Vảy nến là một trong những bệnh da liễu phổ biến nhất hiện nay. Tại Việt Nam, số trường hợp bị vảy nến lên đến con số 2,5 triệu người. Không ít trong số này có tâm lý chủ quan, không điều trị sớm, khiến tình trạng ngày càng trầm trọng hơn. Bệnh tàn phá làn da, khiến người mắc tự ti, mặc cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Bài viết sau sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc hiệu quả khi da bị vảy nến.

Da bị tổn thương ra sao khi mắc vảy nến?

Vảy nến ảnh hưởng đến 2 – 3% dân số trên thế giới với 125 triệu người mắc, chủ yếu ảnh hưởng đến da với các tổn thương khác nhau, phụ thuộc vào loại vảy nến mà người bệnh mắc phải:

- Vảy nến thể mảng: Da người bệnh sẽ xuất hiện các mảng tổn thương có đường kính 2 – 20 cm. Chúng tạo thành gờ, sưng đỏ, bong tróc vảy trắng, kèm theo tình trạng ngứa ngáy, thậm chí nứt nẻ và chảy máu.

- Vảy nến thể giọt: Bệnh khiến da nổi nhiều nốt đỏ lấm chấm như giọt nước. Các tổn thương sưng viêm và bong tróc vảy. Loại vảy nến này thường xuất hiện ở tay, chân, trong nhiều trường hợp, nó còn lan ra toàn thân.

- Vảy nến đảo ngược: Bệnh khiến da tại các vùng nếp gấp như nách, háng, sau gối, khe giữa 2 mông,… bị đỏ tươi, đau rát. Tình trạng này trầm trọng hơn khi bị ma sát và thấm mồ hôi.

- Vảy nến mụn mủ: Bàn tay, bàn chân hoặc toàn thân xuất hiện các đám mụn đầu mủ trắng, gây đau đớn. Trong nhiều trường hợp, mụn mủ vỡ ra gây bội nhiễm rất nghiêm trọng.

- Vảy nến toàn thân: Da toàn thân sẽ đau rát, phồng rộp, bong tróc. Người bệnh có thể còn sốt, ớn lạnh, rối loạn nhịp tim.

Tổn thương da vảy nến ảnh hưởng thế nào đến người bệnh?

Các tổn thương trên da do vảy nến ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, tâm lý của người mắc:

- Vảy nến có thể gây ngứa ngáy, khiến người bệnh mệt mỏi, thậm chí không ngủ được vì quá ngứa ngáy.

- Trong các trường hợp nghiêm trọng như vảy nến mụn mủ, vảy nến toàn thân, da bị tổn thương trầm trọng, người bệnh có thể thấy bội nhiễm, sốt, ớn lạnh, rối loạn nhịp tim,… do “hàng rào bảo vệ” của cơ thể ảnh hưởng.

- Các tổn thương trên da do vảy nến khiến người mắc tự ti, mặc cảm. Thậm chí, nhiều người sợ bị lây nên xa lánh, né tránh. Điều này càng khiến bệnh nhân vảy nến thu mình, ngại giao tiếp mà chỉ thu mình trong 4 bức tường.

Người bị vảy nến nên chăm sóc da thế nào?

Để vảy nến không còn “làm phiền”, hãy áp dụng ngay các biện pháp chăm sóc da sau đây:

- Giữ ẩm cho da: Đây là một trong những cách hiệu quả mà dễ dàng nhất, giúp bạn tránh xa tình trạng da bị kích thích. Ngoài ra, nó còn giúp giảm khô, ngứa, đỏ, đau nhức, và nổi vảy. Bạn hãy chọn loại kem dưỡng ẩm phù hợp với làn da và nên tránh sản phẩm có mùi mạnh. Ngoài ra, trong những ngày hanh khô, nên sử dụng máy làm ẩm để tránh da bị bong tróc, nứt nẻ.

- Ngâm mình trong bồn tắm nước ấm: Thực hiện điều này hàng ngày với xà phòng dịu nhẹ có thể giúp làm dịu những chỗ ngứa và loại bỏ vảy trên da. Ngoài ra, bạn có thể thêm tinh dầu, bột yến mạch, muối Epsom hoặc muối Biển Chết vào bồn tắm để giúp cải thiện triệu chứng vảy nến hiệu quả. Trong khi tắm, không nên chà xát da hoặc gãi mạnh mà chỉ cần vỗ nhẹ. Ngoài ra, hãy thoa kem dưỡng ẩm ngay sau đó để tránh da bị khô.

- Tắm nắng nhẹ nhàng: Ánh sáng tia cực tím (UV) trong ánh nắng mặt trời có thể làm chậm sự phát triển của tế bào da, do đó, bạn nên cố gắng tắm nắng 2 – 3 lần/tuần. Đừng quên sử dụng kem chống nắng cho làn da lành để tránh chúng bị tổn thương.

- Thư giãn, giảm stress: Các nghiên cứu cho thấy, căng thẳng có thể làm cho bệnh vảy nến và mẩn ngứa nặng hơn. Do đó, hãy áp dụng các biện pháp để giảm căng thẳng hiệu quả như: Tập yoga, thiền, hít thở sâu, nghe nhạc, xem phim,…

- Có chế độ ăn uống, lối sống khoa học như: Ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc. Những điều này có thể giúp bạn chống chọi với các viêm nhiễm làm bùng phát bệnh.

- Bỏ hút thuốc và giảm lượng rượu tiêu thụ: Hút thuốc có thể làm bệnh bùng phát cũng như khiến triệu chứng vảy nến trầm trọng hơn. Do đó, bạn nên bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Ngoài ra, nên hạn chế lượng rượu bạn uống bởi đồ uống này có thể khiến trầm trọng thêm triệu chứng, đồng thời làm giảm hiệu quả của các loại thuốc điều trị.