Vảy nến thể mảng là một trong những thể bệnh tự miễn thường gặp nhất trên da. Tình trạng này không chỉ khiến người mắc đau đớn, khó chịu mà còn gây mất thẩm mỹ. Vậy đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng này? Làm sao để cải thiện nhanh chóng và hiệu quả? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây để có thông tin cụ thể nhất!
Vảy nến thể mảng là bệnh gì?
Vảy nến là một bệnh có cơ chế hình thành bởi sự nhầm lẫn của hệ thống miễn dịch trong cơ thể, dẫn đến việc tấn công chính những tế bào biểu bì trên da, khiến chu kỳ tồn tại của chúng bị thay đổi và gây nên những tổn thương lan rộng. Bệnh lý này bao gồm nhiều thể khác nhau, chẳng hạn: Vảy nến thể giọt, vảy nến thể mảng, vảy nến thể đồng tiền, vảy nến đỏ da toàn thân, vảy nến thể khớp, vảy nến đảo ngược,... nhưng trong đó, vảy nến thể mảng là phổ biến nhất.
Đây là thể mạn tính, tiến triển trong khoảng một vài năm trở lên và bệnh nhân có thể phải chung sống suốt đời. Đợt cấp của bệnh xen kẽ các đợt thuyên giảm. Đặc trưng của tình trạng này là những mảng da tổn thương đường kính khá rộng từ 5 - 10 cm, tồn tại ở các vùng lưng, ngực, xương cùng, khuỷu tay, đầu gối, mặt trước cẳng chân,... Đồng thời, những vùng da này thường xuyên đóng vảy trắng bạc, bong tróc, có thể khô nứt, chảy máu, viền da xung quanh cũng bị sưng đỏ.
Đâu là nguyên nhân gây vảy nến thể mảng?
Chưa có tài liệu nào phân tích nguyên nhân chính xác của bệnh, tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng, bệnh vảy nến nói chung và vảy nến thể mảng nói riêng đều được sinh ra do sự rối loạn của hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tế bào biểu bì, dẫn đến chu kỳ tồn tại của chúng bị rút ngắn chỉ còn 3 - 4 ngày, trong khi thời gian bình thường của quá trình này là 28 - 30 ngày, từ đó hình thành nên mảng trên da.
Bên cạnh đó, một số yếu tố sau đây góp phần làm bùng phát bệnh vảy nến:
- Yếu tố di truyền: Nguy cơ mắc phải bệnh vảy nến thể mảng tăng cao khi trong gia đình bạn có người bị các bệnh tự miễn (vảy nến, eczema, vảy cá,...).
- Chấn thương: Có thể gây nên sự bùng phát bệnh vảy nến.
- Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn khu trú trong đường hô hấp có thể gây nên viêm mũi họng, viêm amidan,... từ đó làm phát triển bệnh vảy nến thể mảng.
- Căng thẳng thần kinh, lo âu kéo dài: Cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc phải và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
- Rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hoá: Khiến bệnh vảy nến dễ tái phát và tiến triển nghiêm trọng hơn.
- Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, béo phì, thừa cân cũng có thể kích thích triệu chứng của bệnh vảy nến thể mảng xuất hiện.
Các phương pháp điều trị vảy nến thể mảng hiện nay
Hiện nay, vảy nến chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, người mắc đừng nên quá lo lắng, bởi có rất nhiều phương pháp điều trị giúp giảm triệu chứng ngứa ngáy, sưng, viêm đỏ, từ đó phòng ngừa tái phát hiệu quả. Chúng bao gồm: Dùng thuốc điều trị, quang hóa trị liệu, kết hợp các biện pháp thay đổi lối sống.
Sử dụng thuốc điều trị
Thuốc điều trị vảy nến bao gồm dạng dùng ngoài da hay điều trị tại chỗ (thuốc dạng bôi, kem, gel) và điều trị toàn thân (đường uống, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch).
- Thuốc điều trị ngoài da được dùng khi tổn thương của vảy nến thể mảng ở mức độ nhẹ hoặc mới hình thành. Người mắc thường được chỉ định sử dụng các loại thuốc mỡ, kem, gel bôi có tác dụng bong sừng bạt vảy, giảm ngứa ngáy, chống viêm, từ đó cải thiện triệu chứng của bệnh. Bạn cũng cần thường xuyên theo dõi tình trạng tổn thương trên da xem có đáp ứng với thuốc không để có biện pháp xử trí cho phù hợp.
- Thuốc điều trị toàn thân được chỉ định khi xuất hiện tổn thương tại nhiều vị trí với mức độ trung bình đến nặng. Tuy nhiên, các loại thuốc này thường tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nguy hiểm đến gan, thận, chuyển hóa nên bạn cần thận trọng khi dùng.
Quang trị liệu
Đây là phương pháp sử dụng chùm tia UV chiếu trực tiếp lên các vùng tổn thương da do vảy nến thể mảng, từ đó cải thiện triệu chứng hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này cũng gây ra một số tác dụng phụ như: Bỏng da, phồng rộp, làm tăng nguy cơ ung thư da,... nên người dùng cần tham khảo kỹ tư vấn từ chuyên gia.
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt
Người bị vảy nến thể mảng được khuyên nên có lối sống khoa học, lành mạnh để cải thiện triệu chứng cũng như ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ dễ gây bùng phát bệnh. Chúng bao gồm:
- Áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh: Tích cực bổ sung rau xanh, trái cây, giảm tiêu thụ thịt đỏ...
- Thường xuyên tập luyện, tăng cường vận động.
- Dưỡng ẩm da thường xuyên.
- Bảo vệ da khỏi ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường, như: Thoa kem chống nắng khi ra ngoài trời, tránh làm trầy xước da,…
- Kiểm soát tốt căng thẳng, lo âu.
- Hạn chế uống rượu, bia.
- Ngừng hút thuốc lá.