Vẩy nến là bệnh ngoài da mạn tính đặc trưng bởi da đỏ, ngứa ngáy và vẩy trắng. Tuy chưa có cách điều trị khỏi bệnh nhưng bạn có thể kiểm soát tốt vẩy nến.
Bệnh vẩy nến là gì?
Bệnh vẩy nến là một tình trạng tự miễn dịch mạn tính gây ra sự tích tụ nhanh chóng của các tế bào da trên bề mặt da khiến da bị viêm và đỏ. Đôi khi, những tổn thương da này sẽ bị nứt và chảy máu.
Bệnh vẩy nến là kết quả của quá trình sản xuất da tăng tốc. Thông thường, các tế bào da phát triển sâu trong da và từ từ tăng lên bề mặt. Cuối cùng, chúng rơi xuống. Chu kỳ sống điển hình của tế bào da là một tháng. Ở những người bị bệnh vẩy nến, quá trình sản xuất này có thể xảy ra chỉ trong vài ngày. Bởi vì điều này, các tế bào da chết chưa kịp bong ra, chồng chất lên nhau. Sự sản xuất thừa nhanh chóng này dẫn đến sự tích tụ của các tế bào da. Đây là hệ quả của quá trình rối loạn, sai lầm của hệ thống miễn dịch, khiến chúng tấn công các tế bào khỏe mạnh của cơ thể thay vì các yếu tố ngoại lai như virus, vi khuẩn,...
Vẩy nến có thể phát triển ở bất kỳ đâu trên cơ thể. Tuy nhiên, tổn thương da thường tập trung ở:
- Khuỷu tay.
- Đầu gối.
- Da đầu.
- Các nếp nhăn da như bụng, nách, háng,...
Các loại bệnh vẩy nến ít phổ biến hơn ảnh hưởng đến móng tay, miệng và vùng xung quanh bộ phận sinh dục.
Các triệu chứng đặc trưng của vẩy nến
Triệu chứng bệnh vẩy nến khác nhau ở từng bệnh nhân và phụ thuộc vào loại bệnh vẩy nến. Các diện tích tổn thương vẩy nến có thể nhỏ như một vài mảng trên da đầu, khuỷu tay hoặc bao gồm phần lớn của cơ thể.
Vẩy nến mảng bám là thể bệnh phổ biến nhất với khoảng 80%. Các triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh vẩy nến mảng bám bao gồm:
- Da đỏ, sưng viêm: Đây là một trong 3 triệu chứng đặc trưng của vẩy nến mảng bám và xuất hiện ở hầu hết người bệnh. Da đỏ do tình trạng tế bào da tăng sinh và chết nhanh hơn bình thường. Chúng bị đẩy lên bề mặt và không có thời gian bong ra. Điều này gây viêm và làm đỏ da.
- Da có các vẩy màu trắng bạc hoặc trên các tổn thương da đỏ: Vẩy trắng là triệu chứng đặc trưng của vẩy nến mảng bám. Chúng xuất hiện do quá trình tăng sinh liên tục tế bào da bởi sự rối loạn của hệ thống miễn dịch. Thông thường, vòng đời của tế bào da là 1 tháng nhưng khi bị vẩy nến, chúng bị “chết yểu” sau 3 – 4 ngày khiến các tế bào da chết và chồng lên nhau, không rơi ra khỏi cơ thể được. Vì thế, da xuất hiện các vẩy trắng màu bạc.
- Da khô có thể nứt và chảy máu: Khi bị vẩy nến, da của bạn sẽ khô, bong tróc và có thể chảy máu. Đây là dấu hiệu đặc trưng của vẩy nến mảng bám.
Ngoài 3 triệu chứng đặc trưng trên, bệnh vẩy nến còn có các triệu chứng sau:
- Đau nhức xung quanh các tổn thương da.
- Cảm giác ngứa và rát xung quanh các tổn thương da.
- Móng tay dầy lên, có thể biến dạng.
- Sưng đau khớp.
