Vảy nến thường xuất hiện ở vị trí nào trên cơ thể?
Theo thống kê, có khoảng 125 triệu người bị vảy nến trên toàn thế giới, chiếm 2 – 3% dân số. Vảy nến có thể xuất hiện ở mọi nơi trên cơ thể nhưng tùy vào thể bệnh mà nó thường tập trung ở một số vị trí sau:
- Vảy nến thể mảng (vảy nến mảng bám): Đây là loại phổ biến nhất, chiếm 80% người bị vảy nến. Dấu hiệu đặc trưng của loại này là da tổn thương thành mảng có đường kính từ vài cm đến 20cm. Vảy nến thể mảng có xu hướng xuất hiện ở vùng da tì đè như: Khuỷu tay, đầu gối, da đầu, mông,...
- Vảy nến đảo ngược: Tổn thương có màu đỏ tươi, mịn, không có vảy và thường xuất hiện ở vùng nếp gấp da như nách, háng, vùng da bụng,... Bởi vậy, người bị béo phì, thừa cân dễ mắc loại vảy nến này.
- Vảy nến thể giọt: Tổn thương của loại vảy nến này thường nhỏ, lấm chấm như giọt nước trên da. Nó thường xuất hiện ở cánh tay, đùi, lưng hoặc lan ra toàn thân.
- Vảy nến toàn thân: Tổn thương da đỏ, bong vảy trắng toàn thân hoặc một phần diện tích da lớn của cơ thể.
- Vảy nến mụn mủ: Các mụn nước chứa mủ trắng có thể ảnh hưởng đến bàn chân, bàn tay hoặc toàn thân,...
- Ngoài ra, vảy nến còn ảnh hưởng đến móng, xương khớp.
Chân là vị trí mà vảy nến thường xuất hiện. Nó có thể ảnh hưởng tới toàn bộ chân với các vị trí như đùi, đầu gối, sau đầu gối, mu bàn chân cũng như lòng bàn chân. Loại vảy nến thường gặp ở chân là thể mảng, thể giọt, thể đảo ngược và mụn mủ ở chân.
Đặc điểm bệnh vảy nến ở chân
Chân là bộ phận được vảy nến “yêu thích” ghé thăm. Nó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ phần đùi trở xuống bàn chân, trong đó có bàn chân và móng.
Vảy nến ở chân và bàn chân
Vảy nến ở vị trí này có đặc điểm sau:
- Vảy nến mụn mủ: Thể này thường xuất hiện ở lòng bàn chân với các mụn có mủ trắng, gây đau đớn và hạn chế khả năng di chuyển, vận động. Vảy nến mụn mủ ảnh hưởng đến toàn bộ chân của người bệnh. Thậm chí, nếu mụn vỡ ra, nó có thể gây bội nhiễm, rất nguy hiểm.
- Vảy nến thể mảng: Vảy nến thể mảng có thể xuất hiện ở chân tại vùng đầu gối với các tổn thương đỏ, sưng viêm và bong vảy trắng hoặc bạc. Nếu vảy nến mảng bám lan rộng có thể ảnh hưởng đến cả vùng da ở đùi, bắp chân, mu bàn chân.
- Vảy nến đảo ngược thường xuất hiện sau gối với tổn thương đỏ tươi, mịn và không có vảy.
Vảy nến ở khớp
Viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến các khớp ở chân như đầu gối, khớp cổ chân, ngón chân, khiến các khớp này sưng, đau, tấy đỏ, hạn chế khả năng di chuyển của người bệnh. Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây biến dạng khớp và người mắc sẽ bị liệt.
Vảy nến ở móng
Vảy nến ở móng chân khiến móng bị sần sùi, đổi màu thành vàng hoặc trắng đục, thậm chí móng có thể bong ra, gây đau đớn cho người bệnh.
Các phương pháp điều trị vảy nến ở chân hiệu quả
Cho đến nay, chưa có cách chữa vảy nến khỏi hoàn toàn, nhưng có một loạt phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm triệu chứng và hạn chế bệnh bùng phát. Chúng bao gồm: Thay đổi lối sống tích cực, sử dụng thuốc, quang hóa trị liệu.
- Thay đổi lối sống: Một số biện pháp thay đổi lối sống có thể giúp làm giảm hoặc ngăn ngừa bùng phát bệnh vảy nến. Chúng bao gồm:
+ Duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm cân nếu cần thiết, tránh hút thuốc, giảm lượng rượu và có chế độ ăn uống cân bằng.
+ Thường xuyên giữ ẩm cho da; tránh sử dụng các sản phẩm hóa chất, xà phòng lên da.
+ Tránh xa các yếu tố gây vảy nến, bằng cách: Giảm căng thẳng, stress; tránh thời tiết lạnh, khô; nên tập thể dục hàng ngày; bảo vệ da khỏi ánh nắng, trầy xước,…
- Sử dụng thuốc: Chúng bao gồm các thuốc bôi trực tiếp lên tổn thương vảy nến. Chúng có dạng kem, thuốc mỡ, gel,… áp dụng cho người bị vảy nến nhẹ đến trung bình; thuốc điều trị toàn thân phù hợp với người bị tổn thương đã nặng, xuất hiện biến chứng hoặc mắc vảy nến ở nhiều vị trí trên cơ thể. