Bệnh vảy nến và viêm da tiết bã đều có biểu hiện da bong tróc, đóng vảy, đôi khi ngứa ngáy nên làm nhiều người nhầm lẫn, từ đó dẫn đến điều trị sai cách, khiến bệnh không được khắc phục triệt để. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cụ thể về 2 bệnh lý trên để từ đó có cách cải thiện chính xác. Hãy tham khảo ngay!

Vảy nến là bệnh gì? Tình trạng viêm da tiết bã là như thế nào?

Vảy nến là bệnh lý tự miễn trên da, ảnh hưởng đến 2-3% dân số thế giới. Tỷ lệ mắc phải ở nam và nữ tương đương nhau, thường xảy ra trong khoảng từ 15-35 tuổi, hiếm khi xảy ra ở trẻ sơ sinh. Bệnh có biểu hiện thường gặp là bong da, tróc vảy, ngứa ngáy, có khi chảy máu, khiến người mắc cảm thấy bứt rứt, khó chịu.

Vảy nến bao gồm 5 thể bệnh khác nhau: Phổ biến nhất là vảy nến mảng bám với sự xuất hiện như những mảng màu đỏ nổi lên với sự tích tụ vảy da màu trắng phía trên; Vảy nến thể giọt có tổn thương dạng chấm, nhỏ, khoảng 10% người bị vảy nến gặp phải tình trạng này; Vảy nến nghịch đảo xuất hiện dưới dạng các tổn thương màu đỏ, mịn, sáng bóng phát triển ở nếp gấp da, như háng, nách và lưng của đầu gối; Vảy nến thể mủ có đặc trưng là mụn nước trắng, có mủ với nền da đỏ xung quanh; Nguy hiểm nhất và khá hiếm gặp là bệnh vảy nến toàn thân với tổn thương lan rộng hầu khắp cơ thể, khiến người mắc vô cùng đau đớn.

61.jpg

Hình ảnh bệnh vảy nến

Còn với viêm da tiết bã, đây cũng là tình trạng tổn thương da mạn tính, dễ tái đi tái lại nhiều lần. Bệnh có thể gặp ở nhiều đối tượng khác nhau, thường trong độ tuổi từ 20-50, phổ biến hơn một chút ở nam so với nữ. Trẻ sơ sinh cũng gặp phải viêm da tiết bã tạm thời nhưng các triệu chứng có thể biến mất khi bé lớn lên. Các biểu hiện đặc trưng của viêm da tiết bã cũng là da đóng vảy, tấy đỏ nhẹ, sưng ngứa, xuất hiện trên nhiều vùng cơ thể.

Triệu chứng của bệnh vảy nến và viêm da tiết bã

Các tác động đến da của bệnh vảy nến và viêm da tiết bã có thể tương tự nhau, tuy nhiên có những sự khác biệt điển hình để giúp bạn phân biệt được 2 tình trạng này.

Triệu chứng bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến có thể ảnh hưởng đến hầu khắp các vị trí trên cơ thể: Da đầu, trên mặt, tay, chân, lưng, bụng, ở móng,... Tình trạng này có thể gây nên:

- Các mảng da tổn thương đóng vảy trắng bạc, hay bong tróc. Khi phát triển trên da đầu, biểu hiện này dễ nhầm lẫn với gàu.

- Da khô nứt, có khi chảy máu.

- Đau nhức, ngứa rát ở vùng da tổn thương.

- Nếu xuất hiện trên móng có thể gây đổi màu móng, tăng sừng, mất móng sớm.

Triệu chứng viêm da tiết bã

Các triệu chứng của viêm da tiết bã thường phát triển trên da đầu, mặc dù đôi khi chúng có thể phát triển ở mặt, trên ngực và lưng. Các biểu hiện giúp nhận biết bệnh lý này là:

- Da thường đóng vảy vàng nhạt, có khi màu trắng.

- Tổn thương xuất hiện màu đỏ, dễ sưng tấy.

- Da bị nhờn, tiết dầu nhiều, đỡ khô hơn so với vùng da xung quanh các tổn thương vảy nến.

- Có cảm giác ngứa hay nóng rát ở khu vực bị ảnh hưởng. Nếu gãi thì phản xạ ngứa sẽ càng nhiều hơn, có thể gây trầy xước da nghiêm trọng, dẫn đến bội nhiễm.

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến và viêm da tiết bã

Hiện nay, các nhà khoa học chưa khẳng định được nguyên nhân chính xác gây nên vảy nến và viêm da tiết bã. Tuy nhiên, nhiều tài liệu chỉ ra rằng, sự suy giảm miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành 2 bệnh lý trên.

Với bệnh vảy nến

Trong trường hợp này, hệ miễn dịch nhận diện nhầm các tế bào biểu bì khỏe mạnh, khiến chúng tăng sinh và chết đi nhanh chóng (chỉ trong vòng 3-4 ngày thay vì 28-30 ngày như bình thường), nhưng không kịp bong ra mà tích tụ, xếp chồng lên nhau, gây nên những mảng da tổn thương, bong tróc liên tục.

Một số yếu tố khác khiến kích hoạt bệnh vảy nến bùng phát nhanh chóng hơn, chẳng hạn như:

- Chấn thương da.

- Tác dụng phụ của thuốc, chẳng hạn như: Lithium, quinin,...

- Nhiễm trùng, chẳng hạn như: Viêm họng liên cầu khuẩn, viêm phế quản, viêm amidan.

- Căng thẳng, lo âu kéo dài.

Với bệnh viêm da tiết bã

Tương tự như bệnh vảy nến, hệ thống miễn dịch suy yếu khiến chúng tấn công nhầm tế bào da, làm quá trình tái tạo biểu bì bị rút ngắn, dẫn đến sự bong tróc của các tế bào chết ở lớp sừng nhanh hơn, cùng với đó là những vùng da bị tổn thương, sưng đỏ.

Ngoài ra, những yếu tố góp phần khiến cho bệnh viêm da tiết bã tiến triển nghiêm trọng hơn như:

- Thay đổi nội tiết tố.

- Hóa chất, thành phần có khả năng tẩy rửa mạnh.

- Thời tiết khô hanh.

- Chấn thương gây bội nhiễm trên da.

- Các bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như HIV, có thể làm cho các triệu chứng viêm da tiết bã trở nên tồi tệ hơn. Hoặc bệnh liên quan đến hệ thống thần kinh, chẳng hạn như Parkinson, cũng có thể làm nặng thêm các triệu chứng.