Viêm khớp vảy nến là một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh vảy nến. Không chỉ gây tổn thương da mà tình trạng này còn khiến bạn bị sưng đau, cứng khớp, gây khó khăn trong việc vận động, đi lại. Vậy tình trạng này có đặc điểm như thế nào? Làm sao để nhận biết? Mời bạn tham khảo ngay bài viết sau đây để có câu trả lời!
Tại sao bạn bị viêm khớp vảy nến?
Theo nghiên cứu, viêm khớp vảy nến bao gồm các triệu chứng của bệnh viêm khớp và vảy nến, thường tiến triển từ những người đã mắc vảy nến trước đó (tỷ lệ này lên tới 80-90%). Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng không phổ biến ở trẻ em. Nam giới và phụ nữ đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau.
Nguyên nhân của viêm khớp vảy nến chưa được chứng minh rõ ràng nhưng các chuyên gia tin rằng, nó là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó, sự suy yếu, rối loạn của hệ miễn dịch ảnh hưởng nhiều nhất đến quá trình khởi phát và tiến triển của bệnh. Thực tế còn cho thấy, các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt do liên cầu khuẩn có thể gây ra viêm khớp vảy nến. Chấn thương và căng thẳng cũng là yếu tố góp phần khiến bệnh bùng phát, bên cạnh đó, thừa cân, béo phì cũng có ảnh hưởng đến việc phát triển viêm khớp vảy nến. Ngoài ra, sự thay đổi thời tiết thất thường, thói quen xấu như: Hút thuốc lá, tác dụng phụ của một số thuốc có thể khiến tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.
Viêm khớp vảy nến có đặc điểm gì?
Khi bị viêm khớp vảy nến, bạn sẽ gặp phải những triệu chứng sau đây:
- Khớp bị viêm, gây đau, sưng và cứng khớp, có thể chỉ ảnh hưởng đến một số ít khớp hoặc nhiều khớp. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các khớp của cột sống (được gọi là viêm cột sống dính khớp), dẫn đến đau lưng hoặc cổ.
- Toàn bộ ngón chân hoặc ngón tay có thể bị sưng hoặc viêm.
- Viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến nơi gân kết nối với xương, gây viêm và đau. Các khu vực phổ biến bị ảnh hưởng bao gồm: Khuỷu tay, gót chân và mắt cá chân.
- Khớp dễ bị cứng lại sau khi nghỉ ngơi, đặc biệt là vào sáng sớm hoặc buổi tối, làm bạn hạn chế di chuyển, khó vận động.
- Một số trường hợp có thể phát triển bệnh lý ở mắt như viêm màng bồ đào, gây đỏ và sưng.
- Vẫn xuất hiện các biểu hiện bong tróc da, ngứa ngáy, khô nứt của vảy nến.
- Cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức.
- Trong một số trường hợp nghiêm trọng, xảy ra tình trạng dính khớp, dẫn đến liệt chi.
Bên cạnh đó, tình trạng này có một số điểm khác biệt so với những tình trạng viêm khớp khác:
- Viêm khớp vảy nến thường không đối xứng, khác với viêm khớp dạng thấp là dạng đối xứng.
- Viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến các khớp cuối của ngón tay, thường tương ứng với những ngón tay có liên quan đến móng tay.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp, các biểu hiện không quá rõ ràng khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn.
Phương pháp hỗ trợ điều trị viêm khớp vảy nến hiện nay
Tuy hiện tại bệnh viêm khớp vảy nến chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng vẫn còn nhiều phương pháp giúp khắc phục triệu chứng hiệu quả. Đặc biệt, chẩn đoán sớm là rất cần thiết để ngăn ngừa những biến chứng tới khớp. Dưới đây là một số cách cải thiện bệnh viêm khớp vảy nến:
Sử dụng thuốc
- Kem giảm đau tại chỗ để hỗ trợ điều trị đau nhẹ đến trung bình do viêm khớp.
- Thuốc bôi chứa dẫn xuất vitamin D (có thể kết hợp với corticoid hàm lượng thấp), acid salicylic, nhựa than sẽ giúp khắc phục những tổn thương trên da do bị vảy nến.
- Sử dụng thuốc nhóm NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid) sẽ giúp ngăn chặn việc sản xuất một số chất từ cơ thể gây viêm và đau.
- Các thuốc chống thấp khớp (methotrexate, azathioprine, sulfasalazine,...) thường được kê đơn bổ sung cho NSAIDs để giúp làm chậm các quá trình sinh học gây ra tình trạng viêm dai dẳng.
- Bạn cũng có thể sử dụng corticosteroid dạng tiêm có hiệu quả tương đối nhanh.
- Các loại thuốc sinh học, như thuốc ức chế PDE4, chống TNF, thuốc ức chế interleukin (IL 12/23, IL17),... gần đây được ứng dụng khá nhiều nếu bạn không đáp ứng với các thuốc trên.
Tuy nhiên, hãy lưu ý, tất cả các thuốc điều trị có thể có tác dụng phụ không mong muốn nên bạn cần thận trọng và tuân thủ đúng phác đồ của chuyên gia.
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, vận động
Đây cũng là phương pháp giúp bạn cải thiện tình trạng viêm khớp vảy nến hiệu quả mỗi ngày:
- Vật lý trị liệu khớp và cơ bị cứng có thể giúp cải thiện triệu chứng sưng đau, khó di chuyển của bạn. Có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như khí công, thiền, yoga,...
- Bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, khoáng chất như: Canxi, sắt, magie tốt cho xương khớp.
- Hạn chế thịt đỏ, đồ cay nóng, các thực phẩm dễ gây dị ứng như: Nhộng tằm, tôm, cua,...
- Hãy giảm cân khi cần thiết, kiểm soát lượng rượu hàng ngày, ngừng hút thuốc để ngăn ngừa tình trạng viêm khớp vảy nến tiến triển xấu và sự đáp ứng các thuốc điều trị giảm đi.
- Có các biện pháp bảo vệ cơ thể khi ra ngoài, tránh môi trường ô nhiễm, ánh sáng mặt trời trực tiếp.
- Dưỡng ẩm da thường xuyên, tránh tiếp xúc với các chất tẩy rửa mạnh, hương liệu hóa học.
Giải pháp cải thiện tình trạng viêm khớp vảy nến hiệu quả từ thảo dược
Để khắc phục hiệu quả tình trạng viêm khớp vảy nến, chúng ta cần thực hiện được 2 mục tiêu:
- Ngắn hạn: Cải thiện nhanh chóng các triệu chứng sưng - nóng - đỏ - đau khớp và bong tróc da do vảy nến.
- Dài hạn: Ngăn ngừa bệnh tái phát bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa sự tấn công từ những yếu tố bên ngoài đến cơ thể và hạn chế vảy nến biến chứng sang khớp.