Vảy nến móng là một trong những bệnh tự miễn phổ biến nhất. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng tình trạng này có thể gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người mắc. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho quý độc giả 6 mẹo chăm sóc tại nhà cực hiệu quả khi bị vảy nến móng. Mời các bạn cùng tham khảo!

Vảy nến móng là bệnh gì?

Bệnh vảy nến nói chung và vảy nến móng nói riêng gây ra bởi sự rối loạn của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Chúng nhận diện nhầm và tấn công các tế bào móng, biểu bì; khiến chu kỳ chết của tế bào bị rút ngắn, dẫn tới tăng sinh nhanh chóng nhưng không tự bong ra mà tích tụ tạo thành mảng.

Trên thực tế, vảy nến móng có thể xuất hiện ở cả tay và chân, tuy nhiên, tỷ lệ móng tay bị bệnh cao hơn. Ngoài ra, người mắc cũng có thể bị vảy nến ở những vùng da khác trên cơ thể.

Triệu chứng thường gặp của bệnh vảy nến móng

Nếu nghi ngờ bị vảy nến móng, bạn hãy kiểm tra móng tay, móng chân của mình để tìm dấu hiệu của bệnh, bao gồm:

- Xuất hiện những vết lõm nhỏ, tạo thành rãnh trên móng tay, móng chân.

- Móng bị đổi màu thành trắng đục, vàng hoặc nâu.

- Có hiện tượng gãy, vỡ, móng xù xì, thô ráp. Đôi khi còn tách hẳn móng ra khỏi ngón tay hoặc ngón chân.

- Tăng lớp sừng hoặc xuất huyết ở nền da dưới móng tay, móng chân.

- Khoảng ⅓ trường hợp mắc bệnh có nguy cơ cao bị nhiễm nấm khiến móng tay ngày càng dày lên.

Vảy nến móng có thể gây nên biến chứng gì?

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh vảy nến ở móng tay, móng chân có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn:

- Tổn thương da toàn thân: Khi vảy nến móng lan rộng và tiến triển nặng có thể gây nên hồng ban tróc vảy trên toàn bộ diện tích da và gây ngứa ngáy.

- Viêm khớp vảy nến: Thực tế, có tới 25% người bị vảy nến móng sẽ bị viêm khớp vảy nến. Bệnh lý này tấn công các khớp nhỏ của ngón tay, một số khớp lớn hơn ở bộ phận khác hoặc cả cột sống. Đây là một bệnh viêm khớp mạn tính rất đau đớn, khiến người mắc gặp khó khăn trong quá trình vận động cũng như sinh hoạt hàng ngày.

- Bệnh lý tim mạch, huyết áp: Người bị vảy nến móng có nguy cơ mắc chứng huyết áp cao, nhịp tim không đều, xơ vữa động mạch, suy tim dẫn đến đột quỵ,... với tỷ lệ lớn gấp đôi so với người bình thường.

- Bệnh thận: Một số trường hợp mắc bệnh có thể gây suy giảm chức năng thận và gây biến chứng lên cơ quan này dẫn tới tình trạng ứ nước, tích tụ độc tố, sưng phù toàn thân, lâu dần gây viêm thận cấp, suy thận và hội chứng thận hư.

- Bên cạnh đó, vảy nến móng còn có thể gây nên một số biến chứng trên mắt, hệ thần kinh và hội chứng chuyển hóa da nguy hiểm khác.

6 cách chăm sóc hiệu quả tại nhà cho người bị vảy nến móng

Để hỗ trợ điều trị cũng như phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng, người bị vảy nến có thể tham khảo 6 cách chăm sóc hiệu quả tại nhà sau đây:

1. Giữ móng tay ngắn: Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng móng bị tách ra khỏi nền da ở ngón tay, ngón chân. Nó cũng có thể giúp ngăn ngừa sự tích tụ chất bẩn bên dưới móng gây nên nhiễm khuẩn.

2. Mang giày, dép thoải mái, tránh cọ xát gây tổn thương và khiến tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.

2. Sử dụng đồ bảo hộ: Nếu có thể, hãy đeo găng tay và đi giày khi làm bất kỳ công việc nào kể cả nấu cơm, dọn nhà, làm vườn,... Đặc biệt, bạn nên hạn chế tiếp xúc với các chất tẩy rửa vì có thể làm cho bệnh nghiêm trọng hơn.

3. Giữ ẩm: Bệnh vảy nến móng gây nên tình trạng khô da và móng tay của bạn. Do đó, bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm sau mỗi lần rửa tay và trong vòng ba phút sau khi tắm để giúp tạo độ ẩm cần thiết.

4. Không cắn móng tay hoặc tự loại bỏ da thừa xung quanh vì có thể làm tổn thương làn da của bạn và tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, khiến triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

5. Hạn chế dùng móng tay giả: Nhiều người bị vảy nến móng có xu hướng dùng móng giả hoặc sơn móng tay để che đi khuyết điểm. Tuy nhiên, hóa chất trong các loại sơn và keo dính có thể làm ảnh hưởng xấu đến móng và vùng da xung quanh. Do đó, để bảo vệ da của bạn một cách tốt nhất, hãy tránh xa các sản phẩm này.

6. Nếu tình trạng chưa được cải thiện, bạn có thể kết hợp sử dụng các loại thuốc uống và bôi ngoài theo chỉ dẫn của bác sĩ để hạn chế sự tiến triển bệnh và giảm các biến chứng nguy hiểm. Các nhóm thuốc thường được sử dụng là nhóm chống viêm, ức chế miễn dịch, ức chế sự chết của tế bào,... Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như: Nhờn thuốc, gây viêm gan, suy gan, suy thận, rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng đến quá trình đông máu,...