Chàm sữa là một tình trạng viêm da mạn tính có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở trẻ em đặc biệt là trẻ sơ sinh. Hiện tại chưa có cách chữa dứt điểm nhưng các biện pháp điều trị và tự chăm sóc có thể ngăn ngừa những đợt tái phát. Bài viết này sẽ giúp bạn có thêm những thông tin về bệnh chàm sữa.

Chàm sữa là gì?

Chàm sữa được biết đến với nhiều tên gọi như viêm da cơ địa, lác sữa hay chàm thể tạng. Bệnh thường khởi phát trong 6 tháng đầu đời của trẻ và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Chàm sữa rất dễ tái phát và khó điều trị nếu thời gian bị bệnh kéo dài.

Ở trẻ bị chàm sữa, hệ thống miễn dịch bị rối loạn và hoạt động quá mức. Phản ứng miễn dịch gây viêm làm tổn thương hàng rào bảo vệ da, khiến da khô, ngứa và phát ban. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi nơi trên cơ thể, hay gặp ở má, cổ, cánh tay và bàn chân. Triệu chứng và mức độ nặng của chàm sữa tùy thuộc vào cơ địa của từng đứa trẻ.

cham-sua-lam-da-tre-bi-do-va-bong-troc.webp

Chàm sữa làm da trẻ bị đỏ và bong tróc

Nguyên nhân bị chàm sữa ở trẻ nhỏ

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chàm sữa là cơ địa trẻ dễ dị ứng, tiền sử gia đình có người mắc bệnh chàm, dị ứng, hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng. 

Làn da là hàng rào đầu tiên bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh đến từ bên ngoài như vi khuẩn, virus, chất kích ứng,… Ngoài ra, bệnh chàm sữa có liên quan đến biến thể gen gây ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của da, điều này làm làn da bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường. Bên cạnh đó thì những yếu tố sau đây cũng góp phần tăng nguy cơ bị bệnh:

  • Yếu tố môi trường: Thời tiết, vật dụng mà trẻ tiếp xúc không được vệ sinh sạch sẽ, lông chó mèo, phấn hoa,…
  • Chế độ ăn uống của mẹ: Sữa mẹ là nguồn cung cấp năng lượng chính cho trẻ sơ sinh, nếu trong khẩu phần ăn của mẹ có quá nhiều protein (thịt, hải sản, sữa,…) có thể ảnh hưởng tới khả năng dung nạp của trẻ và gây dị ứng.

>>> XEM THÊM: Bệnh chàm: Các thể lâm sàng

Triệu chứng của bệnh chàm sữa

Triệu chứng bệnh chàm sữa là làn da bị khô, ngứa, ửng đỏ và các mụn nước nhỏ li ti gây khó chịu. Chàm sữa thường xuất hiện ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Vậy biểu hiện của chàm sữa ở trẻ em và trẻ sơ sinh như thế nào? 

Dấu hiệu nhận biết chàm sữa ở trẻ em

Chàm sữa có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể trẻ nhỏ, nhất là những vùng da nóng ẩm dễ tiết mồ hôi. Bên cạnh đó, bố mẹ có thể thấy các triệu chứng như:

  • Sắc tố da có thể bị thay đổi: Xuất hiện vùng da sáng hoặc sẫm màu hơn những vị trí khác.
  • Vùng da phát ban trở nên khô, dày và bong vảy.
  • Xuất hiện phát ban ở trên da mặt, cổ, đầu gối hoặc khuỷu tay, nhất là vùng da quanh mắt của trẻ.

mat-tre-la-noi-de-xuat-hien-cham-sua-nhat.webp

Mặt trẻ là nơi dễ xuất hiện chàm sữa nhất

Dấu hiệu nhận biết chàm sữa ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh là đối tượng hay mắc bệnh chàm sữa nhất. Bố mẹ có thể thấy những triệu chứng sau ở trẻ sơ sinh:

  • Da trẻ trở nên khô rát, có vảy và ngứa.
  • Thường thấy phát ban ở má và đôi khi xuất hiện trên da đầu.
  • Xuất hiện các bọng nước li ti, chứa dịch trong.
  • Trẻ hay quấy khóc vì ngứa. Chàm sữa trở nặng dễ gây nhiễm trùng da.

Bệnh chàm sữa ở trẻ nhỏ tiến triển như thế nào?

