Vảy nến móng tay là một trong những biểu hiện của bệnh vảy nến trên tay, không chỉ ảnh hưởng đến bề mặt da mà còn liên quan đến móng tay và những vị trí khác trên cơ thể. Vậy đây là bệnh lý như thế nào? Biểu hiện ra sao? Làm thế nào để khắc phục hiệu quả mà vẫn an toàn? Mời bạn tham khảo ngay bài viết sau đây để có thông tin cụ thể!
Vảy nến móng tay là bệnh gì?
Móng tay là một phần của da, vì vậy không quá ngạc nhiên khi một bệnh ngoài da như vảy nến có thể ảnh hưởng đến móng tay. Móng mọc từ gốc móng, nằm ngay dưới lớp biểu bì. Ở những người phát triển bệnh vảy nến móng tay, có thể gây ra rỗ và bong móng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chưa được khẳng định rõ ràng nhưng người ta tin rằng, sự suy yếu, rối loạn của hệ miễn dịch là yếu tố gây khởi phát bệnh. Một số tác nhân từ môi trường như: Chấn thương, thay đổi thời tiết, tác dụng phụ,... cũng có thể khiến bệnh vảy nến móng tay tiến triển nặng hơn.
Những biểu hiện đặc trưng của bệnh vảy nến móng tay
Vảy nến móng tay có những điểm đặc trưng và gây biến đổi nhiều vùng da và móng trên cơ thể:
- Vùng da quanh móng tay bị tấy đỏ, đóng vảy, có khi bong tróc, tạo thành đám màu trắng bạc, gây ngứa ngáy, khô nứt da, dẫn đến chảy máu. Nếu không được khắc phục sớm thì tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng theo thời gian.
- Rỗ móng tay: Bề mặt móng phát triển những lỗ nhỏ, đôi khi rất sâu, phát triển thành rãnh.
- Bật móng: Nhiều người gặp phải tình trạng móng bị tách ra khỏi nền da, tạo thành một khoảng trống phát triển dưới móng. Sau đó sẽ xuất hiện một mảng trắng hoặc vàng ở đầu móng tay, kéo dài xuống lớp biểu bì. Móng tay có thể rơi ra hoàn toàn hoặc bị vỡ dần. Ngoài ra, khoảng trống giữa móng và nền da phía dưới có thể bị tấn công bởi các vi khuẩn, chẳng hạn như pseudomonas, tạo ra sắc tố màu xanh đậm. Móng có thể bị nhiễm trùng và dễ nhầm lẫn với nấm móng hay khối u dưới móng.
- Tăng sừng dưới da: Đây là một chất phấn tích tụ dưới móng, khiến móng nhô lên, trở nên mềm hơn. Tình trạng này khiến người mắc cảm thấy rất khó chịu khi đi giày do bị cọ xát nhiều.
- Đổi màu: Tổn thương có thể khiến màu móng chuyển sang vàng hay nâu.
- Nhiễm nấm thứ phát: Người bị vảy nến móng tay có thể nhiễm nấm gây ra dày móng. Điều này có thể xuất hiện cùng lúc với vảy nến móng tay và có thể khiến nhầm lẫn trong chẩn đoán. Người ta ước tính rằng, khoảng 35% những người bị bệnh vẩy nến móng tay cũng có thể bị nhiễm nấm, làm cho tình trạng tổn thương móng tồi tệ hơn.
Ngoài những thay đổi này, bạn có thể bị bong móng theo chiều dọc và vết đỏ dưới móng, được gọi là xuất huyết splinter, do các mạch máu nhỏ vỡ ra.
Bên cạnh đó, một số thay đổi ở móng gây nên bởi việc sử dụng thuốc retinoid toàn thân. Tuy đây là phương pháp giúp cải thiện tình trạng bong tróc da khi bị vảy nến nhưng có thể khiến móng mỏng đi và dễ gãy hơn. Kể cả sau khi ngừng thuốc, những biến đổi này trên móng tay có thể mất vài tháng để hồi phục.
Vảy nến móng tay có thể cải thiện bằng cách nào?
Trên thực tế, chưa có cách điều trị vảy nến móng tay khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, các biện pháp chăm sóc móng sẽ giúp khắc phục triệu chứng, đồng thời ngăn chặn những tổn thương nghiêm trọng hơn.
Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích dành cho bạn:
- “Chiến lược” cơ bản giúp ngăn chặn tiến triển bệnh là giữ cho móng tay ngắn. Bạn hãy cố gắng cắt, giũa chúng đến vị trí thích hợp, đảm bảo cho móng giữ được sự chắc chắn để hạn chế ảnh hưởng của môi trường xung quanh.
- Hãy bảo vệ móng tay của bạn khỏi bị hư hại vì điều này có thể làm tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Cân nhắc đeo găng tay để bảo vệ móng của bạn khi thực hiện bất cứ công việc gì, đặc biệt trong trường hợp phải chạm vào chất tẩy rửa như: Xà phòng, nước rửa chén,...
- Tuyệt đối không làm sạch các chất bẩn bên dưới móng tay bằng vật sắc nhọn hoặc bàn chải. Điều này có thể làm gia tăng tổn thương và làm cho tình trạng bệnh của bạn tồi tệ hơn. Bạn có thể làm sạch bằng cách ngâm móng tay trong nước ấm.
- Không cắn móng tay hoặc cào gãi, loại bỏ vùng da bong tróc xung quanh vì có thể làm ảnh hưởng xấu đến làn da của bạn, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, khiến triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Dưỡng ẩm da thường xuyên: Thoa kem dưỡng ẩm vào móng tay và lớp biểu bì hoặc ngâm chúng trong dung dịch chuyên dụng để làm mềm da, dịu tổn thương.
- Tăng cường các thực phẩm giàu omega-3 từ cá biển, vitamin C, E,... và nhiều khoáng chất khác từ rau, củ, quả hàng ngày. Chúng có khả năng chống oxy hóa mạnh, giảm viêm tốt, từ đó góp phần cải thiện nhanh các triệu chứng của bệnh vảy nến móng tay.
- Vận động thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe toàn diện và nâng cao đề kháng, giúp cơ thể chống lại những tác nhân từ môi trường.