Vẩy nến là bệnh mạn tính, ảnh hưởng đến khoảng 2 – 3% dân số với 125 triệu người mắc. Hiện nay, xu hướng chữa vẩy nến bằng thuốc nam đang được quan tâm bởi tính an toàn, phương pháp thực hiện đơn giản và mang lại hiệu quả tích cực. Vậy đó là những bài thuốc nào, cách làm ra sao? Mời bạn đọc thông tin trong bài viết sau đây.

Vẩy nến là bệnh gì? Triệu chứng ra sao?

Vẩy nến là một trong những bệnh ngoài da mạn tính. Các triệu chứng vẩy nến đặc trưng là: Da xuất hiện các tổn thương màu đỏ, sưng lên và có thể đau rát; trên bề mặt tổn thương thấy lớp vẩy trắng hoặc bạc; da khô, nứt nẻ, chảy máu. Đây là dấu hiệu nhận biết vẩy nến thể mảng – thể bệnh phổ biến nhất, chiếm 80% số người bị vẩy nến. Ngoài ra, vẩy nến còn có nhiều loại khác như: 

- Vẩy nến thể giọt gây ra các chấm nhỏ tổn thương nhỏ như giọt nước ở cánh tay, chân hoặc lưng, bụng; 

- Vẩy nến thể mủ gây mụn có mủ trắng ở bàn tay, bàn chân hoặc toàn bộ cơ thể;

- Vẩy nến đảo ngược gây ra các tổn thương màu đỏ, mịn, không có vẩy và đau rát tại những nếp gấp da như háng, nách, sau gối,… 

- Vẩy nến đỏ da toàn thân khiến toàn thân đỏ như tôm luộc, đây là tình trạng rất nguy hiểm cần được can thiệp y tế sớm; 

- Viêm khớp vẩy nến (vẩy nến khớp) khiến khớp sưng, đau và tấy đỏ.

- Vẩy nến thể móng: Bệnh khiến móng đổi màu, bề mặt móng bất thường, thậm chí bong móng.

Vẩy nến có chữa được không? Nguyên nhân gây vẩy nến là gì?

Vẩy nến là bệnh mạn tính, hiện chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nhờ vào nhiều phương pháp điều trị, người bệnh có thể kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa vẩy nến tái phát hiệu quả.

Đến nay, nguyên nhân gây vẩy nến chưa được biết rõ. Nhưng nhiều nhà khoa học tin rằng, nó có liên quan đến sự suy yếu của hệ miễn dịch, yếu tố di truyền và các tác nhân kích hoạt từ môi trường, cụ thể:

- Do rối loạn hệ miễn dịch: Các tế bào của hệ miễn dịch thay vì phải thực hiện nhiệm vụ của mình là tấn công các vi khuẩn, virus gây bệnh thì chúng lại tấn công các tế bào biểu bì da, khiến tế bào tăng sinh quá nhanh, chết đi và hình thành những tổn thương có vẩy trắng trên da.

- Yếu tố di truyền: Thống kê cho thấy, có tới 40% trường hợp bố mẹ bị vẩy nến di truyền cho con. Khoảng 10% dân số thế giới mang gen vẩy nến và 2 – 3% trong số này đã phát triển bệnh.

- Nhiễm khuẩn: Quá trình sinh hoạt không giữ vệ sinh đúng cách hàng ngày khiến da bị nhiễm khuẩn hoặc dùng chất tẩy rửa quá mạnh cũng góp phần làm triệu chứng vẩy nến thêm trầm trọng.

- Căng thẳng, stress cũng là một yếu tố làm khởi phát và khiến bệnh vẩy nến phát triển trầm trọng thêm.

- Dùng thuốc không đúng cách: Sử dụng một số loại thuốc như: Thuốc chống sốt rét, thuốc trị cao huyết áp loại beta blocker, corticoid,… có thể dẫn đến bệnh vẩy nến.

- Môi trường ô nhiễm: Môi trường bụi bẩn, ô nhiễm không khí, nguồn nước, thức ăn,… gây ra nhiều bệnh, trong đó có vẩy nến.

- Cháy nắng: Tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời vào khoảng thời gian từ 10 - 15 giờ không chỉ là yếu tố gây bệnh vẩy nến mà còn có thể bị ung thư da.

- Chấn thương vùng thượng bì: Một số trường hợp da bị tổn thương như: Trầy xước, hình xăm, vết côn trùng cắn,… mà không đi chữa trị kịp thời, lâu ngày làm tăng nguy cơ mắc vẩy nến.

Chữa vẩy nến bằng thuốc nam hiệu quả với 4 bài thuốc sau đây!

Y học cổ truyền nước ta ghi nhận rất nhiều bài thuốc chữa bệnh, trong đó có vẩy nến hiệu quả mà cách làm lại đơn giản. Dưới đây là 4 cây thuốc thường được sử dụng để cải thiện tốt các triệu chứng của bệnh vẩy nến:

Cây thổ phục linh (củ khúc khắc)

Bộ phận dùng làm thuốc của cây là củ. Thổ phục linh ngoài tác dụng điều trị bệnh về xương khớp nó còn được dùng để cải thiện triệu chứng vẩy nến. Nhiều tài liệu đã ghi nhận, sử dụng thổ phục linh kết hợp với cây cải trời sắc uống giúp cải thiện bệnh vẩy nến hiệu quả. Bạn có thể áp dụng cách như sau:

- Thuốc sắc: Chuẩn bị: Cây cải trời: 100g; thổ phục linh: 80g. Cả 2 vị thuốc sắc với 1 lít nước cho cạn còn khoảng 300 - 400ml chia uống trong ngày.

Cây sâm đại hành

Sâm đại hành còn được gọi là cây tỏi đỏ. Đây là vị thuốc dùng nhiều trong y học cổ truyền làm thuốc bổ máu, chống viêm, kháng khuẩn, đặc biệt, nó còn là một cây thuốc nam trị bệnh vẩy nến.

Cách dùng sâm đại hành làm thuốc điều trị bệnh vẩy nến như sau: Lấy 15 - 20g sâm đại hành khô sắc nước uống hàng ngày. Ngoài ra, dùng nước sắc sâm đại hành lau rửa vùng tổn thương vẩy nến và kết hợp bôi thuốc mỡ. Sử dụng liên tục trong thời gian 2 tháng là thấy có kết quả.

Cây lu lu đực

Cây lu lu đực mọc hoang rất nhiều ở nước ta. Đây là cây thuốc nam có tác dụng điều trị bệnh ngoài da, mẩn ngứa, mụn nhọt, kể cả bệnh vẩy nến. Theo kinh nghiệm dân gian, để điều trị bệnh vẩy nến, chỉ cần lấy cây lu lu đun nước để rửa sạch những vùng da bị vẩy nến. Kiên trì áp dụng trong thời gian 3 tháng là có kết quả.

Cây khổ sâm

Lá khổ sâm vị đắng, có tác dụng điều trị viêm nhiễm đường tiêu hóa. Ngoài ra, lá khổ sâm còn dùng đun nước tắm để điều trị bệnh ngoài da. Y học cổ truyền cho rằng, lá khổ sâm khi sắc chung với các vị thuốc như: Kim ngân hoa, ké đầu ngựa,... có thể cải thiện bệnh vẩy nến. Bạn chuẩn bị: Khổ sâm 15g; huyền sâm 15g; kim ngân 15g; sinh địa 15g; quả ké 10g. Cho tất cả các thuốc này sắc với 1 lít nước đến khi cạn còn 500ml thì chia làm 3 lần uống trong ngày.