Vẩy nến khởi phát do di truyền, thói quen sống thiếu khoa học và yếu tố môi trường tác động. Đọc bài viết sau để tìm lời giải cho trăn trở vì sao vẩy nến mãi không tha cho bạn.
Vì sao vẩy nến mãi chẳng BUÔNG THA cho bạn?
Vẩy nến là bệnh tự miễn mạn tính trên da gây nên những thương tổn trầm trọng khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tâm lý. Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị và điều trị khỏi hoàn toàn bệnh mà mới chỉ có các phương pháp ngăn ngừa vẩy nến tái phát cũng như kiểm soát triệu chứng và biến chứng của bệnh.
Nhiều bệnh nhân khi áp dụng đúng phương pháp đã ngăn được tình trạng bệnh tái phát trong thời gian dài nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Có người phải sống với bệnh vẩy nến hàng chục năm cho đến lúc lìa đời bởi áp dụng sai phương pháp điều trị bệnh, chế độ sinh hoạt thiếu khoa học, chủ quan và coi thường biến chứng bệnh. Nếu bạn đang bị vẩy nến mà chữa mãi không khỏi thì hãy đọc ngay xem bản thân có các yếu tố nguy cơ sau đây hay không.
Uống rượu
Rượu, bia là tác nhân quan trọng làm khởi phát cũng như bùng phát dữ dội bệnh vẩy nến. Khi uống rượu, mạch máu giãn nở sẽ làm cho tế bào T – tế bào vẩy nến dễ dàng lẻn vào các lớp da và kích hoạt vẩy nến. Chính vì thế, bạn hãy hạn chế rượu đến mức tối đa.
Không áp dụng chế độ ăn kiêng theo hướng dẫn
Thực phẩm giúp hỗ trợ điều trị vẩy nến rất hiệu quả nhưng cũng chính thực phẩm là tác nhân khiến bệnh vẩy nến trầm trọng hơn. Người bệnh chú ý kiêng các loại thực phẩm sau:
- Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt trâu, thịt bò bởi chúng có thể làm tăng viêm và khiến tình trạng vẩy nến tồi tệ hơn.
- Đường sữa: Đường, sữa cũng là một trong những thực phẩm bạn cần hạn chế sử dụng khi bị vẩy nến.
- Các loại thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh vì có thể làm tình trạng viêm tồi tệ hơn.
Hút thuốc lá
Trong một báo cáo mới nhất thì thuốc lá chứa tới 7000 chất độc, thay vì 4000 chất như đã công bố trước đó. Trong số các chất này thì nicotine là chất độc nhất, làm suy yếu hệ miễn dịch và làm khởi phát vẩy nến cũng như làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh.
Không chăm sóc da khi bị vẩy nến
Làn da vẩy nến rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Một số việc làm dưới đây sẽ khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn và thời gian điều trị bệnh kéo dài hơn:
- Gãi, cạo lớp da tổn thương: Điều này có thể giúp bạn giảm ngứa nhưng lại làm trầm trọng hơn tình trạng vẩy nến.
- Sử dụng các loại chất tẩy rửa, xà phòng có chất tẩy rửa mạnh, làm khô da.
- Vệ sinh da không sạch sẽ làm vi khuẩn xâm nhập vào tổn thương da, gây ổ viêm.
- Không vệ sinh sạch sẽ các tổn thương da như: Xước da, vết cắt, vết bầm tím, vết bỏng, vết sưng, tiêm chủng, hình xăm có thể dẫn đến bùng phát vẩy nến tại các vị trí da bị thương. Tình trạng này được gọi là "hiện tượng Koebner".
Stress
Stress và vẩy nến có mối quan hệ 2 chiều: Vẩy nến làm người bệnh bị và stress và stress kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng vẩy nến. Hãy học cách kiểm soát stress bằng cách thiền, tập yoga, đi bộ... mỗi ngày.
Stress khiến vảy nến ngày càng nặng hơn
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc, chẳng hạn như lithium (thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực), thuốc điều trị sốt rét và một số thuốc chẹn beta (dùng để điều trị tăng huyết áp, bệnh tim) có thể gây bùng phát của các triệu chứng bệnh vẩy nến.
Nhiễm trùng
Một số bệnh nhiễm trùng như viêm họng liên cầu khuẩn (Streptococcus) hoặc viêm amidan có thể dẫn đến vẩy nến thể giọt hoặc các loại bệnh vảy nến khác sau khi bị nhiễm trùng từ 2 đến 3 tuần. Các triệu chứng bệnh vẩy nến có thể tồi tệ hơn ở những người bị HIV.
Thời tiết lạnh và khô
Thời tiết lạnh có thể làm khô da của bạn, khiến vẩy nến bùng phát dữ dội hơn. Ngược lại, thời tiết ấm áp có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh vẩy nến.