Vảy nến là gì là thắc mắc của rất nhiều người, không phải chỉ riêng đối tượng đang bị bệnh. Đây là bệnh da liễu khá phổ biến, tuy không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng có thể khiến người mắc tự ti, mặc cảm, thậm chí trầm cảm. Vậy, làm thế nào để phát hiện vảy nến? Nguyên nhân và cách điều trị ra sao cho hiệu quả? Hãy giải đáp các thắc mắc trên trong bài viết dưới đây.
Vảy nến là gì? Triệu chứng thường gặp ra sao?
Theo ước tính, vảy nến ảnh hưởng đến khoảng 125 triệu người trên thế giới, trong đó có khoảng 2,5 triệu người Việt Nam. Đây là bệnh tự miễn gây ra các tổn thương da đỏ, sưng, viêm và có vảy trắng. Đường kính tổn thương từ 2 – 20 cm và thường tập trung ở vùng tì đè như khuỷu tay, đầu gối, da đầu,… Đây là triệu chứng của bệnh vảy nến thể mảng. Ước tính, có khoảng 100 triệu người có các triệu chứng của vảy nến thể mảng ít nhất 1 lần trong đời.
Ngoài vảy nến thể mảng, bạn cũng có nguy cơ mắc các loại vảy nến khác như:
- Vảy nến thể giọt: Bệnh gây ra các tổn thương đỏ, sưng viêm, có vảy trắng bao phủ với vảy nến giọt từ 2 – 20mm và mọc tập trung ở cánh tay, chân hoặc lan ra toàn thân. Trẻ nhỏ, thanh thiếu niên thường bị loại bệnh này.
- Vảy nến thể mủ: Xuất hiện các đám mụn đầu mủ trắng trên nền da viêm đỏ. Bệnh thường tập trung ở bàn chân, bàn tay hoặc toàn thân.
- Vảy nến đảo ngược: Tổn thương da màu đỏ tươi, mịn, không có vảy ở các nếp gấp da như nách, háng, lớp da dưới ngực.
- Vảy nến đỏ da toàn thân: Da toàn thân đỏ rộp, có lớp vảy trắng bao phủ. Đây là loại vảy nến hiếm gặp và rất nguy hiểm bởi nó có thể khiến người mắc sốt, ớn lạnh, rối loạn nhịp tim,...
- Vảy nến thể móng: Vảy nến ở móng khiến móng chân, tay bị sần sùi, đổi màu, biến dạng, thậm chí gây mất móng.
- Vảy nến thể khớp (viêm khớp vảy nến): Khớp bị vảy nến tấn công sẽ sưng, viêm và đau, tấy đỏ. Khớp ngón tay, ngón chân thường được vảy nến khớp “hỏi thăm”.
Nguyên nhân gây vảy nến
Hiện nay, nguyên nhân gây vảy nến chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, nó có liên quan đến sự suy yếu của hệ miễn dịch và các yếu tố nguy cơ từ môi trường.
- Rối loạn hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng cách ngăn chặn, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus. Nhưng khi bị vảy nến, hệ miễn dịch rối loạn sẽ tấn công nhầm tế bào da, khiến các tế bào da chết sau 3 – 4 ngày, thay vì 28 – 30 ngày như bình thường. Những tế bào này liên tục di chuyển lên bề mặt và không thể rơi ra khỏi cơ thể nên chúng tích tụ lại, gây viêm và tạo thành các tổn thương đỏ có vảy trắng.
Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị vảy nến, bao gồm:
- Yếu tố lịch sử gia đình, di truyền.
- Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc vảy nến.
- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực, thuốc chẹn beta,… cũng làm tăng nguy cơ bị vảy nến.
- Nhiễm trùng.
- Tổn thương da do trầy xước, vết tiêm chủng, xăm hình,…
- Uống quá nhiều rượu bia.
- Nghiện hút thuốc lá.
- Da bị cháy nắng.
- Stress kéo dài.
Vảy nến có lây không?
Vảy nến là bệnh tự miễn, không phải do virus, vi khuẩn nên KHÔNG lây nhiễm thông qua tiếp xúc từ người mắc bệnh. Do đó, ôm, bắt tay, dùng chung đồ dùng với người bệnh cũng không thể bị lây.
Vảy nến có di truyền không?
Vảy nến là bệnh có yếu tố di truyền. Nếu bố hoặc mẹ bị vảy nến thì con có tỷ lệ mắc là 8%, còn cả bố mẹ đều mắc vảy nến thì tỷ lệ con bị bệnh là 41%. Theo ước tính, khoảng 10% dân số mang gen vảy nến nhưng chỉ có 2 – 3% trong số này thực sự phát triển bệnh. Do đó, bạn đừng quá lo lắng!
Phác đồ điều trị vảy nến hiệu quả hiện nay
Hiện nay, chưa có phương pháp chữa khỏi vảy nến hoàn toàn nhưng người bệnh có thể áp dụng nhiều cách để kiểm soát triệu chứng hiệu quả và ngăn ngừa tái phát. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến:
Điều trị tại chỗ
Phương pháp này phù hợp với bệnh vảy nến từ nhẹ đến trung bình và tổn thương khu trú, chưa lan rộng. Việc dùng thuốc, kem bôi ngoài da giúp chống viêm, bong sừng bạt vảy, giảm ngứa nên có hiệu quả cải thiện triệu chứng vảy nến. Nhưng hãy cẩn trọng tác dụng phụ của thuốc.
Quang hóa trị liệu
Đây là phương pháp sử dụng ánh sáng tia UV giúp cải thiện triệu chứng bệnh vảy nến. Phương pháp này khá hiệu quả, an toàn nhưng cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư da, bỏng da nếu áp dụng sai cách hoặc kéo dài.
Điều trị toàn thân
Phương pháp này được sử dụng khi người bệnh bị vảy nến trung bình đến nặng và có tổn thương da ở nhiều vị trí trên cơ thể. Những loại thuốc dạng tiêm, uống hoặc truyền tĩnh mạch này có tác dụng giảm triệu chứng vảy nến rất nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nguy hiểm đến gan, thận nên người dùng cần thận trọng.
Thay đổi lối sống kết hợp sử dụng thảo dược
Ngoài việc áp dụng các biện pháp trên, người mắc vảy nến cần:
- Tăng cường vận động, tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày.
- Hạn chế các thực phẩm gây viêm như thịt đỏ (thịt bò, thịt ngựa,…); Hạn chế sữa và những sản phẩm từ sữa; Bổ sung rau xanh, hoa quả tươi, cá biển (cá hồi, cá trích), những loại hạt,… vào thực đơn ăn uống hàng ngày.
- Kiểm soát tốt tình trạng căng thẳng, stress.
- Bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia.
- Bảo vệ da khỏi trầy xước, cháy nắng.