Bệnh da vảy cá còn được gọi là bệnh vảy cá. Đây là tình trạng da liễu khá phổ biến hiện nay, khiến da dị dạng, có tính chất gia đình, di truyền, xuất hiện sớm trong những tháng đầu hoặc năm đầu, có loại đến khi trưởng thành mới phát bệnh và tồn tại trong suốt cuộc đời. Vậy cách nhận biết và điều trị bệnh da vảy cá là gì? Mời bạn đọc thông tin trong bài viết sau!

Triệu chứng bệnh da vảy cá

Bệnh vảy cá khiến làn da cực kỳ mất nước dẫn đến da dày và có vảy. Các khu vực thường bị ảnh hưởng nhất của cơ thể bao gồm: Khu vực duỗi của các chi, đặc biệt là khuỷu tay và cẳng chân; Da đầu; Mặt, điển hình là trán và má.

Thông thường, các triệu chứng không xuất hiện khi sinh mà phát triển vào khoảng 2 tháng tuổi. Ban đầu, những dấu hiệu thường bị nhầm lẫn với da khô. Bệnh vảy cá có thể xuất hiện dưới dạng khô da với các vảy mịn, trắng hoặc bạc đi kèm. Thông thường, da cũng sẽ bong ra. Ngoài ra, bệnh vảy cá cũng khiến da bị nứt ở những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc liên tục. Nứt thường xảy ra ở lòng bàn chân và lòng bàn tay.

27.jpg

Hình ảnh bệnh vảy cá

Sự mở rộng quy mô của tổn thương da cũng có thể dẫn đến sự khó chịu, đau đớn và làm cho da dễ bị kích ứng cũng như khô hơn. Mặc dù hiếm gặp, ở một số người bị bệnh vảy cá, vảy trên da gây cản trở các tuyến mồ hôi, gây ra mồ hôi quá mức hoặc khiến cơ thể không có khả năng đổ mồ hôi.

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng thay đổi từ người này sang người khác và có thể tăng lên trong giai đoạn dậy thì. Bất cứ điều gì làm cho da khô hơn hoặc làm suy yếu khả năng giữ ẩm của da cũng có thể làm nặng thêm các triệu chứng.

Bệnh vảy cá cũng thường liên quan đến các tình trạng da khác. Khoảng 50% những người mắc bệnh này cũng bị bệnh chàm (viêm da dị ứng). Nhiều người có thể bị cả bệnh vảy cá và bệnh chàm khi bị: Viêm mũi, dị ứng, hen suyễn. Những người này có triệu chứng nghiêm trọng kéo dài, từ khi trẻ tuổi đến lúc trưởng thành.

Nguyên nhân bệnh da vảy cá

Hầu hết các trường hợp bị bệnh vảy cá là do đột biến gen chịu trách nhiệm mã hóa filaggrin. Đây là một loại protein giúp tạo ra hàng rào tự nhiên của da. Không có rào cản hiệu quả, da phải vật lộn để giữ độ ẩm và độ pH phù hợp. Các tế bào da mất nước mạn tính bắt đầu dày lên và cứng lại khi chúng già đi. Sau đó, chúng di chuyển đến bề mặt của da và tạo thành vảy.

Phần lớn các trường hợp bệnh vảy cá là do di truyền. Ngoài ra, nó cũng có thể do các yếu tố như: Việc sử dụng một số loại thuốc; suy giáp; ung thư hạch; HIV; bệnh sarcoid; suy nội tạng, đặc biệt là suy gan và thận; sử dụng các loại thuốc điều trị ung thư, thuốc chứa axit nicotinic, kava, hydroxyurea.

Cách điều trị bệnh vảy cá hiệu quả

Thật không may, không có cách chữa trị bệnh vảy cá khỏi hoàn toàn. Các lựa chọn điều trị có tác dụng giảm bớt triệu chứng bằng cách loại bỏ vảy và giảm khô da.

Điều trị bệnh vảy cá liên quan đến việc loại bỏ vảy. Điều này có thể bao gồm tẩy da chết nhẹ nhàng. Các cách thường được áp dụng bao gồm:

- Ngâm vùng da bị ảnh hưởng trong nước muối.

- Ngâm vùng bị ảnh hưởng trong nước ấm và sau đó chà nhẹ theo chuyển động tròn bằng đá bọt.

- Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm có chứa chất tẩy tế bào chết, như axit glycolic, axit alpha hydroxy, axit lactic, axit salicylic hoặc urê.

- Chải tóc cẩn thận để loại bỏ vảy trên da đầu.

- Đối với những trường hợp nặng, sử dụng thuốc chứa vitamin A như acitretin hoặc isotretinoin để làm chậm quá trình sản xuất tế bào da.

Bên cạnh việc tẩy da chết, sử dụng kem dưỡng ẩm và kem dưỡng da thường xuyên sẽ giúp tăng cường hydrat hóa da, giảm nguy cơ nứt da và giảm diện tích thương tổn.

Ngoài ra, một số cách dễ dàng để giảm các triệu chứng bệnh vảy cá bao gồm:

- Tránh môi trường có không khí lạnh hoặc khô.

- Tắm trong nước mát và giảm tần suất tắm.

- Tránh sử dụng xà phòng có mùi thơm, chất tẩy rửa, rửa cơ thể, dầu gội và dầu xả.

- Không chà xát da quá mạnh.

- Thoa kem dưỡng ẩm ngay lập tức (trong vòng 3 phút) sau khi tắm.

Sau khi dưỡng ẩm, bọc da bằng màng bọc trong vài giờ để giữ độ ẩm vật lý và tăng độ bão hòa cho da. Bên cạnh đó, nên tránh môi trường máy lạnh nhiều, nơi có lò sưởi, sử dụng máy tạo độ ẩm, bảo vệ da khỏi gió hoặc lạnh.

- Tăng cường ăn rau, quả tươi như giá đỗ, cà chua, bắp cải, rau ngót, cam, bưởi, đu đủ,… để bổ sung nguồn vitamin cần thiết cho da.