Vảy nến thể giọt là bệnh gì?

Vảy nến thể giọt là một trong những dạng của bệnh vảy nến, chiếm khoảng 10% tổng số các trường hợp. Triệu chứng nhận biết bệnh vảy nến thể giọt bao gồm:

- Xuất hiện những tổn thương nhỏ như giọt nước nằm rải rác khắp vùng da, thường gặp nhất tại các vị trí như: Lưng, bàn tay, khuỷu tay, chân, đầu gối,…

- Tại vùng da mới bị vảy nến thể giọt thường đỏ ửng và có nhiều vảy trắng phủ lên. Ban đầu còn có thể xuất hiện mủ, sau đó, khi mủ vỡ ra thì da sẽ khô lại và hình thành các lớp vảy dày, xếp chồng lên nhau với nhiều loại kích thước khác nhau.

- Các vết vảy nến rất ngứa và đau do da khô.

Theo các chuyên gia, có 3 giai đoạn của bệnh vảy nến thể giọt là:

- Nhẹ: Chỉ có một vài đốm nhỏ, bao phủ khoảng 3% diện tích làn da.

- Trung bình: Các tổn thương chiếm khoảng 3 - 10% diện tích làn da.

- Nặng: Tổn thương bao phủ ≥ 10% diện tích cơ thể, thậm chí lan ra toàn thân.

Việc phân chia giai đoạn bệnh vảy nến cũng dựa trên mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động hàng ngày của người mắc. Ví dụ, bệnh vảy nến trên mặt hoặc da đầu chỉ ảnh hưởng tới 2 - 3% tổng diện tích bề mặt cơ thể nhưng có thể được phân loại là nghiêm trọng vì nó ảnh hưởng đến thẩm mỹ và công việc. Bệnh vảy nến trên tay có thể chỉ chiếm 2% tổng diện tích bề mặt cơ thể nhưng ảnh hưởng đến chất lượng công việc nếu bạn làm việc bằng tay, do đó nó có thể được xếp vào mức độ trung bình đến nặng.

Nên làm gì khi bị vảy nến thể giọt?

Cũng như các bệnh lý ngoài da khác, vảy nến thể giọt có tác động lớn về mặt thẩm mỹ nên dễ khiến người bệnh thiếu tự tin, gây cản trở tới sinh hoạt và làm việc, cần điều trị nhanh chóng để khắc phục ảnh hưởng này. Tùy theo mức độ và triệu chứng của bệnh mà bạn sẽ được chỉ định những phương pháp điều trị hợp lý, giúp da phục hồi một cách an toàn. Một số cách điều trị bệnh vảy nến thể giọt thường được áp dụng bao gồm:

Điều trị tại chỗ

Phương pháp này chủ yếu sẽ sử dụng các loại thuốc bôi như: Thuốc mỡ corticoid, thuốc mỡ salicylic,… Việc dùng thuốc bôi ngoài da cần có hướng dẫn cụ thể từ phía chuyên gia bởi chúng có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, tác động tới sức khỏe, thậm chí đối với các thương tổn không đáp ứng với thuốc thì còn làm bệnh tiến triển nặng hơn.

Điều trị toàn thân

Chủ yếu dùng thuốc uống như: Methotrexate, vitamin A axit, cyclosporine,… Thuốc kháng sinh cũng được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn ngoài da nhưng không nên tự ý dùng sai cách để tránh làm bệnh nghiêm trọng hơn.

Điều trị bằng ánh sáng

Phương pháp này sẽ sử dụng ánh sáng để tác động sâu vào cấu trúc da, giúp loại bỏ sự bất thường xảy ra ở dưới da. Theo đó, người bệnh sẽ được chỉ định chiếu tia cực tím có bước sóng khác nhau hoặc chiếu PUVA (tia cực tím). Nhược điểm của cách này là nếu chỉ dùng mình nó mà không kết hợp cùng phương pháp khác có thể khiến da bị khô và nhăn, xuất hiện tàn nhang, làm tăng nguy cơ ung thư da. Vì thế, cách điều trị này hiếm khi được áp dụng một mình.

Bị vảy nến thể giọt cần kiêng những gì?

Vảy nến thể giọt tuy không phải là thể nặng của bệnh vảy nến nhưng lại khó điều trị dứt điểm và hay tái phát. Chính vì thế, bạn nên tuân thủ theo đúng phác đồ chữa trị để ngăn ngừa bệnh tiến triển. Trong quá trình điều trị vảy nến thể giọt, bạn cần tránh hoặc hạn chế những thói quen khiến bệnh nặng thêm. Cụ thể:

- Tránh kỳ cọ, chà xát mạnh vào vùng da bị bệnh.

- Không bóc vảy da để tránh làm tăng tình trạng thương tổn.

- Hạn chế sử dụng xà phòng, tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại.

- Tránh các thực phẩm khiến bệnh nặng hơn như: Đồ ăn cay nóng, thịt đỏ, đồ uống chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê,… Hạn chế ăn những  thực phẩm chứa nhiều chất béo, đặc biệt là đồ chiên rán.

- Ngoài ra, bạn cũng không nên thức khuya hay để tình trạng tâm lý căng thẳng kéo dài. Bởi con người là một thể thống nhất, khi một cơ quan nào đó bị tác động đều dẫn theo sự ảnh hưởng và chi phối đến các cơ quan khác.