Vẩy nến toàn thân là thể nặng nhất của bệnh vẩy nến. Tuy là loại hiếm gặp, nhưng đây lại là tình trạng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh có thể gây tử vong. Khi bị vẩy nến toàn thân, da của người mắc sẽ đỏ căng, tróc vảy, toàn thân đỏ như con tôm luộc, khiến họ vô cùng đau đớn và khó chịu. Vậy, làm sao để bệnh vẩy nến toàn thân không còn là nỗi ám ảnh? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này!

Nhận biết bệnh vẩy nến toàn thân

Vẩy nến toàn thân (vẩy nến đỏ da toàn thân) được xem là một dạng nặng của bệnh vẩy nến. Tình trạng này thường tiến triển từ vẩy nến thể giọt hoặc biến chứng của các thể nhẹ do điều trị không đúng cách, đặc biệt là do dùng corticoid toàn thân. Ngoài ra, bệnh còn có thể do một số nguyên nhân khác như: Di truyền, nhiễm khuẩn, tâm lý, hút thuốc lá, uống bia rượu,...

Bạn có thể nhận biết các triệu chứng của vẩy nến toàn thân dễ dàng vì bệnh này có các dấu hiệu đặc trưng, riêng biệt, bao gồm:

- Đỏ da nghiêm trọng trên một phần lớn của cơ thể.

- Da xuất hiện mụn nhọt hoặc mụn nước.

- Xuất hiện vẩy da trên vùng da tổn thương.

- Da bị bỏng.

- Ngứa dữ dội.

- Đau nhức nhối.

- Tăng nhịp tim.

- Nhiệt độ cơ thể thay đổi thất thường.

Nếu tốc độ phát triển các tế bào da của người bình thường diễn ra trong vòng 1 tháng thì đối với người mắc bệnh vẩy nến toàn thân, tốc độ này diễn ra nhanh gấp nhiều lần, chỉ trong vòng 3 - 4 ngày.

17.jpg

Hình ảnh bệnh vảy nến

Những triệu chứng này sẽ ảnh hưởng đến hầu hết người bệnh trong đợt bùng phát. Ngoài các triệu chứng trên, vẩy nến toàn thân có thể gây: Sưng, đặc biệt là xung quanh mắt cá chân; Đau khớp; Ớn lạnh hoặc sốt,... cho người mắc.

Bệnh vẩy nến toàn thân nguy hiểm như thế nào?

Vẩy nến toàn thân ít phổ biến nhưng nó rất nghiêm trọng. Bệnh ảnh hưởng đến hầu hết cơ thể và khiến làn da bị bỏng rát lan rộng.

Da hoạt động như lớp rào cản bảo vệ cơ thể. Vì vậy, nó rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Khi da bị tổn thương nghiêm trọng trong bệnh vẩy nến toàn thân, cơ thể dễ bị biến chứng bao gồm:

- Sưng phù quá mức do giữ nước.

- Bệnh tiến triển nặng do mất protein hoặc mất nước.

- Nhiễm trùng nghiêm trọng, bao gồm viêm phổi và nhiễm trùng huyết.

- Suy tim sung huyết.

Bệnh vẩy nến nói chung và vẩy nến toàn thân nói riêng không phải bệnh truyền nhiễm nên sẽ không lây lan qua tiếp xúc. Tuy nhiên, tình trạng này có thể di truyền từ cha mẹ sang con. Do đó, nếu cha mẹ bị vẩy nến thì con sinh ra tiềm ẩn khả năng mắc bệnh khá cao.

Bên cạnh đó, y học hiện nay vẫn chưa tìm ra loại thuốc nào có thể giúp đặc trị bệnh vẩy nến cũng như vẩy nến toàn thân. Các phương pháp điều trị hiện nay nhằm mục đích chủ yếu là kiểm soát triệu chứng, giảm ngứa, tránh lây lan rộng, hoặc đẩy lùi bệnh trong một thời gian nhất định.

Chính những lý do kể trên khiến cho vẩy nến đỏ da toàn thân trở thành căn bệnh ngoài da hết sức nguy hiểm.

Cách khắc phục bệnh vẩy nến đỏ da toàn thân

Hiện nay, một số biện pháp thường được dùng để điều trị bệnh như:

Điều trị toàn thân

Khi bị vẩy nến toàn thân tức là bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, các nốt vẩy nến lan ra khắp cơ thể. Lúc này, sẽ cần áp dụng phương pháp điều trị toàn thân để kiểm soát bệnh. Trường hợp này có thể dùng một số thuốc đường uống hay đường tiêm như: Methotrexate, acitretin, cyclosporine,... Các loại thuốc này tuy có tác dụng điều trị vẩy nến toàn thân nhưng nếu quá lạm dụng sẽ gây ra tác dụng phụ như: Tổn thương gan, thận, máu, rối loạn miễn dịch, ung thư da,...

Phương pháp quang trị liệu

Phương pháp trị liệu quang hóa sẽ ức chế quá trình phân chia và nhân lên của các tế bào thượng bì do tác động trực tiếp của tia UVB lên nhân tế bào và phân tử khác. Mặc dù được đánh giá là hiệu quả, nhưng phương pháp này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Thương tổn da do ánh sáng, lão hóa da sớm, tăng nguy cơ ung thư hắc tố và các ung thư da khác, tổn thương mắt,...

Thay đổi lối sống

Ngoài các biện pháp điều trị trong đợt cấp tính, người bị vẩy nến toàn thân cũng cần có lối sống tích cực, khoa học để ngăn ngừa tái phát cũng như góp phần cải thiện triệu chứng hiệu quả.

- Bổ sung những loại thực phẩm như các loại cá biển, rau xanh, vừng đen, thực phẩm có màu cam chứa beta-carotene giúp cải thiện tình trạng vẩy nến.

- Tránh những thực phẩm thịt đỏ, đồ chiên rán, sữa và sản phẩm từ sữa, đường cũng như các sản phẩm nhiều đường bởi chúng làm tăng tình trạng viêm.

- Luôn giữ suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng quá mức.

- Tăng cường vận động, tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày với các bài tập như đi bộ, bơi lội, đạp xe, đánh cầu lông,...

- Giảm cân nếu bạn thừa cân, béo phì.

- Hạn chế trầy xước, chấn thương da.

- Hạn chế uống rượu, đặc biệt trong thời gian bùng phát bệnh.