Vảy nến thể giọt là 1 trong 5 thể bệnh vảy nến phổ biến nhất hiện nay. Tình trạng này không chỉ gây tổn thương da, khiến người mắc cảm thấy ngại ngùng, tự ti, mà còn có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe toàn thân. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này và những cách khắc phục hiệu quả, an toàn, mời bạn tham khảo ngay bài viết sau đây!

Thế nào là bệnh vảy nến thể giọt?

Theo thống kê, vảy nến thể giọt là thể bệnh phổ biến thứ 2 chỉ sau vảy nến thể mảng, với tỷ lệ khoảng 10% tổng số các ca mắc. Tên gọi của bệnh cũng xuất phát từ chính những biểu hiện điển hình trên da, cụ thể là:

- Tổn thương sưng đỏ, xuất hiện thành đám nhỏ, hình giọt nước, có viền xung quanh. Chúng ở rải rác trên nhiều vùng da, nhưng dễ gặp nhất tại các vị trí như: Tay, chân, bụng, lưng,…

- Có vảy trắng bạc ở phía trên mảng da sưng tấy, bong tróc thường xuyên. Một số trường hợp còn xuất hiện mủ bên dưới, vỡ ra, sau đó sẽ khô lại, tích tụ thành các lớp dày, xếp chồng lên nhau.

- Da bị khô nứt, rất ngứa ngáy khiến bạn cào gãi thường xuyên.

Tình trạng này thường tiến triển qua 3 giai đoạn, từ sự xuất hiện những đốm nhỏ cho đến khi lan rộng trên hầu khắp cơ thể, gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và giao tiếp của người mắc.

Vảy nến thể giọt hình thành do đâu?

Trên thực tế, vẫn chưa có khẳng định chính xác về nguyên nhân gây bệnh vảy nến nói chung và vảy nến thể giọt nói riêng. Tuy nhiên, nhiều tài liệu đã chỉ ra rằng, hệ miễn dịch bị suy giảm chức năng khiến chúng nhận diện nhầm và tấn công những tế bào da khỏe mạnh, khiến chu kỳ sống của các tế bào này bị rút ngắn chỉ còn 3 - 4 ngày thay vì 28 - 30 ngày như bình thường, do đó không bong tróc ra kịp nên xếp chồng lên nhau, gây nên những đốm da tấy đỏ, đóng vảy, gây khó chịu, bứt rứt.

Ngoài ra, những tác nhân từ môi trường cũng góp phần khiến các triệu chứng bệnh tiến triển nhanh chóng và tồi tệ hơn. Chẳng hạn như:

- Mắc bệnh nhiễm khuẩn: Những người bị viêm họng do liên cầu khuẩn, viêm xoang, viêm amidan và các bệnh đường hô hấp trên khác có nguy cơ cao mắc bệnh.

- Tổn thương da: Do tai nạn, chấn thương làm trầy da, vết xăm mình hoặc cháy nắng.

- Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hay ngược lại, gây kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể.

- Tác dụng không mong muốn của thuốc như: Điều trị cao huyết áp, chống sốt rét, điều trị rối loạn lưỡng cực,... có thể làm bùng phát đợt bệnh mới.

- Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại, hoặc lo lắng, stress kéo dài gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, từ đó làm trầm trọng thêm biểu hiện vảy nến thể giọt.

- Hút thuốc lá: Thói quen này ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe nói chung và đặc biệt có thể kích hoạt bệnh vảy nến thể giọt bùng phát mạnh mẽ.

Vảy nến thể giọt có chữa khỏi được không?

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị bệnh vảy nến thể giọt khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng vì vẫn có những biện pháp khắc phục nhanh triệu chứng và giảm thiểu tổn thương da hiệu quả.

Các phương pháp thường được áp dụng hiện nay là sử dụng thuốc, quang trị liệu kết hợp với chăm sóc tại nhà.

Điều trị bằng thuốc

Đây là phương pháp được áp dụng khá phổ biến vì giúp ngăn chặn kịp thời phản ứng viêm và tổn thương nặng nề trên da.

Với những biểu hiện nhẹ, cách cải thiện nhanh chóng là sử dụng các sản phẩm thuốc bôi có khả năng làm sạch da, bong sừng, bạt vảy chứa: Axit salicylic, nhựa than, hoặc calcitriol, anthralin,...

Khi có tổn thương nặng hơn, thuốc uống tác dụng toàn thân với vai trò ức chế miễn dịch như: Etanercept, cyclosporine, infliximab, adalimumab, methotrexate, acitretin, golimumab,... được áp dụng nhằm giảm triệu chứng nhanh chóng.

Quang trị liệu

Phương pháp này khá hiệu quả cho người bị vảy nến toàn thân, giúp kháng viêm, giảm thiểu tổn thương nhanh chóng, được thực hiện bằng cách chiếu chùm tia cực tím vào những vùng tổn thương. Mặc dù vậy, bạn vẫn có thể gặp phải một số phản ứng như: Phồng rộp, bỏng rát da, một số trường hợp có thể làm biểu hiện bùng phát mạnh mẽ hơn.

Chăm sóc tại nhà

Ngoài các phương pháp trên, việc thực hiện một lối sống khoa học, lành mạnh sẽ giúp hạn chế các triệu chứng của bệnh vảy nến thể giọt hiệu quả hơn.

- Giảm tiêu thụ thịt đỏ, đồ cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn, đồ hun khói,...

- Tăng cường rau xanh, trái cây giàu vitamin C, D, A, omega - 3 từ cá, ngũ cốc nguyên hạt, có tác dụng tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa, làm giảm phản ứng viêm trên cơ thể.

- Tránh uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá.

- Kiểm soát căng thẳng, lo âu, nghỉ ngơi hợp lý bằng cách nghe nhạc, tập thiền, đọc sách,...

- Tích cực vận động, tập luyện thể thao 30 phút - 1 tiếng mỗi ngày, giúp tăng cường thể trạng và nâng cao sức đề kháng.

- Không cào gãi nhiều trên da hay cọ xát mạnh vì dễ khiến cho da bị tổn thương và nhiễm khuẩn từ môi trường.

- Chú ý không để da tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa mạnh, hương liệu tổng hợp, tránh gây kích ứng.

- Dưỡng ẩm da thường xuyên, đặc biệt là sau khi tắm hay giặt giũ.