Vảy nến thể giọt là một trong những thể điển hình của vảy nến, với tổn thương đặc trưng gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và thẩm mỹ của người mắc. Vảy nến thể giọt có lây không, cách khắc phục hiệu quả như thế nào? Để có lời giải đáp thích hợp, mời bạn tham khảo ngay bài viết sau đây!
Vảy nến thể giọt là bệnh gì? Có lây không?
Theo thống kê, vảy nến thể giọt là thể bệnh phổ biến thứ 2 chỉ sau vảy nến thể mảng, với tỷ lệ khoảng 10% tổng số các ca mắc. Triệu chứng điển hình của bệnh được ghi nhận là:
- Da sưng đỏ, tổn thương xuất hiện thành đám nhỏ, hình giọt nước, có viền xung quanh. Chúng ở rải rác trên nhiều vùng da, nhưng dễ gặp nhất tại các vị trí như: Tay, chân, bụng, lưng,…
- Có vảy trắng bạc ở phía trên vùng da sưng tấy, bong tróc thường xuyên. Một số trường hợp còn xuất hiện mủ bên dưới, vỡ ra, sau đó sẽ khô lại, tích tụ lại thành các lớp dày, xếp chồng lên nhau.
- Da bị khô nứt, rất ngứa ngáy khiến bạn cào gãi thường xuyên.
Bệnh thường tiến triển qua 3 giai đoạn, từ sự xuất hiện những đốm nhỏ cho đến khi lan rộng trên hầu khắp cơ thể, gây ảnh hưởng rất lớn đến vẻ bề ngoài của người mắc. Chính điều này khiến những người xung quanh “nảy sinh” tâm lý sợ hãi, lo lắng khi tiếp xúc và nhận thấy những tổn thương nghiêm trọng trên da, từ đó càng khiến người mắc trở nên tự ti, thu mình.
Nhưng chúng ta cần nhấn mạnh rằng, vảy nến nói chung hay vảy nến thể giọt nói riêng không có khả năng lây truyền từ người này sang người khác, kể cả khi chạm phải. Bởi, nguyên nhân “gốc rễ” của tình trạng trên là do sự suy giảm chức năng của hệ thống miễn dịch, không liên quan trực tiếp đến tác nhân vi khuẩn, virus.
Tuy nhiên, người bị vảy nến thể giọt cần lưu ý, các tổn thương có thể lan rộng từ vị trí này sang vị trí khác nếu không kiểm soát tốt. Bởi vậy, bạn hãy chú ý khắc phục vảy nến thể giọt ngay từ giai đoạn đầu để ngăn chặn các triệu chứng tiến triển tồi tệ hơn.
Nguyên nhân nào khiến vảy nến thể giọt hình thành?
Trên thực tế, vẫn chưa có khẳng định chính xác về nguyên nhân gây bệnh vảy nến thể giọt. Tuy nhiên, nhiều tài liệu đã chỉ ra rằng, hệ miễn dịch bị suy giảm chức năng khiến chúng nhận diện nhầm và tấn công những tế bào da khỏe mạnh, khiến chu kỳ sống của các tế bào này bị rút ngắn chỉ còn 3 - 4 ngày thay vì 28 - 30 ngày như bình thường, do đó không bong tróc ra kịp nên xếp chồng lên nhau, gây nên những đốm da tấy đỏ, đóng vảy, khó chịu, bứt rứt.
Vảy nến thể giọt liên quan trực tiếp đến hệ miễn dịch
Ngoài ra, những tác nhân từ môi trường cũng góp phần khiến các triệu chứng bệnh tiến triển nhanh chóng và tồi tệ hơn. Chẳng hạn như:
- Mắc bệnh nhiễm khuẩn: Những người bị viêm họng do liên cầu khuẩn, viêm xoang, viêm amidan và các bệnh đường hô hấp trên khác có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hay ngược lại, gây kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể.
- Hút thuốc lá: Thói quen này ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe nói chung và đặc biệt có thể kích hoạt bệnh vảy nến thể giọt bùng phát mạnh mẽ.
- Tổn thương da: Do tai nạn, chấn thương làm trầy da, vết xăm mình hoặc cháy nắng.
- Tác dụng không mong muốn của thuốc như: Điều trị cao huyết áp, chống sốt rét, điều trị rối loạn lưỡng cực,... có thể làm bùng phát đợt bệnh mới.
- Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại, hoặc lo lắng, stress kéo dài gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, từ đó làm trầm trọng thêm biểu hiện vảy nến thể giọt.