Nguyên nhân nào gây viêm khớp vảy nến?

Viêm khớp vảy nến là bệnh lý mạn tính, bao gồm các triệu chứng điển hình là: Bong tróc, sưng đỏ nhiều vùng da, ngứa ngáy, kèm theo đau nhức, cứng khớp,... Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày của người mắc.

Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, sự rối loạn chức năng của hệ thống miễn dịch là yếu tố hàng đầu khiến bệnh khởi phát. Trong trường hợp này, hệ miễn dịch nhận diện và tấn công nhầm các tế bào biểu bì và mô khớp khỏe mạnh, khiến chúng bị tổn thương nặng nề.

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác khiến viêm khớp vảy nến tiến triển nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như: Chấn thương da, nhiễm khuẩn, thói quen hút thuốc lá, uống rượu, bia, hoặc tác dụng phụ của một số thuốc,... có thể kích hoạt bệnh viêm khớp vảy nến phát triển.

26.jpg

Hình ảnh bệnh vảy nến

Điều trị viêm khớp vảy nến bằng cách nào?

Dưới đây là một số phương pháp thường được áp dụng trong điều trị viêm khớp vảy nến, mời bạn cùng tham khảo:

Điều trị bằng thuốc

Nhằm kiểm soát sớm các triệu chứng bong tróc, tổn thương trên da cùng tình trạng viêm đau khớp, sử dụng thuốc là giải pháp cho hiệu quả nhanh chóng. Bạn có thể được chỉ định kết hợp:

- Thuốc bôi tại chỗ: Chứa hoạt chất gây tê nhẹ, giảm đau để thoa vào vị trí khớp sưng, cộng với chế phẩm có acid salicylic, nhựa than, dẫn xuất vitamin D,... giúp khắc phục những tổn thương khi bong da, tróc vảy.

- Thuốc điều trị toàn thân:

+ Retinoid đường uống, corticoid,... có thể được sử dụng nhằm kiểm soát phản ứng viêm trong cơ thể, hạn chế bong tróc da, ngứa ngáy nhưng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa, gan, thận, hoặc gây rối loạn chuyển hóa.

+ Thuốc chống thấp khớp (DMARDs): Đặc trị cho biểu hiện viêm khớp, ngăn chặn các tổn thương nghiêm trọng. Một số hoạt chất thường được sử dụng bao gồm: Methotrexate, leflunomide, sulfasalazine,... Tuy có hiệu quả nhất định nhưng sử dụng nhóm thuốc này cũng khó tránh khỏi các tác dụng phụ như: Tổn thương gan, ức chế tủy xương, nhiễm trùng phổi,...

+ Thuốc ức chế miễn dịch: Trong một số trường hợp sẽ được chỉ định nhằm ngăn ngừa quá trình sản sinh tế bào da quá mức. Tuy nhiên, sử dụng loại thuốc này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm nên cần cân nhắc khi áp dụng. 

Phẫu thuật

Nếu viêm khớp vảy nến gây tổn thương nặng nề trên hệ thống khớp, khiến người mắc không thể vận động, đi lại thì chỉ định phẫu thuật khớp là điều cần thiết. Người mắc cần thực hiện thay khớp nhân tạo làm bằng kim loại hoặc nhựa để cải thiện quá trình di chuyển.

Thực hiện chế độ sinh hoạt hợp lý

Ngoài điều trị viêm khớp vảy nến bằng thuốc, một chế độ sinh hoạt hợp lý sẽ giúp người mắc hồi phục và ngăn ngừa bệnh tiến triển. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích, cùng tham khảo bạn nhé:

- Hạn chế thịt đỏ, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, các thực phẩm dễ gây dị ứng như: Tôm, cua, nhộng tằm,...

- Bổ sung trái cây, rau xanh giàu vitamin A, C, E, omega-3,... có khả năng chống oxy hóa, ngăn ngừa các yếu tố gây hại từ môi trường, cùng với khoáng chất như: Canxi, sắt, magie,... vừa giúp cải thiện tình trạng xương khớp, vừa làm lành nhanh tổn thương da.

- Tránh căng thẳng, lo âu kéo dài.

- Bảo vệ da, tránh trầy xước.