Vảy nến da đầu là tình trạng phổ biến. Rất nhiều người quan tâm những thông tin về bệnh vảy nến da đầu và cách điều trị hiệu quả loại bệnh này, bởi tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng các triệu chứng trên da khiến người bệnh tự ti, mặc cảm. Nếu bạn đang quan tâm đến chủ đề này thì đừng bỏ qua thông tin trong bài viết sau đây.

Triệu chứng bệnh vảy nến da đầu

Bệnh vảy nến da đầu là một rối loạn hệ miễn dịch gây ra sự tích tụ của các tế bào trên bề mặt da. Những tế bào này hình thành vảy dày màu bạc hoặc đỏ và thường gây đau đớn.

Bệnh vảy nến da đầu gây ra các tổn thương đỏ ở phần da đầu. Nó có thể kéo dài ra phía sau cổ, sau tai, gây ngứa, rát và ảnh hưởng đến thẩm mỹ, điều này khiến người bệnh tự ti, mặc cảm.

Nguyên nhân bệnh vảy nến da đầu

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến nói chung và vảy nến da đầu nói riêng đến nay chưa được tìm ra một cách chính xác. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng, nó có liên quan đến hệ miễn dịch bị suy yếu.

Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh bằng cách phát hiện, tiêu diệt virus, vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, khi bị bệnh vảy nến, các tế bào miễn dịch (ở đây là tế bào T) suy yếu, rối loạn nên tấn công các tế bào da. Điều này làm cho thời gian sống của các tế bào da nhanh gấp 10 lần, thay vì sống được 28 – 30 ngày như bình thường, chúng sẽ chết đi sau 3 – 4 ngày và được đẩy lên bề mặt da nhưng không thể rơi ra ngoài cơ thể nên tích tụ lại, gây viêm, hình thành các tổn thương da đỏ, có vảy trắng.

Ngoài nguyên nhân chính trên, một số yếu tố làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh vảy nến da đầu hoặc tăng nguy cơ kích hoạt bùng phát bao gồm: Yếu tố di truyền, lịch sử gia đình; thừa cân, béo phì; stress kéo dài; uống rượu bia quá nhiều; hút thuốc lá; sử dụng một số loại thuốc; chấn thương da; bị nhiễm trùng,...

Vảy nến da đầu có lây không?

Giống như vảy nến ở các vị trí khác, vảy nến da đầu KHÔNG lây nhiễm từ người này sang người khác. Do vậy, bạn có thể tiếp xúc, nói chuyện, bắt tay, dùng chung đồ dùng với người bị vảy nến mà không cần phải lo lắng quá nhiều.

Cách điều trị vảy nến da đầu hiệu quả

Để vượt qua tình trạng vảy nến ra đầu, người mắc cần xác định tâm lý là hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn vảy nến. Các biện pháp như điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân, quang hóa trị liệu,… chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng và ngăn chặn một đợt bùng phát vảy nến mới. Một số lựa chọn bao gồm:

Điều trị tại chỗ

Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho các trường hợp bị vảy nến nhẹ bằng cách sử dụng một loại kem hoặc thuốc bôi trực tiếp lên các tổn thương da đầu để làm mềm vảy và giúp vảy dễ dàng bong ra, từ đó cải thiện triệu chứng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, hãy thận trọng các tác dụng phụ của thuốc để tránh làm bệnh nặng thêm.

Điều trị bằng thuốc toàn thân

Thuốc điều trị toàn thân được sử dụng khi bạn bị vảy nến da đầu nặng hoặc có tổn thương vảy nến ở da đầu và các vùng khác trên cơ thể. Các loại thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống viêm,… cần được sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh biến chứng và tác dụng phụ nguy hiểm đến thận, gan,...

Điều trị bằng quang hóa trị liệu

Tia cực tím (UV) cũng là một lựa chọn điều trị vảy nến da đầu. Phương pháp này sử dụng các loại tia như ánh sáng mặt trời hoặc tia UVA, UVB để chiếu trực tiếp lên tổn thương da, từ đó cải thiện triệu chứng bệnh hiệu quả.

Thay đổi lối sống

Bên cạnh các phương pháp trên, điều quan trọng là bạn phải có lối sống khoa học lành mạnh, cụ thể:

- Tăng cường vận động, ít nhất là 30 phút/ngày với các bài tập thể dục từ đơn giản đến phức tạp như đi bộ, đạp xe, bơi lội,...

- Hạn chế tình trạng stress, căng thẳng: Bạn có thể áp dụng thiền, vẽ tranh, làm vườn, nghe nhạc, viết nhật ký,... để giảm căng thẳng hiệu quả.

- Bỏ hút thuốc lá: Trong thuốc lá có đến 7000 chất độc, nguy hiểm nhất là nicotine. Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp, phổi mà còn có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh vảy nến.

- Hạn chế uống bia rượu: Loại đồ uống này có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh vảy nến và khiến giảm hiệu quả của một số loại thuốc điều trị.