Nguyên nhân gây bệnh vảy nến ở tay

Vảy nến là bệnh tự miễn trên da mạn tính, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Tình trạng này thường xuất hiện ở nhiều vùng da khác nhau, trong đó có tay. Nguyên nhân gây vảy nến ở tay chưa được khẳng định nhưng nó được cho là có liên quan đến sự rối loạn hệ miễn dịch.

- Các tế bào miễn dịch (chủ yếu là bạch cầu) có khả năng nhận diện và chống lại các tác nhân lạ như vi khuẩn, virus. Vì một lý do nào đó, các tế bào này lại tấn công biểu bì da khỏe mạnh, khiến chúng tăng sinh và chết đi nhanh chóng chỉ trong 3 – 4 ngày thay vì 28 – 30 ngày như chu kỳ bình thường. Các tế bào da chết không kịp bong ra, xếp chồng lên nhau, dẫn đến hình thành những mảng tổn thương tấy đỏ, sưng viêm và đóng vảy trắng bạc.

Bên cạnh đó, một số yếu tố từ môi trường có thể khiến triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, chẳng hạn như:

- Chấn thương: Trầy xước da, vết cắn của côn trùng,...

- Nhiễm khuẩn: Đặc biệt là viêm họng liên cầu.

- Stress, căng thẳng kéo dài.

- Hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia.

- Một số loại thuốc như: Lithium, thuốc hạ huyết áp như thuốc chẹn beta, thuốc chống sốt rét,... có khả năng khiến bệnh bùng phát đột ngột.

Triệu chứng bệnh vảy nến ở tay

Vảy nến ở tay không chỉ gây tổn thương da mà còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác, khiến cho người mắc gặp khó khăn trong sinh hoạt và làm mất thẩm mỹ.

Dưới đây là những biểu hiện đặc trưng của tình trạng này:

- Da cánh tay có thể gặp phải vảy nến thể mảng, thể giọt, mủ,... với những tổn thương tấy đỏ, sưng viêm và bong tróc kéo dài, có thể kèm theo mụn mủ trắng, gây đau rát, ngứa ngáy. Khi mủ vỡ ra có thể gây nên những tổn thương nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị kịp thời.

- Bàn tay và đầu ngón tay thường xuất hiện vảy nến thể mủ với nhiều nốt chứa đầy dịch dưới vị trí da tổn thương.

- Ở móng: Người bị vảy nến móng tay có thể gặp phải tình trạng móng bị đổi màu, sần sùi, gồ ghề, xuất hiện những vết lõm, tạo thành rãnh. Nguy hiểm hơn, sự tăng sừng ở vùng da dưới móng làm móng khó bám chắc và bật ra ngoài.

- Tổn thương tới khớp: Đối với tình trạng nặng, vảy nến còn ảnh hưởng đến các khớp ngón tay, gây sưng đau, co cứng, đặc biệt là vào buổi sáng, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người bệnh. Một số trường hợp còn bị dính khớp, dẫn tới tàn tật suốt đời.

Vảy nến ở tay có lây không?

Nguyên nhân không phải do những vi sinh truyền nhiễm nên vảy nến ở tay hoàn toàn không lây từ người bệnh sang người lành, kể cả qua tiếp xúc da kề da. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, các tổn thương có thể lan ra toàn thân khiến việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều.

Tuy không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng vảy nến ở tay có tính chất di truyền. Nếu gia đình có cả bố mẹ đều mắc thì nguy cơ con gặp phải tình trạng này lên tới 41%.

Các phương pháp điều trị vảy nến ở tay hiện nay

Thực tế, hiện nay chưa có thuốc chữa vảy nến khỏi hoàn toàn. Các biện pháp được áp dụng chủ yếu nhằm cải thiện nhanh triệu chứng và hạn chế tổn thương nghiêm trọng hơn. Dưới đây là một số cách phổ biến:

Điều chỉnh lối sống

Đây là phương pháp đơn giản, có thể áp dụng lâu dài và được áp dụng đầu tiên cho mọi trường hợp bị vảy nến ở tay. Cụ thể:

- Thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học: Hạn chế ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt dê,... và các thực phẩm giàu protein khác; Bổ sung thức ăn chứa nhiều omega-3 như cá ngừ, cá hồi, vừng đen,... Tăng cường rau xanh, trái cây; Không sử dụng rượu bia, hút thuốc lá.

- Vận động thường xuyên, tập luyện ít nhất 30 phút/ngày, 4-5 lần/tuần với các bài tập như: Đạp xe, bơi lội, yoga,...

- Kiểm soát tốt căng thẳng, thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, bằng cách đọc sách, xem phim, tập thiền,...

- Hạn chế để da tay tiếp xúc với chất tẩy rửa mạnh.

- Dưỡng ẩm da thường xuyên.

- Bảo vệ da, đặc biệt là vùng tay khỏi bị trầy xước, cháy nắng bằng cách mặc quần áo dài tay, thoa kem chống nắng khi ra ngoài.

Sử dụng thuốc

Các chế phẩm dùng ngoài da và theo đường uống thường được kết hợp sử dụng. Thuốc bôi sẽ giúp làm sạch da, kháng viêm, dịu cơn ngứa ngáy. Thuốc uống có tác dụng toàn thân, giúp ức chế miễn dịch, kháng viêm nên tăng cường việc cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây nên nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, chẳng hạn: Suy giảm chức năng gan, thận, làm loãng xương, rối loạn chuyển hóa,… Do đó, cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.

Quang hóa trị liệu

Đây là phương pháp cũng được áp dụng phổ biến cho người bị vảy nến ở tay, được thực hiện bằng cách sử dụng chùm tia UV nhân tạo giúp chống sưng viêm, giảm ngứa ngáy. Dù mang đến hiệu quả tốt nhưng trị liệu này vẫn có thể gây nên một số biến chứng như: Phồng rộp, bỏng rát, khiến nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời,...