Vảy nến thể giọt là một trong những thể điển hình của vảy nến, có thể gây nên những tổn thương nghiêm trọng trên da nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời. Nếu đang lo lắng về tình trạng này và mong muốn tìm cách cải thiện hiệu quả, mời bạn theo dõi ngay những thông tin trong bài viết sau!
Thế nào là vảy nến thể giọt?
Vảy nến thể giọt là bệnh da liễu khá phổ biến, khu trú trên tay, chân, thân người, da đầu,... Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em và người lớn dưới 30 tuổi. Theo Tổ chức Bệnh vảy nến Quốc gia (NPF), khoảng 8% những người bị vảy nến sẽ phát triển thành vảy nến thể giọt.
Không giống như vảy nến thể mảng, các tổn thương do vảy nến thể giọt có kích thước nhỏ hơn, sần sùi, màu đỏ hay hồng đậm, tách rời nhau, kèm theo bong tróc vảy trắng. Các đợt bùng phát bệnh thường xảy ra đột ngột, ngày càng lan rộng nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời.
Tuy nhiên, vảy nến thể giọt hay bất kỳ dạng nào của vảy nến đều không lây lan cho người khác khi tiếp xúc da kề da, nên bạn có thể yên tâm về tình trạng của mình hoặc khi tiếp xúc với người bị bệnh.
Hình ảnh bệnh vảy nến
Nguyên nhân gây bệnh cho tới nay vẫn chưa được xác định cụ thể, nhưng theo các chuyên gia, sự rối loạn, suy giảm miễn dịch trong cơ thể là yếu tố hàng đầu khiến bệnh khởi phát. Trong trường hợp này, hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào biểu bì khỏe mạnh, khiến chúng chết đi nhanh chóng, gây ra hiện tượng bong tróc, khô ngứa, sưng đỏ trên da.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng có thể tác động khiến vảy nến thể giọt tiến triển trầm trọng hơn, như: Chấn thương da, nhiễm khuẩn đường hô hấp, tác dụng phụ của thuốc,...
Chữa vảy nến thể giọt bằng cách nào?
Dưới đây là một số phương pháp thường được áp dụng để kiểm soát nhanh triệu chứng của vảy nến thể giọt. Cùng tham khảo bạn nhé:
Dùng thuốc
Kem bôi hoặc thuốc mỡ là phương pháp điều trị đầu tiên cho loại bệnh vảy nến này. Chúng thường chứa steroid hàm lượng thấp, bởi giúp ngăn chặn phản ứng miễn dịch của cơ thể, nhờ đó kiểm soát quá trình sản sinh tế bào da. Bạn nên áp dụng một hoặc hai lần mỗi ngày. Hoặc dùng kem có chứa nhựa than đá có thể làm giảm viêm và ngứa.
Các loại thuốc chữa vảy nến thể giọt khác bao gồm:
- Cyclosporine: Một loại thuốc có khả năng ức chế phản ứng miễn dịch trong cơ thể, nhờ đó hạn chế vảy nến tiến triển.
- Methotrexate: Có tác dụng ức chế miễn dịch, thường được sử dụng trong các trường hợp bệnh ở giai đoạn nghiêm trọng hoặc khi những phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
- Corticoid: Đây là những hormone steroid tương tự như hormone do tuyến thượng thận sản xuất. Chúng có thể giúp giảm mẩn đỏ, ngứa và viêm.
- Thuốc sinh học: Thường được sản xuất từ đường, protein hoặc axit nucleic. Chúng là những loại thuốc đặc hiệu nhằm ngăn chặn các cytokine gây viêm...
Bên cạnh sử dụng thuốc, có những liệu pháp khác có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, chẳng hạn như quang trị liệu (cho da tiếp xúc trực tiếp với tia UV) giúp kiểm soát triệu chứng vảy nến thể giọt ngoài da, hay chăm sóc tại nhà để sớm cải thiện tình trạng bệnh.
- Hạn chế chấn thương.
- Vệ sinh da nhẹ nhàng bằng khăn ẩm và nước ấm, dưỡng ẩm hoặc dùng thuốc bôi ngay sau đó để hấp thu dưỡng chất nhanh chóng hơn.
- Tăng cường trái cây và rau xanh giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
- Hạn chế thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, rượu, bia hay các chất kích thích khác,...
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng,...