Thông thường, chàm sữa sẽ tiến triển qua các giai đoạn: Da căng, tấy đỏ, có mụn kèm rỉ nước, chàm hóa, khô da và bong tróc. Các giai đoạn cụ thể như sau:

Giai đoạn đầu: Da bắt đầu xuất hiện những mảng đỏ, hơi ngứa. Xuất hiện các hạt nhỏ li ti màu trắng nổi trên bề mặt da (giai đoạn đầu của mụn nước).

Giai đoạn 2: Các mụn nước với kích thước nhỏ nổi trên bề mặt da. Chúng có thể tập trung lại với nhau để tạo ra mụn nước với kích thước lớn hơn, chứa dịch trong. Mụn nước dễ vỡ và lây lan ra các vùng da khác.

Giai đoạn 3: Kích thước mụn nước tăng dần và cuối cùng vỡ ra. Giai đoạn này thường rất dễ bị nhiễm trùng.

Giai đoạn 4: Mụn nước vỡ ra theo thời gian sẽ tạo thành các mảng sừng dày. Lớp sừng này sẽ bong ra và để lại vùng da mỏng, nhẵn bóng. Giai đoạn này da trẻ khá khô và dễ nứt gây viêm nhiễm. Do đó cha mẹ nên cho trẻ sử dụng kem dưỡng ẩm để giảm thiểu tình trạng này.

Giai đoạn 5: Lớp da mỏng vừa được tái tạo sẽ nhanh chóng bị rạn nứt, tăng bề dày và sắc tố da.

hinh-anh-cham-sua-o-tre.webp

Hình ảnh chàm sữa ở trẻ 

Cần phân biệt chàm sữa với những bệnh nào?

Các tổn thương da trong chàm sữa có nhiều dạng như sẩn, mụn nước, mảng và các nốt ban. Do đó, bố mẹ có thể nhầm lẫn với nhiều bệnh về da khác. Để phân biệt chàm sữa với các bệnh khác cần dựa vào những đặc điểm dưới đây:

  • Viêm da tiết bã: Vị trí tổn thương có nhờn, đóng vảy, không có tiền sử gia đình.
  • Bệnh vảy nến: Tổn thương dạng sẩn hoặc mảng đỏ được che phủ bởi vảy da dày màu bạc, bóng láng.
  • Viêm da tiếp xúc: Chỉ phát ban ở khu vực tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, không có tiền sử gia đình.
  • Rôm sảy: Mụn nước tập trung ở vùng da ẩm và nóng. Tình trạng bệnh tăng lên khi trời nóng và giảm khi thời tiết mát mẻ.
  • Mề đay: Nốt sẩn nổi gờ trên bề mặt da, tập trung thành từng đám hoặc rải rác.

Chàm sữa có nguy hiểm không? 

Bệnh chàm sữa ở trẻ em nhìn chung không quá nguy hiểm. Đây là một loại bệnh ngoài da, không lây và không gây nguy hại đến tính mạng của trẻ. Tuy nhiên nếu bệnh tiến triển nặng thì có thể gây nhiễm trùng da. 

Các biến chứng có thể gặp của chàm sữa:

  • Hen suyễn và viêm mũi dị ứng: Hơn 50% trẻ bị chàm sữa giai đoạn nặng phát triển thành một trong hai loại bệnh này.
  • Da có vảy, ngứa mạn tính: Có thể tiến triển thành viêm da thần kinh. Nếu gãi vào vùng da bị ngứa sẽ làm tăng cảm giác ngứa. Tình trạng này có thể làm cho da bị đổi màu và dày hơn.
  • Nhiễm trùng da: Việc gãi nhiều lần làm tổn thương bề mặt da gây viêm loét. Những điều này làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn và virus gây bội nhiễm.
  • Ảnh hưởng tới giấc ngủ: Bệnh chàm sữa có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ. Bởi vì cảm giác ngứa gây khó chịu cho trẻ nhỏ, nhất là vào ban đêm.

cham-sua-tro-nang-co-the-gay-nhiem-trung-da.webp

Chàm sữa trở nặng có thể gây nhiễm trùng da 

Bố mẹ cần làm gì để chăm sóc trẻ bị chàm sữa?

Các bậc phụ huynh nên trang bị cho mình sự hiểu biết về các biện pháp chăm sóc để góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng bệnh. Chăm sóc đúng cách đóng một vai trò rất quan trọng bên cạnh các biện pháp điều trị. 

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị chàm sữa

Trong quá trình chăm sóc cho trẻ mắc bệnh chàm sữa, bố mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Dưỡng ẩm cho da của trẻ ít nhất 2 lần/ngày: Phụ huynh có thể sử dụng thuốc mỡ hoặc kem dưỡng ẩm. Da của trẻ nhỏ rất nhạy cảm do đó hãy chọn sản phẩm phù hợp và không gây kích ứng.
  • Tránh các tác nhân làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh như: Xà phòng, phấn rôm, bụi, lông chó mèo, phấn hoa,… Hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ em có thể khởi phát bệnh khi ăn một số loại thực phẩm. Do đó, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc xác định thực phẩm tiềm ẩn có nguy cơ gây dị ứng.
  • Sử dụng quần áo có chất liệu mềm, nên tránh cho trẻ sử dụng các sản phẩm từ len hoặc sợi tổng hợp gây bí da. Áo quần nên được giặt bằng chất tẩy rửa nhẹ, không có chất tẩy trắng và làm mềm vải.
  • Nên sử dụng các loại sữa tắm dịu nhẹ dành cho trẻ nhỏ. Sử dụng nước ấm để giảm tình trạng ngứa ngáy khó chịu cho trẻ.
  • Cha mẹ nên đặt máy tạo độ ẩm trong phòng của trẻ để giảm tình trạng khô da, nên sử dụng trong cả mùa đông lẫn mùa hè.

duong-am-da-cho-tre-de-tranh-mac-benh-cham-sua.webp

Dưỡng ẩm da cho trẻ để tránh mắc bệnh chàm sữa

Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ bị chàm sữa

Bên cạnh những lưu ý trong cách chăm sóc trẻ bị chàm sữa thì chế độ dinh dưỡng cũng là một trong các yếu tố quan trọng cần được lưu tâm. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý góp phần tăng sức đề kháng và giảm thiểu nguy cơ tái nhiễm bệnh chàm sữa.

  • Đối với trẻ sơ sinh đang trong thời kỳ bú sữa, mẹ nên cho con bú trong thời gian lâu nhất có thể. Nếu cai sữa sớm sẽ làm giảm khả năng miễn dịch của trẻ. Chế độ ăn của mẹ cũng nên cân bằng giữa các loại thực phẩm, giảm thiểu việc dung nạp quá nhiều protein (đạm), lipid (chất béo) và thực phẩm cay nóng cũng như những thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng.
  • Nếu chưa xác định được trẻ có dị ứng thức ăn hay không, phụ huynh nên cân nhắc khi cho trẻ ăn những loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng (trứng, sữa, hải sản, các loại đậu,…). Ít nhất là trẻ đủ 12 tháng tuổi mới cho dùng những loại thực phẩm trên.
  • Nếu trẻ hoặc người trong gia đình đã có tiền sử dị ứng với một số loại thực phẩm thì bố mẹ phải tránh cho bé sử dụng những loại thực phẩm đó.
  • Bổ sung cho trẻ đầy đủ các dưỡng chất, vitamin, khoáng chất,… để tăng cường sức đề kháng.

khong-su-dung-thuc-pham-de-gay-di-ung-trong-che-do-an-cua-tre-bi-cham-sua.webp

Không sử dụng thực phẩm dễ gây dị ứng trong chế độ ăn của trẻ bị chàm sữa

Cách chữa chàm sữa như thế nào?

Ngày nay, tỷ lệ trẻ em mắc chàm sữa ngày càng gia tăng. Căn bệnh này rất khó để điều trị dứt điểm và có thể tái phát bất kỳ lúc nào dù đã được điều trị thành công. Điều quan trọng là phải nhận biết sớm bệnh, điều trị đúng cách. 

Các loại thuốc trị chàm sữa

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại kem và thuốc trị chàm sữa cho trẻ. Tuy nhiên mỗi loại đều có ưu nhược điểm khác nhau và có thể gây ra một số tác dụng phụ. Do đó việc lựa chọn loại thuốc và lưu ý khi sử dụng phải được tham khảo từ bác sĩ chuyên khoa. 

Dưới đây là một số phương pháp điều trị chàm sữa thường được sử dụng:

  • Kem dưỡng ẩm: Giảm thiểu tình trạng da khô và bong tróc giúp cải thiện tình trạng bệnh. Các loại kem thường được sử dụng: Ceradan, cetaphil, physiogel,…
  • Steroid tại chỗ: Là phương pháp điều trị chàm sữa chính hiện nay, thường dùng là hydrocortisone, triamcinolone hoặc betamethasone. Tuyệt đối không sử dụng các loại kem trị chàm sữa chứa corticosteroid với nồng độ cao cho trẻ bởi vì những loại này có thể làm da teo, mất màu và ảnh hưởng xấu đến chức năng thận.
  • Thuốc điều hòa miễn dịch: Tacrolimus là một chất điều hòa miễn dịch hoạt động như một chất ức chế calcineurin. Các vết bỏng rát do chàm thường biến mất trong vòng 2-3 ngày khi sử dụng tacrolimus 0,03%. 
  • Thuốc kháng sinh: Oxacillin, cephalexin, cefadroxil,… được chỉ định khi có tình trạng bội nhiễm, vết chàm có nguy cơ nhiễm trùng, sưng tấy, mưng mủ và trẻ bị sốt cao. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ sử dụng kháng sinh liều cao, trừ trường hợp trẻ bị bội nhiễm. Việc sử dụng thuốc kháng sinh nên tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ.

thuoc-khang-sinh-duoc-chi-dinh-khi-tre-bi-cham-sua-boi-nhiem.webp 

Thuốc kháng sinh được chỉ định khi trẻ bị chàm sữa bội nhiễm 

Cách trị chàm sữa theo dân gian

Điều trị chàm sữa bằng các bài thuốc dân gian cũng là một phương pháp được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn. Trẻ nhỏ có một làn da rất nhạy cảm, do đó việc sử dụng những nguyên liệu tự nhiên sẽ giảm thiểu tác dụng không mong muốn. Nếu con của bạn chỉ bị chàm sữa ở mức độ nhẹ thì có thể điều trị tại nhà bằng những cách sau:

  • Dầu dừa: Đầu tiên phải vệ sinh da thật sạch rồi nhẹ nhàng thoa dầu dừa lên da. Sau khoảng 5 phút, tiếp tục thoa lớp tiếp theo. Để dầu dừa trên da tầm 20 phút sau đó dùng nước rửa lớp dầu còn thừa trên da. Để đạt hiệu quả tốt nhất thì nên sử dụng hàng ngày.
  • Lá trầu không: Rửa thật sạch vài lá trầu không và giã nát rồi lọc lấy nước cốt. Làm sạch da trẻ rồi thoa nước cốt lên vùng da bị chàm. Nên sử dụng 1-2 lần/ngày và liên tục trong 2 tuần.
  • Lá sim: Lấy một ít lá sim đem đi rửa sạch rồi cho một lượng nước vừa đủ vào nồi để nấu. Khi nào thấy hỗn hợp trong nồi đặc như cao thì tắt bếp để nguội. Sử dụng cao lá sim bôi lên vùng da tổn thương của trẻ. Nếu kiên trì sử dụng hàng ngày thì tình trạng bệnh sẽ được cải thiện.

su-dung-dau-dua-rat-hieu-qua-cho-tre-bi-cham-sua.webp

Sử dụng dầu dừa rất hiệu quả cho trẻ bị chàm sữa

Một số thành phần tự nhiên hỗ trợ điều trị chàm sữa an toàn cho trẻ

Các bài thuốc dân gian điều trị chàm sữa phần lớn được truyền miệng mà chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác dụng. Chính vì lý do đó mà bố mẹ cần lựa chọn các thảo dược đã được chứng minh hiệu quả đối với bệnh lý về da. Dưới đây là một số thành phần mà bạn có thể tham khảo:

  • Chitosan: Đã được nghiên cứu tại trường Đại học Y Harvard năm 2011 chứng minh tác dụng kháng khuẩn đồng thời kích thích cơ thể tạo mô mới giúp làm lành vết thương.
  • MSM: Là hợp chất được tìm thấy trong thực vật, động vật và con người. Có tác dụng giảm viêm, tăng cường miễn dịch, duy trì lớp collagen và tăng cường keratin. Thúc đẩy quá trình liền sẹo và làm mềm da.
  • Ba chạc: Có tác dụng kháng khuẩn, giảm ngứa, tiêu viêm và kích thích hình thành da non.
  • Lá sòi: Có khả năng sát trùng, đặc biệt là loại vi khuẩn nguy hiểm như trực khuẩn mủ xanh.

Phối hợp sử dụng các thành phần tự nhiên kể trên có thể tăng hiệu quả điều trị chàm sữa, đồng thời hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn cho trẻ.

Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn tổng quan về bệnh chàm sữa. Nếu có thắc mắc gì về bệnh chàm sữa, hãy để lại bình luận hoặc số điện thoại để được giải đáp chính xác nhất.

Tài liệu tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions

https://www.aafp.org/afp/1999/0915/p1191.html

https://www.healthline.com/health/atopic-dermatitis