối, da dần trở lại sắc tố bình thường. Tình trạng này kéo dài vài tháng nhưng trong một số trường hợp, bệnh có thể kéo dài tới ba năm. Bệnh ít để lại sẹo nên cha mẹ không cần quá lo lắng khi trẻ bị vảy phấn trắng.
Những biểu hiện của bệnh vảy phấn trắng ở trẻ nhỏ khiến nhiều cha mẹ nhầm lẫn với bệnh lang ben. Cần xác định rõ, bệnh vẩy phấn trắng thường xuất hiện những mảng giảm sắc tố ở vùng mặt. Lang ben thì khác, thường xuất hiện nhiều ở vùng ngực. Cha mẹ phải xác định rõ trẻ đang mắc bệnh gì để có hướng điều trị đúng đắn. Bởi thuốc lang ben đem bôi cho trẻ không mắc bệnh sẽ dẫn tới nhiều nguy hại cho sức khỏe của bé.
Vì sao trẻ bị vảy phấn trắng?
Các nguyên nhân gây ra bệnh vảy phấn trắng ở trẻ em thường rất khó để xác định. Một số nghiên cứu và kết quả từ các khảo sát cho thấy, những tác nhân có thể làm tăng nguy cơ mắc vảy phấn trắng ở trẻ bao gồm:
- Do di truyền: Bệnh vảy phấn trắng ở trẻ có thể xảy ra do di truyền gen lặn từ những người thân trong gia đình.
- Thời tiết: Bệnh vảy phấn trắng thường bùng phát khi trời nóng ẩm, khô hanh. Thay đổi thời tiết đột ngột cũng gây ra hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh ở trẻ.
- Tiếp xúc với hóa chất: Sử dụng xà bông tắm, dầu gội gây kích ứng da hoặc chất tẩy rửa chứa nhiều kiềm cũng làm trầm trọng thêm triệu chứng vảy phấn trắng.
- Do cơ địa của người mắc: Bệnh hay gặp ở trẻ đã bị hen suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm, da khô,…
- Việc mặc quần áo quá dày, chật chội khiến quần áo cọ xát vào da và tiếp xúc khói bụi,… cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị vảy phấn trắng.
– Tác động bên trong: Mệt mỏi, rối loạn hệ thống miễn dịch,... cũng có thể là nguyên nhân bùng phát vảy phấn trắng ở trẻ.
Cách ngăn ngừa và điều trị vảy phấn trắng hiệu quả
Để ngăn ngừa và điều trị vảy phấn trắng ở trẻ một cách triệt để, cha mẹ cần chú ý những điều sau:
- Nên bảo vệ trẻ khi thời tiết chuyển mùa, chú ý đeo khẩu trang và mặc ấm cho trẻ khi ra đường để tránh hít phải bụi bẩn, gió lùa gây bệnh.
- Giữ ẩm cho da trẻ bằng việc sử dụng kem dưỡng ẩm hàng ngày.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với hóa chất, nước tẩy rửa. Nên chọn loại sữa tắm, dầu gội phù hợp với làn da nhạy cảm của trẻ.
- Điều trị triệt để tình trạng hen suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm.
Trong một số trường hợp, vảy phấn trắng có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, để giúp trẻ tự tin trở lại, cha mẹ nên điều trị sớm cho con bằng cách:
- Sử dụng corticosteroid bôi tại chỗ để giảm viêm và các triệu chứng vảy phấn trắng.
- Sử dụng các loại thuốc mỡ tacrolimus 0,1% và pimecrolimus kem 1% giúp giảm sự đổi màu da, giảm khô, hạn chế tổn thương lan rộng và giảm ngứa.
- Ngoài ra, nếu tổn thương lan rộng, người bệnh cũng có thể áp dụng liệu pháp quang hóa trị liệu PUVA (psoralen + UVA) để cải thiện các triệu chứng. Điều trị bằng laser cũng được chứng minh là có hiệu quả giảm triệu chứng vảy phấn trắng.
- Cha mẹ cũng có thể làm giảm sự phát triển của vảy phấn trắng ở trẻ bằng cách: Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bởi nhiều người cho rằng, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi không thoa kem chống nắng sẽ làm bùng phát bệnh vảy phấn trắng.
- Sử dụng sản phẩm thảo dược hỗ trợ điều trị vảy phấn trắng ở trẻ: Đây là xu hướng được nhiều người sử dụng hiện nay và nhận được những đánh giá rất tích cực.