Vẩy nến và vẩy phấn hồng có những biểu hiện giống nhau nên dễ nhầm lẫn khiến điều trị sai gây nguy hiểm cho người bệnh. Vậy cách phân biệt 2 bệnh này như thế nào?

Phân biệt vẩy nến và vẩy phấn hồng

Vẩy nến và vẩy phấn hồng nhìn qua thì có nhiều triệu chứng giống nhau khiến bệnh nhân nhầm lẫn và tự điều trị sai cách. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, 2 loại bệnh ngoài da này cũng có những điểm khác nhau, cụ thể như sau:

1. Khái niệm bệnh

Vẩy nến là bệnh tự miễn mạn tính, với tổn thương chủ yếu ở ngoài da, một số trường hợp khác gây tổn thương móng, khớp xương, tim mạch và thận. Bệnh điều trị rất khó khăn vì hiện nay chưa có loại thuốc nào chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh thường tái phát và không tập trung ở một đối tượng nào.

Vẩy phấn hồng là bệnh cấp tính gây tổn thương có giới hạn ngoài da. Khi bệnh tấn công, cơ thể sẽ xuất hiện các đám tổn thương da màu hồng như hình huy hiệu. Vẩy phấn hồng thường xuất hiện ở trẻ em và gây tổn thương cấp tính trong khoảng 6 tuần là thuyên giảm.

26.jpg

Hình ảnh bệnh vảy phấn hồng

 2. Nguyên nhân gây bệnh

Vẩy nến khởi phát do các nguyên nhân sau:

- Di truyền.

- Do áp lực, stress kéo dài.

- Môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với chất độc, khói bụi thường xuyên.

- Tổn thương da mà không được vệ sinh sạch sẽ.

- Tác dụng phụ của thuốc tây.

- Nhiễm khuẩn, nhiễm virus.

- Mắc bệnh rối loạn chuyển hóa.

Vẩy phấn hồng có thể do các nguyên nhân sau:

- Tự nhiễm độc.

- Nhiễm vi sinh vật: Nấm mốc, lao, vi khuẩn, virus….

- Mắc hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch HIV-AIDS.

3. Dấu hiệu bệnh vẩy nến và vẩy phấn hồng

Vẩy nến gây ra những thương tổn nghiêm trọng và dai dẳng hơn so với vẩy phấn hồng. Biểu hiện của bệnh có thể kể đến, đó là:

- Da xuất hiện các vùng bị đỏ, có vẩy trắng. Khi cạo lớp vẩy đó sẽ xuất hiện vùng da hồng như sáp nến. Lúc khởi phát, vùng da này nhỏ nhưng càng ngày càng lan rộng.

- Da ngứa ngáy, khó chịu. Nhiều trường hợp còn bị nứt, chảy máu.

- Da xuất hiện các vùng da đỏ rát, có mụn mủ. Sau đó, mụn vỡ gây viêm loét và đóng vẩy khi khô. Đây là biểu hiện của vẩy nến thể mủ.

- Vẩy nến ở móng: Bệnh thường cư trú ở móng tay và móng chân người bệnh làm móng giòn dễ gãy, thậm chí có các nốt chấm trắng trên móng.

Vẩy phấn hồng sẽ có các dấu hiệu nhận biết sau:

- Da xuất hiện các đốm hồng ban đỏ, xung quanh có màu hồng, đậm nét hơn so với bên trong. Các tổn thương này có hình tròn hoặc bầu dục kích thước từ 1-3 cm.

- Các tổn thương da thường hết sau 5-6 tuần và không để lại sẹo.

Dựa vào các thông tin trên, bạn có thể so sánh và phân biệt rõ ràng vẩy nến và vẩy phấn hồng. Điều quan trọng là khi phát hiện bệnh, bạn cần đi khám bác sĩ để tìm được phương pháp chữa bệnh phù hợp nhất.