Vẩy nến có thể khởi phát bất kỳ lúc nào và bất kỳ đối tượng nào mà không có dấu hiệu báo trước. Dưới đây là điều khiến vẩy nến hình thành trên cơ thể bạn.
Những điều khiến vẩy nến ngày càng khỏe hơn
Nguyên nhân của bệnh vẩy nến chưa được hiểu hết nhưng nó được cho là liên quan đến vấn đề hệ miễn dịch với tế bào T và các tế bào bạch cầu khác, được gọi là bạch cầu trung tính trong cơ thể bạn.
Tế bào T thường di chuyển trong cơ thể để bảo vệ cơ thể, chống lại các chất lạ, như virus hoặc vi khuẩn. Nhưng nếu bạn có bệnh vẩy nến, các tế bào T tấn công các tế bào da khỏe mạnh do nhầm lẫn, như thể chữa lành vết thương hoặc chống lại nhiễm trùng. Điều này làm cho các tế bào da tăng sinh quá mức, chết đi quá nhanh hơn bình thường (chết sau 3 – 4 ngày so với 30 ngày như bình thường) và bị đẩy lên bề mặt da, hình thành các vẩy trắng, kèm theo da bị sưng, viêm, ngứa ngáy.
Quá trình này trở thành một chu kỳ liên tục và khó kiểm soát. Do đó, người bệnh cần phải có biện pháp can thiệp sớm và đúng cách.
Ngoài sự rối loạn, suy yếu của hệ thống miễn dịch như vừa phân tích ở trên, một số yếu tố nguy cơ dưới đây cũng làm khởi phát và khiến vẩy nến trầm trọng hơn.
- Lịch sử gia đình: Đây là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất. Nếu bố hoặc mẹ bị vẩy nến thì con sinh ra có 8% bị bệnh này còn nếu cả bố mẹ bị vẩy nến thì xác suất con sinh ra cũng bị vẩy nến lên đến 41%.
- Nhiễm virus và vi khuẩn: Những người bị nhiễm HIV có nhiều nguy cơ phát triển bệnh vẩy nến hơn những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm trùng tái phát, đặc biệt là viêm họng liên cầu khuẩn, cũng có nguy cơ gia tăng mắc vẩy nến.
- Stress, căng thẳng: Bởi vì căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của bạn, mức độ căng thẳng cao có thể làm tăng nguy cơ bệnh vẩy nến.
Căng thẳng, stress khiến vảy nến ngày càng nặng hơn
- Béo phì: Trọng lượng dư thừa làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến. Các tổn thương da khi bị vẩy nến đảo ngược thường phát triển ở nếp gấp và nếp nhăn trên da như bụng, nách, háng, sau gối,...
- Hút thuốc: Hút thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ bệnh vẩy nến mà còn làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hút thuốc cũng có thể đóng một vai trò trong sự phát triển ban đầu của bệnh.
- Tổn thương da, chẳng hạn như vết cắt, vết xước, vết cắn hoặc cháy nắng nặng: Vẩy nến có thể phát triển trên các tổn thương này nếu không được vệ sinh sạch sẽ. Đôi khi vẩy nến có thể hình thành trên các nốt tiêm, hình xăm,... Đây được gọi là hiện tượng Koebner gây vẩy nến.
- Nghiện rượu: Uống nhiều rượu làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc vẩy nến. Do đó, bạn nên ngừng sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê,... càng sớm càng tốt.
- Một số loại thuốc - bao gồm lithium (sử dụng điều trị rối loạn lưỡng cực), thuốc điều trị tăng huyết áp như thuốc chẹn beta, thuốc chống sốt rét và iodua có thể làm tăng nguy cơ mắc vẩy nến.