Đều gây tổn thương và mất thẩm mỹ ở bàn tay, cùng với triệu chứng không quá khác biệt khiến nhiều người nhầm lẫn giữa bệnh vảy nến móng tay và nấm móng. Vậy hai tình trạng này có gì khác biệt? Làm sao để trị vảy nến móng tay hiệu quả? Mời các bạn cùng tìm hiểu thông tin hữu ích có trong nội dung bài viết dưới đây!

Vảy nến móng tay, nấm móng là bệnh gì?

Vảy nến móng tay là một bệnh tự miễn gây ra các mảng tổn thương trên da, đặc biệt là những vùng da xung quanh và nền da dưới móng tay.

Theo nghiên cứu, tình trạng này tương đối phổ biến với tỷ lệ trên 50% trường hợp mắc vảy nến sẽ có biểu hiện bệnh trên móng tay.

Nấm móng là tình trạng như thế nào?

Nhiễm nấm ở móng tay cũng là bệnh da liễu khá phổ biến, thường gặp ở những người làm công việc tiếp xúc thường xuyên với môi trường ẩm ướt như: Cày cấy, nuôi trồng thủy sản, dọn dẹp hồ bơi, phục vụ khách sạn,...

Nấm móng tay gây nên biến dạng cấu trúc móng và là bệnh mạn tính, rất dễ tái phát.

Nguyên nhân gây nên vảy nến móng tay và nấm móng

Nếu nhìn qua thì triệu chứng bên ngoài của bệnh vảy nến móng tay và nấm móng khá tương đồng nhưng khi quan sát kỹ sẽ thấy những điểm khác biệt, đồng thời nguyên nhân gây nên 2 tình trạng này cũng rất khác nhau. Trước hết, cần khẳng định, nấm móng là một bệnh lây nhiễm, còn bệnh vảy nến móng tay thì không.

Vảy nến móng tay xuất hiện là do sự rối loạn miễn dịch trong cơ thể khiến các tế bào liên tục tăng sinh, tích tụ dần nhưng không tự bong ra và gây nên những tổn thương đặc trưng. Do đó, không thể lây nhiễm từ người bệnh sang người lành, kể cả khi bạn cọ xát trực tiếp vào vị trí tổn thương do vảy nến của người mắc.

Còn nấm móng tay thường thông qua tiếp xúc trực tiếp với một vật hoặc bề mặt mà người khác đã bị nhiễm nấm chạm vào rồi dẫn đến lây bệnh. Nấm móng phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt, ấm áp nên những người bị ra mồ hôi tay hoặc chân có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này. Bên cạnh đó, những người bị suy giảm hệ miễn dịch như: Tiểu đường, HIV,... có thể phát triển các vết loét khó lành sau khi nhiễm nấm. Điều trị kịp thời là điều cần thiết trong trường hợp này để mang lại kết quả tốt hơn và giảm nguy cơ nhiễm trùng nặng. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong điều trị cũng có thể làm hỏng móng tay vĩnh viễn.

Triệu chứng khác biệt giữa bệnh vảy nến móng tay và nấm móng

Với vảy nến móng tay, các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện sau một tổn thương ở bàn tay hay móng tay. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết đặc trưng, bao gồm:

- Thay đổi cấu trúc: Keratin là một loại protein thúc đẩy sự phát triển của da và móng. Bệnh vảy nến móng tay làm kích thích sản sinh nhiều keratin dưới móng, gây nên hiện tượng tăng lớp sừng dưới da. Những người bị tăng sừng có thể nhận thấy một lớp phấn trắng dưới móng tay.

- Vùng da quanh móng tay xuất hiện các mảng tấy đỏ, đóng vảy hoặc bong tróc thành đám màu trắng bạc. Có biểu hiện ngứa, khô da, các tổn thương hở, chảy máu và không lành, tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.

- Rỗ móng: Người bị vảy nến móng tay khiến màu móng chuyển sang ố vàng. Ban đầu, móng có thể bị khô, sau đó phát triển các đường vân ngang, tạo thành những lỗ sâu trên móng.

- Bật móng tay: Không chỉ khiến thay đổi hình dạng mà căn bệnh này có thể làm cho móng tách khỏi nền da, dẫn đến mất móng. Móng tay có thể rơi ra hoàn toàn hoặc vỡ dần ra.

Đối với nhiễm nấm móng lại bao gồm những đặc điểm sau đây:

- Màu móng: Nhiễm nấm có thể gây tăng sắc tố hoặc thay đổi màu sắc của móng. Biểu hiện có thể bắt đầu với những đốm xám mờ, xanh lục hoặc nâu và trở nên sậm màu hơn, lan rộng trong nhiều ngày (bệnh vảy nến thường không gây ra các đốm đen trên móng tay).

- Hình dạng móng: Khác bệnh vảy nến móng tay, nhiễm nấm không gây ra các lỗ trên móng. Thay vào đó, móng có xu hướng thay đổi hình dạng theo thời gian. Chúng có thể trở nên mỏng hoặc phát triển các mảng dày và nhiều khi bị nứt vỡ. Nhiễm nấm có xu hướng thay đổi hình dạng của móng nhưng hiếm khi làm cho móng rụng.

- Sự phát triển: Các tế bào nấm thường có xu hướng “mọc” cùng móng. Chúng “đính” vào một phần cụ thể của móng tay và khi móng phát triển thêm, nấm cũng sinh trưởng và lây lan rộng hơn.

Ngoài các đặc điểm trên, bệnh vảy nến móng tay tuy không lây lan qua tiếp xúc trực tiếp như nhiễm nấm nhưng cả 2 bệnh này đều có tiến triển trầm trọng hơn theo thời gian nếu không được điều trị kịp thời.

Như vậy, nếu gặp phải các triệu chứng ở móng tay như trên thì bạn cần xem xét kỹ để phân biệt và có hướng hỗ trợ điều trị cho phù hợp. Đôi khi, có trường hợp bị vảy nến ở móng tay cũng bị nhiễm nấm nên việc điều trị sẽ khó khăn và lâu dài hơn.