Không phải người bệnh sẽ trải qua tất cả các triệu chứng này. Một số người sẽ có các triệu chứng hoàn toàn khác nhau nếu họ bị loại bệnh vẩy nến khác, ít phổ biến hơn.
Hầu hết những người mắc bệnh vẩy nến đều phải trải qua “chu kỳ” của các triệu chứng. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng trong vài ngày hoặc vài tuần và sau đó chúng có thể trầm trọng hơn hoặc biến mất hoàn toàn.
Tuy nhiên, vẩy nến là bệnh mạn tính và chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nên chúng sẽ tái phát nhiều lần trong đời, gây cho người bệnh sự mệt mỏi, chán nản.
Ngoài bệnh vẩy nến mảng bám là phổ biến, các thể bệnh vẩy nến khác như vẩy nến thể giọt, thể móng, thể đảo ngược, viêm khớp vẩy nến, thể mụn mủ, đỏ da toàn thân.
Hình ảnh tổn thương da do vảy nến
Các phương pháp điều trị vẩy nến hiện nay
Hiện nay, các phương pháp điều trị vẩy nến bao gồm: Điều trị tại chỗ với các loại thuốc hoặc kem bôi da, liệu pháp ánh sáng, thuốc tây uống hoặc tiêm và sử dụng sản phẩm thảo dược thiên nhiên.
Điều trị tại chỗ
Các loại kem và thuốc mỡ bôi trực tiếp lên da có thể hữu ích cho việc giảm bệnh vẩy nến nhẹ đến trung bình.
Phương pháp điều trị bệnh vẩy nến tại chỗ bao gồm:
- Corticosteroid tại chỗ.
- Retinoids tại chỗ.
- Anthralin.
- Vitamin D.
- Axit salicylic.
- Kem dưỡng ẩm.
Thuốc toàn thân
Những người bị bệnh vẩy nến vừa đến nặng và những người không đáp ứng tốt với các loại điều trị khác, có thể cần phải sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm. Nhiều loại thuốc này có tác dụng phụ nghiêm trọng. Các bác sĩ thường kê toa chúng trong một thời gian ngắn.
Các loại thuốc uống và tiêm phổ biến nhất được sử dụng để điều trị bệnh vẩy nến bao gồm:
- Thuốc sinh học: Loại thuốc này làm thay đổi hệ thống miễn dịch của bạn và ngăn ngừa sự tương tác giữa hệ thống miễn dịch và các đường viêm. Các loại thuốc này được tiêm hoặc truyền qua tĩnh mạch (IV).
- Tiền vitamin A: Đây là thuốc làm giảm sản xuất tế bào da. Một khi bạn ngừng sử dụng chúng, các triệu chứng của bệnh vẩy nến có thể sẽ tái phát. Các tác dụng phụ bao gồm rụng tóc và viêm môi. Những người đang mang thai hoặc có thể có thai trong vòng ba năm tới không nên dùng thuốc này vì có nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Thuốc này giúp ngăn ngừa phản ứng của hệ miễn dịch. Điều này có thể giảm bớt các triệu chứng của bệnh vẩy nến. Các tác dụng phụ bao gồm các vấn đề về thận và tăng huyết áp. Thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng trong thời gian dài. Tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm tổn thương gan, làm giảm sản xuất hồng cầu và bạch cầu.
Liệu pháp ánh sáng
Phương pháp điều trị bệnh vẩy nến này sử dụng tia cực tím (UV) hoặc ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng mặt trời giết chết các tế bào bạch cầu hoạt động quá mức đang tấn công các tế bào da khỏe mạnh và gây ra sự tăng trưởng tế bào nhanh chóng. Cả hai tia UVA và UVB có thể hữu ích trong việc giảm các triệu chứng của bệnh vẩy nến nhẹ đến trung bình.
Hầu hết những người bị bệnh vẩy nến trung bình đến nặng sẽ được hưởng lợi từ sự kết hợp các phương pháp điều trị. Phương pháp này khá an toàn, ngoài các tác dụng phụ như bỏng hoặc nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.