Vảy nến móng tay là một trong những dạng phổ biến, chiếm tới 78% số trường hợp mắc vảy nến. Không chỉ gây nên tổn thương ngoài da, tình trạng này còn dễ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Vậy vảy nến móng tay có biểu hiện ra sao, mức độ nguy hiểm như thế nào, cách khắc phục là gì? Mời bạn tham khảo ngay những nội dung sau đây để có thông tin cụ thể!
Vảy nến móng tay có biểu hiện ra sao?
Vảy nến móng tay hay bất kỳ vị trí nào trên cơ thể đều là bệnh da liễu mạn tính, có liên quan đến yếu tố miễn dịch. Tình trạng này khiến người mắc rất khó chịu, ngứa ngáy, không chỉ gây mất thẩm mỹ, mà còn ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày.
Chúng ta có thể nhận biết vảy nến móng tay qua những những biểu hiện đặc trưng như:
- Móng thường bị đổi màu, có thể chuyển sang màu trắng ngà, nâu hoặc hơi đục. Sau một thời gian, có thể thấy móng bị rỗ hoặc xuất hiện những chấm trắng, đỏ phía dưới.
- Nền da quanh móng bong vảy trắng bạc, khiến người mắc ngứa ngáy, đau đớn.
- Có hiện tượng tăng sừng dưới móng, khiến móng dày lên, dễ gãy, vỡ, có khi mất móng.
Trên thực tế, nguyên nhân gây nên tình trạng này khá nhiều, chẳng hạn như: Có tiền sử mắc bệnh tự miễn (hen suyễn, viêm da cơ địa,...), chấn thương da, người hút thuốc, uống nhiều bia rượu,... Tuy nhiên, về “gốc rễ”, sự suy yếu của hệ thống miễn dịch chính là yếu tố hàng đầu khiến vảy nến móng tay bùng phát. Trong trường hợp này, hệ miễn dịch đã nhận diện nhầm và tấn công chính các tế bào da, móng khỏe mạnh, khiến chúng chết đi nhanh chóng, hình thành những tổn thương nghiêm trọng ở móng tay và những vị trí xung quanh.
Vảy nến móng tay có nguy hiểm không?
Đa số các trường hợp mắc vảy nến móng tay không bị ảnh hưởng lớn tới tính mạng, tuy nhiên, nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, tình trạng này có thể kéo theo những tổn thương toàn thân. Cụ thể là:
- Viêm da nghiêm trọng: Trong giai đoạn nặng, tình trạng bong tróc da, ngứa ngáy có thể lan ra nhiều vị trí xung quanh. Hơn nữa, nếu không giữ sạch da, người mắc rất dễ bị bội nhiễm, gây tổn thương nặng nề.
- Tổn thương trên mắt: Thường gặp nhất là viêm mí mắt, viêm màng bồ đào.
- Viêm khớp vảy nến: Thực tế, rất nhiều trường hợp bị vảy nến mắc viêm khớp, thường ảnh hưởng tới khớp cổ tay, cổ chân, đầu gối, cột sống. Tình trạng này thường gặp vào sáng sớm, khiến người mắc không thể cử động, di chuyển bình thường.
- Bệnh huyết áp: Người bị vảy nến móng tay có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, viêm cơ tim, suy tim,... gây nguy hiểm tới tính mạng.
Như vậy, người mắc cần chú ý kiểm soát tình trạng bệnh để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm trên.
Cách ngăn ngừa vảy nến móng tay hiện nay
Vảy nến móng tay không khó để khắc phục, tuy nhiên, cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa thường xuyên thì mới ngăn chặn tổn thương lan rộng. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích cho bạn, hãy tham khảo ngay nhé:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa như: Xà phòng, nước rửa chén,... để tránh làm tình trạng tổn thương móng và vùng da xung quanh tồi tệ hơn. Tốt nhất nên để móng tay ngắn, nhằm hạn chế nguy cơ gãy, nứt, bật móng xảy ra.
- Dưỡng ẩm thường xuyên, bất kể khi nào cảm thấy khô da.
- Xây dựng một chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng lành mạnh. Hãy chú ý bổ sung các nhóm thực phẩm giàu: Omega-3, beta-caroten, vitamin A, vitamin C,... hay khoáng chất như: Kẽm, sắt,... vừa giúp kháng viêm, giảm ngứa, tăng cường đề kháng, đồng thời nâng cao hiệu quả của các phương pháp điều trị đang thực hiện. Bên cạnh đó, cần hạn chế các loại thịt đỏ, đồ ăn nhanh, rượu, bia, thuốc lá,... vì dễ gây khởi phát đợt cấp của bệnh.
- Thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, lo âu kéo dài.
- Tích cực tập luyện thể thao, giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể.