Vẩy nến là bệnh tự miễn mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhiều người bệnh bị 20 năm mà vẫn không tìm ra phương pháp kiểm soát bệnh hiệu quả. Tại sao lại như vậy và giải pháp cho họ là gì?
Vẩy nến là gì?
Bệnh vẩy nến không chỉ là tình trạng da mà căn nguyên chính của nó là từ hệ miễn dịch và có nhiều mức độ bệnh từ nhẹ đến nặng.
Vẩy nến là bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu, gây nhầm lẫn và tấn công các tế bào da khỏe mạnh thay vì các tế bào ngoại lai xâm nhập vào cơ thể (vi khuẩn, virus). Điều này khiến tế bào da tăng sinh quá mức và “chết yểu” chỉ sau 3 – 4 ngày được sinh ra thay vì 30 ngày như thông thường. Các tế bào da chết này không có đủ thời gian để rơi ra ngoài cơ thể nên tích tụ lại dưới da, xếp chồng lên nhau và tạo thành những mảng dày sưng đỏ và vẩy trắng. Loại này thường xuất hiện ở da đầu, khuỷu tay, đầu gối.
Tuy nhiên, các dấu hiệu trên đây chỉ là những đặc điểm đặc trưng của thể vẩy nến mảng bám – thể vẩy nến phổ biến nhất. Người bị vẩy nến mảng bám chiếm 80% tổng số người bị vẩy nến. Ngoài ra, bệnh vẩy nến còn có một số loại như sau:
- Vẩy nến thể giọt: Thể bệnh này là những đốm nhỏ màu đỏ trên da. Đây là loại phổ biến thứ hai, ảnh hưởng đến 10% người bị bệnh vẩy nến. Hầu hết thời gian bệnh khởi phát là trong thời thơ ấu hoặc những người trẻ. Các tổn thương thường xuất hiện ở lưng, bụng và chân tay nhưng chúng cũng có thể xuất hiện trên mặt và da đầu của bạn. Tổn thương không dày như bệnh vẩy nến mảng bám nhưng chúng có thể phát triển thành bệnh vẩy nến mảng bám theo thời gian.
- Bệnh vẩy nến đảo ngược: Bệnh vẩy nến đảo ngược thường xuất hiện trong các nếp gấp da, chẳng hạn như dưới vú, nách hoặc háng. Đây là loại bệnh vẩy nến có màu đỏ và mịn màng. Mồ hôi và độ ẩm từ các nếp gấp giữ loại bệnh vẩy nến này không bị có vẩy. Đôi khi nó bị chẩn đoán nhầm là nhiễm nấm hoặc vi khuẩn. Mồ hôi và ma sát làm trầm trọng thêm bệnh.
- Vẩy nến thể mụn mủ: Đây là một hình thức nghiêm trọng của bệnh vẩy nến. Nó phát triển nhanh ở dạng nhiều mụn mủ trắng bao quanh bởi da đỏ. Bệnh vẩy nến mụn mủ có thể ảnh hưởng đến bàn tay, bàn chân hoặc che phủ phần lớn bề mặt da. Những mụn mủ này cũng có thể kết hợp với nhau và mở rộng diện tích ảnh hưởng.
Một số người trải qua các giai đoạn của mụn mủ và thuyên giảm. Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị mụn mủ tổng quát (toàn thân) sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng nguy hiểm như: Sốt, ớn lạnh, mạch đập nhanh, yếu cơ, ăn mất ngon,... và cần phải được cấp cứu ngay lập tức.
- Bệnh vẩy nến đỏ da toàn thân: Đây là một loại bệnh vẩy nến hiếm gặp trông giống như bỏng nặng. Tình trạng này nghiêm trọng và có thể là trường hợp cấp cứu y tế. Bạn cần nhập viện vì cơ thể không thể kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Hình thức bệnh vẩy nến này khiến da đỏ ửng và có vẩy như bị bỏng. Đây là thể bệnh nguy hiểm và cần được can thiệp y tế ngay lập tức.
- Bệnh vẩy nến thể móng: Vẩy nến có thể ảnh hưởng đến móng tay với các dấu hiệu như: Móng sần sùi, đổi màu thành vàng hoặc trắng bệch, da dày dưới móng, móng bị lỏng hoặc mất móng.
- Viêm khớp vẩy nến: Viêm khớp vẩy nến (PsA) là một tình trạng hạn chế về thể chất và đau đớn ảnh hưởng đến 1/3 những người bị bệnh vẩy nến. Bởi vì bệnh vẩy nến là một bệnh tự miễn dịch, nó có thể kích hoạt cơ thể tấn công các khớp và da. Nó có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp và thường trở nên khá nghiêm trọng với các khớp ở tay. Các triệu chứng trên da thường xuất hiện trước các triệu chứng khớp.
Hình ảnh vảy nến thể mủ
Tại sao điều trị vẩy nến lại khó khăn?
Bệnh vẩy nến rất khó điều trị vì một số tế bào T vẫn ở lại trong cơ thể bất chấp các phương pháp điều trị hiện tại. Đây là kết quả của một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Journal of Clinical.
Theo bác sĩ cao cấp Rachel Clark thuộc khoa da liễu, “Khi bệnh vẩy nến được điều trị, các tế bào T bị rút đi như thủy triều. Chúng để lại một quần thể tế bào nổi bật”. Các tế bào T là một phần của hệ thống miễn dịch của cơ thể vĩnh viễn trú ngụ trên da để chống lại nhiễm trùng.
“Chúng tôi tin rằng những tế bào T này là gốc rễ của vấn đề. Hãy tưởng tượng những tế bào này là người tổ chức bữa tiệc. Họ mời rất nhiều tế bào khác đến tham gia, đập phá và quậy hết mình. Chỉ sau khi những tế bào viêm chết và “mọi người” khác về nhà thì chúng ta có thể thấy những thủ phạm này”, Clark nói. “Một số lượng nhỏ các tế bào có thể gây ra rất nhiều rắc rối. Làm suy giảm số lượng tế bào này có thể là chìa khóa để làm chậm bệnh này hoặc ngăn chặn sự tái phát của nó”.
Ngoài nguyên nhân do sự suy yếu hệ miễn dịch đã nói ở trên, bệnh vẩy nến rất dễ bị kích hoạt vì những thói quen sống hàng ngày. Dưới đây là những yếu tố nguy cơ khiến vẩy nến quay lại “ghé thăm” bạn bất kỳ lúc nào.
Yếu tố di truyền
Di truyền là yếu tố quan trọng gây bệnh vẩy nến. Tuy nhiên, không phải ai mang gen bệnh đều khởi phát bệnh mà gen phải kết hợp với những yếu tố nguy cơ khác thì mới phát triển bệnh. Các yếu tố nguy cơ được liệt kê dưới đây.
Uống rượu bia quá nhiều
Uống rượu bia không những ảnh hưởng đến gan, thận, dạ dày mà nó còn làm bùng phát hoặc làm trầm trọng thêm bệnh vẩy nến. Khi uống rượu nhiều, mạch máu giãn nở, làm cho các tế bào T dễ lẻn vào các lớp biểu bì dưới da và tấn công các tế bào biểu bì, gây vẩy nến.
Uống rượu bia khiến vảy nến nặng hơn
Hút thuốc lá
Trong thuốc lá có tới 7000 chất độc, trong đó nicotine là chất nguy hiểm nhất. Hút thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch khiến vẩy nến khởi phát trầm trọng hơn.
Stress, căng thẳng thường xuyên
Stress thường xuyên sẽ làm cho “hệ thống phòng thủ” của cơ thể bị suy yếu, làm khởi phát vẩy nến cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng da. Stress – vẩy nến là vòng luẩn quẩn rất khó thoát ra của người bệnh.
Sử dụng một số loại thuốc
Nhiều người có thói quen sử dụng thuốc bừa bãi, tự ý mua thuốc không qua sự tư vấn của bác sĩ, nhất là các loại thuốc như: Thuốc chống sốt rét, thuốc trị điều trị tăng huyết áp loại chẹn beta,… có thể làm bùng phát vẩy nến.
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Trong ánh nắng mặt trời có rất nhiều tia nguy hiểm cho làn da như tia tử ngoại làm hư hại cho da. Nếu bạn phải ra ngoài vào những ngày nắng nóng, hãy chú ý trang bị đồ bảo hộ cho da như: Quần dài, áo chống nắng, đội mũ, đeo kính và hạn chế ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10h – 16h vì đây là thời gian nắng gay gắt nhất, chứa nhiều tia nguy hiểm nhất.
Lười vận động
Vận động thường xuyên, tập thể dục hàng ngày giúp tăng cường sức khỏe cũng như sức đề kháng của cơ thể. Do đó, lười vận động có thể khiến vẩy nến khởi phát cũng như có mức độ trầm trọng hơn.
Chấn thương da
Tổn thương da không được vệ sinh sạch sẽ có thể khởi phát vẩy nến. Đây là hiện tượng Koebner khiến vẩy nến hình thành ngay trên các vết thương hở như trầy xước, hình xăm, vết tiêm chủng,...
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng có thể kích hoạt vẩy nến. Những người nhiễm HIV/AIDS hoặc viêm họng liên cầu khuẩn có nguy cơ bị vẩy nến cao hơn những người không bị nhiễm các loại virus, vi khuẩn này.
Những yếu tố kể trên đây giải thích vì sao vẩy nến không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể kiểm soát. Việc kiểm soát bệnh cũng phải thực hành thường xuyên, liên tục thì mới ngăn được bệnh vẩy nến tái phát.