Tình trạng ngứa ngáy, kèm theo bong tróc da ở người mắc bệnh vảy nến là biểu hiện đặc trưng mà hầu hết các trường hợp đều gặp phải. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết lý do tại sao cơ thể lại có phản ứng ngứa và làm cách nào để khắc phục nhanh chóng nhất. Hãy tham khảo ngay bài viết sau để có lời giải đáp cụ thể!   

Tại sao bệnh vảy nến gây ngứa ngáy?

Vảy nến là bệnh da liễu mạn tính, ảnh hưởng đến 2 - 3% dân số thế giới. Tình trạng này có thể gặp phải ở cả người lớn và trẻ nhỏ, thường trong độ tuổi từ 10 - 50, nam và nữ đều có nguy cơ bị bệnh tương đương nhau. Bệnh vảy nến phát triển khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu và rối loạn chức năng, khiến chúng nhận diện nhầm và tấn công chính những tế bào da khỏe mạnh, làm các tế bào này sinh ra và chết đi nhanh chóng, dẫn đến hình thành các mảng da tổn thương sưng đỏ, có vảy trắng bạc nổi lên trên, đồng thời gây cảm giác đau và ngứa.

Trên thực tế, phản ứng viêm trong bệnh vảy nến là nguyên nhân khiến bạn có triệu chứng ngứa. Viêm là quá trình chống lại nhiễm trùng, bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây hại. Tuy nhiên, khi một người bị bệnh vảy nến, hệ thống miễn dịch sẽ kích hoạt phản ứng viêm không chính xác, dẫn đến ngứa ngáy lan rộng trên nhiều vùng cơ thể.

Gãi thường xuyên có thể gây kích ứng da, khiến tổn thương trầm trọng hơn. Đáp lại điều này, cơ thể lại càng gia tăng phản ứng viêm với nỗ lực chữa lành những vết thương trên, làm cho tình trạng ngứa ngáy càng thêm tồi tệ. Biểu hiện ngứa từ bệnh vảy nến còn được miêu tả là có cảm giác nóng rát, bứt rứt tương tự như vết cắn của kiến ​​lửa.

Những người mắc vảy nến nghịch đảo có thể bị nhiễm vi nấm, gây nên những tổn thương làm gia tăng cảm giác đau đớn và ngứa ngáy.

Có phải tất cả các thể bệnh vảy nến đều gây ngứa?

Trên thực tế, do nguyên nhân sâu xa là như nhau nên hầu hết các thể vảy nến đều gây ngứa ngáy. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng này có thể khác nhau giữa các thể bệnh và giữa lần bùng phát đầu tiên so với những đợt tái phát tiếp theo. Thời điểm tiến triển ban đầu của vảy nến có thể gây ngứa nhẹ, trong khi những lần sau có thể dẫn đến cảm giác dữ dội. Trong các thể bệnh, vảy nến mảng bám là dạng phổ biến nhất và cũng gây ngứa nhiều nhất.

Tuy nhiên, số ít các trường hợp bị nhiều loại vảy nến cùng một lúc và phát triển những tổn thương chỉ gây ngứa nhẹ hoặc không hề ngứa.

Làm sao để không còn ngứa ngáy khi bị vảy nến?

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giúp làm dịu nhanh tổn thương trên da và cải thiện nhanh biểu hiện ngứa ngáy khi bị vảy nến. Bao gồm:

Kem dưỡng ẩm

Da khô có thể làm cho bệnh vảy nến tồi tệ hơn, đặc biệt là trong thời tiết khô, hanh. Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm sau khi tắm và nhiều lần mỗi ngày có thể giúp bạn dịu cảm giác ngứa ngáy, ngăn ngừa khô, nứt da và thúc đẩy quá trình làm lành vết thương nhanh hơn.

Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến cáo, những người bị bệnh vảy nến nên thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên hơn nếu da rất khô.

Túi chườm ấm

Một số người có thể cảm thấy dứt cơn ngứa ngáy tạm thời bằng cách dùng túi chườm ấm. Nhiều người khác cũng thấy rằng, nước ấm giúp giảm đau, do đó, cách này cũng có thể giúp giảm sự khó chịu cho người bị vảy nến.

Bạn cũng có thể tắm nước ấm để cải thiện các triệu chứng trên. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng muối biển Chết hoặc bột yến mạch để tắm cũng có tác dụng tốt. Tuy nhiên, không nên tắm nước nóng và tránh tắm trong thời gian dài hơn 10 phút vì điều này có thể làm tăng kích ứng da. Đồng thời, cần thoa kem dưỡng da ngay sau khi tắm nhằm giúp bạn giữ được độ ẩm trên da, giảm nguy cơ khô và ngứa da.

Kem bôi gây tê và chống ngứa

Kem bôi gây tê và thuốc xịt, chẳng hạn như benzocaine, có thể giúp giảm ngứa tạm thời.

Các sản phẩm khác cũng có hiệu quả để giảm ngứa do vảy nến, như: Kem dưỡng da calamine, gel lô hội, long não, diphenhydramine hydrochloride (HCl), tinh dầu bạc hà.

Steroid tại chỗ

Bạn có thể bôi steroid trực tiếp lên da. Kem hydrocortisone an toàn cho hầu hết các trường hợp giúp giảm ngứa tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý bôi dài ngày có thể gây teo da, tổn thương nặng hơn, có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng gan, thận.

Keratolytic

Keratolytic là sản phẩm có tác dụng làm mềm và loại bỏ các mảng da bị vảy nến, cùng với đó giúp tăng tốc thời gian chữa lành và giảm ngứa. Việc làm sạch vảy da có thể giúp giảm ngứa và tăng cường tác dụng của các loại thuốc khác. Phenol, axit salicylic và urê là một số sản phẩm keratolytic thường được sử dụng.

Ngoài ra, để khắc phục các triệu chứng nhanh chóng, bạn cần chú ý rằng, càng cào gãi thì cơ thể càng bị kích ứng và ngứa ngáy dữ dội hơn, làm chậm thời gian lành vết thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Trong trường hợp này, bạn hãy áp dụng một số biện pháp khác làm dịu cơn ngứa để giảm nhu cầu cào gãi, chẳng hạn như: Ngồi thiền, tập yoga, làm vườn, dọn dẹp nhà cửa,...