Vảy phấn đỏ nang lông được đánh giá là một trong những bệnh da liễu gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người mắc. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây nên những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cụ thể về bệnh vảy phấn đỏ nang lông để sớm khắc phục và ngăn ngừa kịp thời. Hãy tham khảo ngay!
Vảy phấn đỏ nang lông là bệnh gì?
Vảy phấn đỏ nang lông (hay còn gọi vảy phấn hồng nang lông) là tình trạng rối loạn da với phản ứng viêm và bong tróc liên tục. Biểu hiện nổi bật là những mảng màu đỏ, có đường viền rõ ràng, đóng vảy phía trên, có thể xuất hiện ở mọi nơi trên cơ thể nhưng thường tồn tại một số khu vực nhất định như: Khuỷu tay và đầu gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Hiện nay, chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây ra vảy phấn đỏ nang lông. Tuy nhiên, nhiều tài liệu chỉ ra rằng, yếu tố hàng đầu khiến bệnh lý này khởi phát là do sự rối loạn miễn dịch trong cơ thể, khiến chúng nhận diện nhầm và tấn công chính những tế bào biểu bì khỏe mạnh, làm cho các tế bào này chết đi nhanh chóng, tạo thành những mảng da tổn thương, có vảy bao phủ.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác được xem là tác nhân khiến tình trạng bệnh diễn biến tồi tệ hơn, như: Tác dụng phụ của thuốc, vết tiêm chủng, chấn thương trên da,...
Phân loại bệnh vảy phấn đỏ nang lông
Trên thực tế, vảy phấn đỏ nang lông được phân loại theo độ tuổi, vị trí thường xuất hiện cũng như các biểu hiện kèm theo. Bao gồm:
- Thể người lớn điển hình: Là tình trạng phổ biến nhất, chiếm khoảng 50% tổng số ca mắc. Bệnh thường khởi phát ở đầu, cổ và thân trên như phát ban đỏ, có vảy. Các mảng tổn thương xuất hiện đơn độc trong một vài tuần, sau đó tăng dần mật độ, kết hợp tạo thành các nhóm tổn thương màu đỏ cam. Thời gian sau đó, tình trạng này lan dần xuống phần dưới cơ thể và có thể bao phủ hầu hết cơ thể. Lòng bàn tay và lòng bàn chân bị dày sừng, có thể phát triển các vết nứt, gây đau đớn và khiến việc cầm, nắm, đi lại trở nên khó khăn.
- Thể người lớn không điển hình: Chiếm 5% trong tất cả các trường hợp bị vảy phấn đỏ nang lông. Chúng thường ảnh hưởng đến chân, tay với sự dày lên của da ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Đôi khi, tình trạng rụng tóc cũng liên quan đến bệnh lý này.
- Thể điển hình ở trẻ em: Chiếm 10% trong tất cả các trường hợp. Các biểu hiện tương tự như thể điển hình ở người lớn, nhưng thời gian khởi phát từ thời ấu thơ.
- Thể vòng cung ở trẻ em: Có tỷ lệ khoảng 25% trên tổng số ca mắc. Thể bệnh này ảnh hưởng đến trẻ em trước tuổi dậy thì và được đặc trưng bởi các mảng đỏ có đường viền rõ ràng, kèm theo nang lông xuất hiện nhiều trên đầu gối và khuỷu tay, cũng như làm dày sừng da ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.
- Thể không điển hình ở trẻ em: Chiếm khoảng 5%, thường mang yếu tố di truyền, khi có thành viên khác trong gia đình mắc bệnh thì nguy cơ cao đứa trẻ cũng sẽ khởi phát bệnh vảy phấn đỏ nang lông.
- Thể liên quan đến HIV: Thể bệnh này được tìm thấy ở những người nhiễm HIV với đặc trưng là các đốm đỏ có vảy xung quanh nang lông; Lòng bàn tay, lòng bàn chân bị dày sừng hoặc không.
Phương pháp điều trị vảy phấn đỏ nang lông
Tùy tình trạng của người mắc và tổn thương trên da mà bạn cần lựa chọn những phương pháp khắc phục triệu chứng phù hợp. Điều trị tại chỗ hoặc toàn thân diễn ra đơn lẻ hoặc cũng có thể kết hợp tùy trường hợp. Dưới đây là một số cách thông dụng, bạn có thể tham khảo.
Điều trị tại chỗ
Các sản phẩm bôi ngoài được bào chế dưới dạng gel, kem, thuốc mỡ có khả năng làm mềm da, sạch vảy, kháng viêm, sát khuẩn, giúp làm giảm các triệu chứng khô và nứt, bong tróc, ngứa ngáy, giúp da hồi phục nhanh chóng hơn.
Một số hoạt chất thường được sử dụng là: Acid salicylic, nhựa than, dẫn chất vitamin D, retinoid,...
Quang trị liệu (liệu pháp ánh sáng) sử dụng ánh sáng UV có tác dụng kháng viêm, giảm sưng ngứa cũng được chỉ định trong nhiều trường hợp.
Điều trị toàn thân
Hầu hết những người mắc vảy phấn đỏ nang lông được sử dụng thuốc để kiểm soát các triệu chứng của họ.
Retinoids đường uống (acitretin, isotretinoin) thường được thử nghiệm trước tiên. Nếu không đáp ứng, bạn có thể sử dụng methotrexate, cyclosporine, azathioprine đều là những hoạt chất có khả năng ức chế miễn dịch, giúp ngăn chặn các triệu chứng bệnh tiến triển nặng.
Bên cạnh đó, hiện nay, liệu pháp sinh học cũng được coi là một lựa chọn hiệu quả nếu tình trạng của bạn không được khắc phục tốt. Chúng bao gồm: Infliximab, ustekinumab, secukinumab, adalimumab.
Tuy các nhóm thuốc trên có khả năng cải thiện triệu chứng bệnh nhanh chóng nhưng đều tiềm ẩn những tác dụng phụ nguy hại đến cơ thể. Do đó, bạn không nên sử dụng lâu dài và cần tham khảo kỹ ý kiến từ chuyên gia.
Minh An