Bệnh vảy nến là tình trạng tổn thương da nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy không lây nhiễm từ người này sang người khác nhưng tình trạng trên có thể lan rộng trên khắp cơ thể. Vậy làm cách nào để ngăn chặn điều này? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có lời giải đáp cụ thể, hãy tham khảo nhé!
Bệnh vảy nến có lây không?
Vảy nến là một bệnh da liễu mạn tính, có cơ chế miễn dịch. Tình trạng này ảnh hưởng đến 2-3% dân số thế giới và không phải là bệnh lý hiếm gặp ở Việt Nam.
Tuy nguyên nhân chưa được khẳng định rõ ràng nhưng nhiều tài liệu chỉ ra rằng, sự suy yếu, rối loạn của hệ miễn dịch là yếu tố hàng đầu gây bệnh. Trong trường hợp này, chúng nhận diện nhầm và tiêu diệt chính những tế bào da trên cơ thể, khiến các tế bào da chết đi nhanh chóng mà chưa kịp bong ra, tích tụ thành mảng bong tróc, tổn thương nghiêm trọng, đồng thời gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, làm người mắc luôn muốn cào gãi, dễ trầy xước và nhiễm khuẩn da nặng hơn.
Những triệu chứng này thường khiến người đối diện nghĩ rằng, vảy nến có thể lây sang cơ thể mình nhưng thực tế không phải như vậy. Xin khẳng định lại rằng, vảy nến không phải là bệnh truyền nhiễm và cũng không thể lây lan giữa người với người, kể cả khi tiếp xúc da kề da, bởi nguyên nhân là do sự rối loạn của hệ miễn dịch chứ không liên quan trực tiếp đến tác nhân vi khuẩn hay virus.
Tuy nhiên, bệnh có thể lan từ một vị trí của cơ thể sang các khu vực khác nếu không được điều trị đúng cách, tùy thuộc vào thể bệnh mà mức độ nguy hiểm cũng khác nhau. Chẳng hạn như, hầu hết những người bị bệnh vảy nến mảng bám thường bị lan ra khuỷu tay, đầu gối và da đầu. Một dạng bệnh vảy nến nghiêm trọng khác là vảy nến da đỏ toàn thân lan rộng trên phần lớn cơ thể, gây ra các mảng tổn thương màu đỏ, có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, khi có bất cứ biểu hiện khác thường nào, cần tới ngay các cơ sở y tế để được khắc phục kịp thời.
Khi gãi một vùng da bị vảy nến sẽ không làm cho bệnh lây lan từ vị trí này sang vị trí khác. Tuy nhiên, điều này có thể làm chậm quá trình tự chữa lành trên da và kích thích các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Yếu tố nào khiến bệnh vảy nến lan rộng trên cơ thể?
Trên thực tế, những người có nguy cơ cao bị vảy nến (đặc biệt tiền sử gia đình có người mắc bệnh) có thể bùng phát triệu chứng lần đầu tiên sau khi tiếp xúc với một tác nhân kích thích, sau đó, nếu không được điều trị kịp thời dễ khiến tình trạng tổn thương lan rộng khắp cơ thể.
Một số yếu tố từ môi trường ảnh hưởng đến điều này, cụ thể là:
- Chấn thương da do tai nạn, vết tiêm chủng, xăm mình hay cháy nắng.
- Căng thẳng, lo âu thường xuyên, trầm cảm.
- Nhiễm trùng đường hô hấp.
- Sử dụng chất kích thích, hút thuốc kéo dài.
- Một số loại thuốc, bao gồm: Lithium, thuốc chống sốt rét, điều trị đau thắt ngực, huyết áp,...
- Bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì, bệnh gan, thận, ung thư cũng có mối liên quan đến bệnh vảy nến.
Phương pháp hạn chế bệnh vảy nến lây lan
Hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến là chiến lược tốt nhất để ngăn chặn chúng lây lan. Tùy thuộc vào thể trạng và các biểu hiện cụ thể, bạn sẽ lựa chọn những biện pháp phù hợp. Bạn có thể tham khảo những lời khuyên sau đây:
Dưỡng ẩm
Đây là điều cần thiết để giữ ẩm cho da vì nó có thể tăng tốc quá trình chữa lành và ngăn ngừa tình trạng ngứa, tốt nhất cần lựa chọn các loại kem dưỡng có tác dụng cấp nước, làm dịu da, không gây kích ứng cho người bị vảy nến.
Dầu gội và xà phòng tar cũng có thể giúp ích cho bạn. Các thành phần giúp tế bào biểu bì chết bong ra, chẳng hạn như axit salicylic, có thể làm giảm sự xuất hiện của những mảng da tổn thương. Tuy nhiên, một số sản phẩm này có thể gây kích ứng nên cần tham khảo kỹ tư vấn từ chuyên gia.
Thuốc điều trị
Một loạt các loại thuốc có thể giúp chữa bệnh vảy nến hiệu quả. Kem bôi steroid tại chỗ có hiệu quả đối với hầu hết trường hợp, chúng giúp giảm ngứa và có thể tăng tốc độ chữa lành da, tuy nhiên, sử dụng trong thời gian dài tiềm ẩn tác dụng phụ nên bạn cần thận trọng khi sử dụng.
Bạn có thể áp dụng một số loại thuốc khác giúp ngăn chặn tổn thương nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Kháng sinh nếu da bị nhiễm trùng thứ phát.
- Thuốc tác dụng toàn thân như: Methotrexate, cyclosporine.
- Liệu pháp sinh học dùng qua đường tiêm tĩnh mạch.
Quang trị liệu
Đây là liệu pháp liên quan đến sự tiếp xúc với da với ánh sáng UVB. Điều này sẽ giúp làm giảm phản ứng viêm trong cơ thể, giảm ngứa ngáy, bong da. Bên cạnh đó, phơi da dưới ánh nắng mặt trời cũng có hiệu quả với tình trạng này. Tuy nhiên, không được sử dụng giường phơi nắng hoặc đèn tắm nắng, vì điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da.
Thay đổi lối sống
Khi bệnh vảy nến xuất hiện, việc giảm thiểu tiếp xúc với các yếu tố kích thích có thể ngăn chặn bệnh lan rộng trên cơ thể. Cụ thể:
- Hãy đeo găng tay và đi giày khi làm bất kỳ công việc nào. Tốt nhất, nên hạn chế tiếp xúc với các chất tẩy rửa mạnh và lựa chọn thành phần các loại sữa tắm, dầu gội tránh gây kích ứng da.
- Luôn chú ý dưỡng ẩm da thường xuyên.
- Bổ sung rau, củ, quả giàu vitamin A, C, E, omega-3,... đều là những thực phẩm có khả năng kháng viêm tốt, giúp hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả hơn.
- Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia.