Vẩy phấn hồng (Pityriasis rosea) là một bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên, nữ nhiều hơn nam, thường bắt đầu bằng một đốm hồng ban tróc vẩy to ở vùng ngực, bụng hay lưng và sau đó lan rộng khắp người. Bệnh xảy ra nhiều nhất vào mùa xuân và mùa thu, thường tự khỏi sau 4-8 tuần không để lại dấu vết. Tuy nhiên, vì bệnh gây khó chịu và dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh ngoài da khác cũng có sang thương hồng ban tróc vẩy nên bệnh nhân cần phải được hướng dẫn xử trí đúng.  

Nguyên nhân vẩy phấn hồng

Nguyên nhân gây bệnh chính xác của vẩy phấn hồng vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, nhiều tài liệu đã chỉ ra rằng, sự suy giảm miễn dịch là yếu tố hàng đầu khiến bệnh bùng phát. Vì một lý do nào đó, hệ miễn dịch nhận diện nhầm và tấn công chính những tế bào biểu bì khỏe mạnh, khiến chúng chết đi nhanh chóng và hình thành các mảng da tổn thương.

Bên cạnh đó, một số tác nhân khác khiến vẩy phấn hồng tiến triển nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như nhiễm chủng herpes virus HHV6, HHV7. Tuy nhiên, người ta cũng không cho rằng bệnh có thể truyền nhiễm. 

58.jpg

Hình ảnh bệnh vảy phấn hồng

Bạn được khuyến cáo nên đi khám bệnh khi có các triệu chứng đặc biệt sau:

- Xuất hiện mảng hồng ban rộng lớn, tróc vẩy ở vùng ngực, lưng, bụng.

- Có nhiều hồng ban xuất hiện tiếp theo khắp ngực, lưng, bụng hay có thể có thêm ở mặt, tứ chi.

11.jpg

Hình ảnh bệnh vảy phấn hồng

Triệu chứng vẩy phấn hồng

- Khởi đầu: Vẩy phấn hồng điển hình thường bắt  đầu bằng một đốm hồng ban rộng lớn, tróc vẩy, hơi nhô cao trên bề mặt da. Vị trí thường gặp ở ngực, bụng, lưng – gọi là mảng hồng ban khởi đầu. 

- Tiến triển: Trong từ vài ngày đến vài tuần, nhiều đốm hồng ban nhỏ hơn, khoảng 0,5cm - 2cm, tróc vẩy, xuất hiện tiếp tục khắp ngực, lưng, bụng phân bố theo dạng hình cây thông. Sang thương có thể ngứa và hiếm gặp ở vùng mặt hay tứ chi. 

- Màu: Sang thương vẩy phấn hồng thường xếp giống hình vẩy cá và có màu hồng. Nếu người mắc có da sậm màu, sang thương có thể có màu xám, nâu sậm hay màu trắng.  

- Triệu chứng khác: Khoảng 50% người bị vẩy phấn hồng cũng có các triệu chứng nhiễm trùng hô hấp trên như: Nghẹt mũi, đau cổ họng, ho… trước khị mảng hồng ban khởi đầu của vẩy phấn hồng xuất hiện. 

Nếu đã được chẩn đoán là bị vẩy phấn hồng mà sang thương vẫn không khỏi sau 3 tháng, cần phải đến tái khám ngay.  

Vẩy phấn hồng thường được chẩn đoán xác định nhanh chóng dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu lúc bệnh mới khởi phát, vẩy phấn hồng cần được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh ngoài da khác như: Lang ben, nấm da, chàm, vẩy nến, giang mai II. Một số trường hợp phải cần đến các phương pháp cận lâm sàng như  xét nghiệm huyết học, sinh thiết sang thương da... để xác định chẩn đoán.

Biến chứng của vẩy phấn hồng

- Vẩy phấn hồng có thể gây ngứa nhiều, đặc biệt khi thân nhiệt người mắc quá nóng. 

- Các hồng ban có thể khỏi hoàn toàn không để lại dấu vết. Tuy nhiên nếu da người mắc sậm màu, tại các vị trí của sang thương mất đi có thể còn lưu lại các đốm nâu. 

- Người mắc có thể bị xuất huyết, nổi hạch, sốt cao tùy đợt.