Bệnh vảy nến không chỉ gây đau đớn, khó chịu mà còn khiến mất thẩm mỹ, làm cho người mắc cảm thấy tự ti, e dè khi tiếp xúc với những người xung quanh. Để khắc phục tình trạng này, có rất nhiều phương pháp khác nhau, trong đó chế độ dinh dưỡng là một trong những biện pháp hữu hiệu. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn tham khảo ngay thông tin chi tiết trong bài viết sau!

Vảy nến là bệnh gì?

Vảy nến là tình trạng tổn thương da tương đối phổ biến, có liên quan đến phản ứng tự miễn của cơ thể. Bệnh ảnh hưởng đến 2 - 3% dân số thế giới, được đặc trưng bởi các biểu hiện: Da sưng đỏ, bong tróc vảy liên tục, gây cảm giác ngứa ngáy, nhiều khi đau rát.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định được nguyên nhân chính xác gây bệnh, tuy nhiên, nhiều tài liệu đã chỉ ra rằng, sự rối loạn của hệ thống miễn dịch chính là yếu tố hàng đầu khiến bệnh khởi phát. Bình thường, hệ miễn dịch có nhiệm vụ rà soát và loại bỏ những tác nhân gây hại cho cơ thể, nhưng trong trường hợp này, chúng lại tấn công nhầm các tế bào da khỏe mạnh và rút ngắn chu kỳ sống. Điều này khiến những tế bào chết tích tụ lại, xếp chồng lên nhau, gây nên mảng da tổn thương.

Bệnh vảy nến ảnh hưởng đến cuộc sống của người mắc như thế nào?

Những tổn thương mà bệnh vảy nến gây ra không chỉ gây bất lợi cho sức khỏe, mà còn khiến cuộc sống của người mắc chịu ảnh hưởng nặng nề.

Tổn thương da

Tình trạng da sưng đỏ, phủ vảy dày đặc, bong tróc thường xuyên khiến người mắc đau đớn, khó chịu. Ở những thể bệnh nặng, tổn thương lan rộng khắp người, có khi lở loét, mưng mủ khiến việc điều trị càng khó khăn. Nếu không có biện pháp chăm sóc da kỹ lưỡng, tình trạng viêm trên da tiến triển càng tồi tệ hơn, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng huyết đe dọa tới tính mạng.

Ảnh hưởng đến khớp

Phần lớn người bị vảy nến đều ảnh hưởng đến khớp và cột sống. Các triệu chứng tê cứng, đau, nhức có thể xảy ra ở khớp ngón tay, ngón chân, đầu gối,... khiến người mắc không thể hoạt động bình thường.

Tâm lý bị tác động

Thực tế cho thấy, các trường hợp mắc vảy nến dễ bị người xung quanh xa lánh, khiến họ vốn đã tự ti về tình trạng tổn thương da của mình lại càng thêm xấu hổ. Điều này làm họ buồn bã, lo nghĩ quá mức, tăng nguy cơ trầm cảm, khiến việc điều trị càng thêm khó khăn.

Cần lưu ý gì đến chế độ ăn uống cho người bị vảy nến?

Bên cạnh phương pháp điều trị bằng thuốc, một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ là nền tảng vững chắc cho sức đề kháng của bạn. Đây không chỉ là cách hỗ trợ điều trị vảy nến tích cực mà còn là cách để ngăn ngừa bệnh ngay từ ban đầu.

Bằng việc bổ sung những thực phẩm sau đây, bạn sẽ sớm nhận thấy sự cải thiện về các triệu chứng của mình:

Thực phẩm chứa probiotic

Tiêu thụ thực phẩm chứa men vi sinh là cách tuyệt vời để hỗ trợ tiêu hóa, loại bỏ độc tố, giúp giảm viêm và tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể. Hãy tìm những thực phẩm hữu cơ hay được nuôi cấy như: Sữa chua, kefir (một loại nấm sữa), súp miso, tương nén,...

Thực phẩm giàu chất xơ

Bằng cách tăng lượng thức ăn giàu chất xơ, bạn có thể giúp giữ cho hệ thống tiêu hóa khỏe mạnh, giúp tránh táo bón và kiểm soát tốt quá trình thải độc tự nhiên của cơ thể. Hầu hết các loại trái cây, rau, đậu và hạt đều rất giàu thành phần này nên bạn hãy bổ sung thường xuyên trong các bữa ăn.

Thực phẩm nhiều kẽm

Kẽm là nguyên tố thiết yếu để giữ cho làn da khỏe mạnh. Một số bằng chứng còn cho thấy, kẽm giúp giảm đau và sưng khớp cho những người mắc bệnh vảy nến. Thịt bò ăn cỏ, thịt cừu, hạt bí ngô, đậu xanh đều là những nguồn nguyên liệu chứa kẽm tuyệt vời.

Thực phẩm giàu vitamin A

Đây là hoạt chất quan trọng giúp giảm viêm, chữa lành da hiệu quả. Nguồn vitamin A bạn nên bổ sung bao gồm: Dưa đỏ, cà rốt, xoài, cà chua, cải xoăn,...

Các loại cá

Cá hồi, cá thu, cá trích và cá mòi là nguồn cung cấp vitamin D cũng như axit béo omega-3 tuyệt vời, cả hai đều là chìa khóa để cải thiện triệu chứng bệnh vảy nến hiệu quả. Ngoài ra, đây là loại protein hàng đầu cho người bị vảy nến thay vì thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa thông thường.

Một số loại thảo mộc

Các loại thảo mộc chứa rất nhiều chất chống viêm và chống oxy hóa. Chẳng hạn như curcumin là hoạt chất chính trong củ nghệ, được biết đến với đặc tính giảm viêm, chữa lành da hiệu quả. Một đánh giá khoa học năm 2012 cho thấy hiệu quả của thành phần này trong việc thay đổi hoạt động của yếu tố cytokine - đóng vai trò thiết yếu với việc khởi phát và làm tiến triển các tổn thương trong vảy nến. Một số thảo dược khác cũng có hiệu quả tương tự, đó là: Tỏi, gừng, đinh hương,...