Vẩy nến là bệnh tự miễn mạn tính có thể gặp ở mọi đối tượng, trong đó có cả trẻ em và trẻ sơ sinh. Vậy bệnh vẩy nến ở trẻ em có biểu hiện như thế nào? Cách điều trị ra sao để vừa hiệu quả, lại an toàn? Mời quý độc giả tìm hiểu ngay trong bài viết sau.

Bệnh vẩy nến là gì?

Để tìm cách chữa vẩy nến an toàn, đúng cách cho con em mình, bạn cần hiểu bệnh vẩy nến là gì?

Bệnh vẩy nến (còn được gọi là vảy nến) là một chứng rối loạn tự miễn dịch mạn tính ảnh hưởng đến da. Bệnh làm tăng tốc độ vòng đời của tế bào da, khiến chúng phát triển và chết đi quá nhanh. Các tế bào chết tích tụ trên bề mặt da có thể tạo ra vẩy trắng hoặc bạc bên trên các tổn thương hình mảng dày, đỏ, ngứa và đôi khi gây đau.

vay-nen-the-giot.jpg

Hình ảnh da bị vảy nến 

Bệnh vẩy nến ở trẻ em có nguy hiểm không?

Bệnh vẩy nến ở trẻ em và trẻ sơ sinh được coi là một tình trạng hiếm gặp. Trên thực tế, trẻ em dưới 10 tuổi không có khả năng phát triển bệnh vẩy nến như những đối tượng trong độ tuổi từ 15 đến 35.

Trẻ sơ sinh bị vẩy nến có xu hướng phát triển ở vùng da đóng tã. Điều này làm cho bệnh dễ nhầm lẫn với các tình trạng khác ở trẻ như ngứa, phát ban, rôm sảy, dị ứng hoặc hăm.

Bệnh vẩy nến ở trẻ sơ sinh và trẻ em thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng về sau này. Do đó, điều trị vẩy nến sớm là cách để cải thiện bệnh một cách hiệu quả.

Có 2 loại vẩy nến thường gặp ở trẻ nhỏ là:

- Bệnh vẩy nến thể mảng: Đây là loại phổ biến nhất. Nếu con của bạn có một tổn thương lớn màu đỏ, được bao phủ bởi vẩy màu trắng bạc thì rất có thể, bé đã bị vẩy nến. Mảng bám có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể nhưng thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối, da đầu và lưng dưới.

- Bệnh vẩy nến thể giọt: Loại bệnh vẩy nến này phổ biến hơn ở trẻ em so với người lớn. Nó không có vẩy hoặc dày như mảng bám. Thay vào đó, nó xuất hiện dưới dạng các tổn thương nhỏ, giống như giọt nước, thường thấy ở lưng và chân tay.

Nguyên nhân bệnh vẩy nến ở trẻ em và người lớn không khác nhau nhiều. Bệnh do sự suy yếu của hệ miễn dịch cũng như các yếu tố môi trường sống tác động.

Hệ miễn dịch suy yếu

Hầu hết các tế bào da phát triển và chết đi sau 28 - 30 ngày. Nếu bé bị bệnh vẩy nến, các tế bào da ở vùng bị ảnh hưởng sẽ thay đổi sau 3 – 4 ngày. Những tổn thương nổi lên màu đỏ, có vẩy trắng bạc và ngứa ngáy. Điều này xảy ra là do sự kích hoạt của hệ miễn dịch suy yếu và rối loạn.

Do di truyền

1/3 những người mắc bệnh vẩy nến có ít nhất một thành viên gia đình mắc bệnh này. Nếu bố hoặc mẹ bị vẩy nến, tỷ lệ con bị bệnh này là 8%, còn nếu cả bố mẹ đều bị bệnh thì con sinh ra có 41% bị vẩy nến.

Các yếu tố môi trường sống

Vẩy nến có thể được kích hoạt bởi một căn bệnh như cảm lạnh hoặc viêm amiđan. Các vết thương ở da như vết trầy xước hoặc cọ xát cũng khiến bệnh vẩy nến trầm trọng hơn.

Phát hiện bệnh vẩy nến ở trẻ em thông qua những dấu hiệu nào?

Dấu hiệu bệnh vẩy nến ở trẻ em cũng giống với các triệu chứng ở người trưởng thành. Nếu chú ý quan sát một chút là bạn có thể nhận ra bé có bị vẩy nến hay không.

Triệu chứng vẩy nến đặc trưng bao gồm:

- Da xuất hiện các tổn thương màu đỏ, sưng lên hình giọt nước hoặc thành các mảng lớn hơn.

- Có vẩy trắng hoặc bạc trên bề mặt tổn thương.

- Xuất hiện tình trạng ngứa ngáy.

- Vùng da tổn thương bị khô, đôi khi có thể bị nứt và chảy máu.