Vảy nến là bệnh mạn tính, điều trị rất khó khăn. Do đó, phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh vảy nến và có phương án điều trị phù hợp, đúng cách sẽ giúp phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm. Vậy làm thế nào để biết bạn có bị vảy nến hay không và cách điều trị bệnh này là gì? Mời bạn đọc thông tin có trong bài viết dưới đây.
Nhận biết các dấu hiệu của bệnh vảy nến ra sao?
Theo ước tính, có khoảng 125 triệu người trên thế giới mắc vảy nến với các triệu chứng khác nhau. Chúng phụ thuộc vào thế vảy nến mà người bệnh mắc phải. Cụ thể:
- Bệnh vảy nến mảng bám (vảy nến thể mảng): Đây là loại vảy nến phổ biến nhất. Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, 80% - 90% người mắc bệnh vảy nến có dạng tổn thương này. Đặc trưng của tổn thương vảy nến mảng bám là các mảng da màu đỏ, sưng viêm và được phủ bởi một lớp vảy bạc bong tróc. Nó thường xuất hiện trên da đầu, lưng dưới, khuỷu tay và đầu gối. Các tổn thương da có thể gây đau và ngứa.
- Bệnh vảy nến da đầu: Với bệnh vảy nến da đầu, các mảng bám hình thành trên da đầu và có thể vượt ra ngoài đường chân tóc ra trán, sau gáy và sau tai. Tổn thương có dạng vảy, giống như gàu; da đỏ, ngứa và dày. Một số trường hợp xuất hiện tình trạng rụng tóc nhưng tóc thường mọc lại sau khi bệnh được điều trị.
- Bệnh vảy nến thể móng: Cho dù bị thể vảy nến nào thì người mắc cũng đều có thể phát triển bệnh vảy nến ở móng, khiến móng đổi màu, rỗ hoặc bong ra.
- Bệnh vảy nến mủ: Bệnh gây ra các vết sưng đau, có mủ. Chúng thường ảnh hưởng đến lòng bàn tay và lòng bàn chân. Vùng da xung quanh mụn mủ trở nên sưng và đỏ. Mụn có thể vỡ ra, khô đi và để lại những đốm nâu, có vảy. Người bệnh cũng có thể bị sốt, ớn lạnh, cơ bắp yếu, không thèm ăn, ngứa nhiều và mệt mỏi.
- Bệnh vảy nến đảo ngược: Bệnh khiến da đỏ, mịn và đau rát ở những nơi da tiếp xúc với da hoặc nếp gấp da như nách, sau gối, háng, mông, bộ phận sinh dục, dưới ngực,…
- Bệnh vảy nến thể giọt: Loại này thường phát triển sau một căn bệnh, như viêm họng liên cầu khuẩn. Nó ảnh hưởng đến khoảng 10% những người bị bệnh vảy nến. Người mắc thể vảy nến này thường phát triển các đốm đỏ nhỏ ở khắp cơ thể, thường là trên ngực, chân và cánh tay.
- Bệnh vảy nến toàn thân: Đây là một dạng vảy nến hiếm gặp và nghiêm trọng. Người bệnh nên tìm cách điều trị y tế ngay lập tức, vì đôi khi nó có thể đe dọa tính mạng. Các triệu chứng bao gồm: Da rất đỏ trên một vùng rộng lớn của cơ thể, trông giống như bị bỏng; đau; ngứa ngáy; tim đập nhanh; mất nước; nhiệt độ thay đổi thất thường,…
Các triệu chứng vảy nến có thể trông giống với một số loại bệnh về da khác. Do đó, khi có các dấu hiệu bất thường, nên đến các cơ sở y tế hoặc chuyên khoa da liễu để được khám, chẩn đoán chính xác. Một số bệnh da có thể bị nhầm lẫn với vảy nến, bao gồm:
- Bệnh chàm: Bệnh chàm là một rối loạn da gây ngứa và khó chịu. Tuy nhiên, tổn thương da thường mỏng và ít đỏ hơn so với bệnh vảy nến.
- Bệnh zona: Phát ban này là kết quả của Herpes zoster, cùng loại virus gây bệnh thủy đậu. Bệnh thường bắt đầu bằng cảm giác ngứa ran ở một bên cơ thể. Sau đó, vùng da này xuất hiện mụn nước ngứa, đau.
- Bệnh liken phẳng: Bệnh có thể xuất hiện trên da dưới dạng vết sưng đỏ ở bất cứ vị trí nào, bao gồm cả bộ phận sinh dục, da đầu hoặc những chấm trắng trong miệng.
- Vảy phấn hồng: Phát ban này phát triển thành từng mảng. Nó bắt đầu với một tổn thương da màu hồng lớn trên thân. Sau khoảng 2 tuần, xuất hiện thêm nhiều tổn thương nhỏ trên thân, cánh tay hoặc chân.
- Viêm da tiết bã: Bệnh khiến da ngứa, đỏ, tổn thương thường xuất hiện trên da đầu và các vùng da nhờn khác trên cơ thể.
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến
Đến nay, chuyên gia vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến. Tuy nhiên, nhờ nhiều thập kỷ nghiên cứu, họ có nhận định chung về hai yếu tố chính: Di truyền và rối loạn hệ thống miễn dịch.
- Rối loạn hệ thống miễn dịch: Bệnh vảy nến là một tình trạng tự miễn dịch. Điều kiện tự miễn là kết quả của hệ miễn dịch suy yếu sẽ tấn công chính nó. Trong trường hợp bệnh vảy nến, các tế bào bạch cầu T tấn công nhầm vào các tế bào da, làm cho quá trình sản xuất tế bào da tăng lên quá mức, sau đó chúng chết đi và tích tụ trên bề mặt da, tạo thành các tổn thương sưng viêm, đỏ, bong tróc vảy.
- Di truyền: Một số người thừa hưởng gen khiến họ dễ mắc bệnh vảy nến. Nếu trong gia đình có người bị vảy nến, nguy cơ phát triển bệnh này của bạn cao hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ những người bị bệnh vảy nến và có khuynh hướng di truyền khá nhỏ. Khoảng 2 – 3% những người có gen phát triển vảy nến.
Ngoài 2 nguyên nhân trên, các yếu tố kích hoạt bên ngoài có thể bắt đầu một đợt bùng phát bệnh vảy nến mới. Những yếu tố này không giống nhau với mỗi người và thường thay đổi theo thời gian. Một số yếu tố khiến vảy nến trầm trọng hơn, bao gồm:
- Thời tiết lạnh, khô: Điều này khiến da bị khô và làm triệu chứng vảy nến nặng hơn.
- Căng thẳng kéo dài: Cố gắng giữ bình tĩnh và thư giãn bởi các đợt bùng phát vảy nến sẽ xuất hiện khi bạn lo lắng.
- Sử dụng một số loại thuốc như: Thuốc chẹn beta điều trị huyết áp cao và bệnh tim; lithium điều trị rối loạn lưỡng cực; thuốc uống để điều trị sốt rét có thể kích hoạt đợt bùng phát vảy nến mới.
- Nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng, như viêm họng liên cầu khuẩn, viêm amidan,… có thể kích hoạt một đợt bùng phát vảy nến.
- Chấn thương da: Ở một số người, những vết cắt, bầm tím và bỏng có thể gây vảy nến. Ngay cả hình xăm và vết côn trùng cắn cũng có thể kích hoạt bệnh vảy nến.
- Rượu: Uống nhiều rượu ở nam giới trẻ tuổi có thể kích hoạt hoặc làm nặng thêm các triệu chứng, ảnh hưởng đến hiệu quả của các phương pháp điều trị. Kết hợp một số loại thuốc điều trị bệnh vảy nến với rượu có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm, đặc biệt là đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
- Hút thuốc: Sử dụng thuốc lá hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến và khiến cho tình trạng hiện tại trở nên tồi tệ hơn.