Những dát màu hồng sần sùi, bong tróc trên da rất ngứa, có xu hướng lan rộng ra toàn thân, dễ tái phát không chỉ làm bệnh nhân vẩy nến khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ, giao tiếp, chất lượng cuộc sống.
Vẩy nến có chữa khỏi được không?
Bệnh nhân vẩy nến thường cảm giác xấu hổ, tự ti và che giấu làn da của mình với những người xung quanh. Vẩy nến thường xuất hiện trước tiên ở da đầu, sau đó là vành tai, khuỷu tay, đầu gối, hông,… Trường hợp nặng, bệnh lan ra khắp cơ thể. Những tổn thương vẩy nến xuất hiện trên da có cạnh rõ rệt, hình bầu dục hoặc tròn với màu hồng, được phủ các vẩy màu bạc, dày và đục. Khoảng 30- 40% trường hợp bệnh nhân vẩy nến có móng tay móng chân cũng bị bệnh. Khi đó, móng chuyển sang màu vàng đục, chấm lỗ rỗ, móng dày lên và có hiện tượng bị mủn.
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc chữa khỏi được hoàn toàn bệnh vẩy nến mà chủ yếu giúp giảm sạch thương tổn trên da và kéo dài thời gian không bị tái phát. Các thuốc bôi ngoài hay được bác sĩ chỉ định bao gồm: mỡ salicylic 2%, 3%, 5%, corticoid; thuốc điều trị toàn thân: methotrexate, cyclosporine… Tuy nhiên, bệnh thường kháng trị hoặc dễ tái phát sau khi ngưng sử dụng thuốc. Với đường toàn thân, cần rất thận trọng khi dùng thuốc vì có nhiều tác dụng phụ trên gan, thận và cơ quan tạo máu... Khi dùng thuốc bôi ngoài da, có thể gây teo da, rối loạn sắc tố da, rạn da, viêm da… Bên cạnh đó, biện pháp trị liệu bằng ánh sáng (PUVA, PUVB…) cũng được áp dụng nhưng có thể làm tăng nguy cơ ung thư da.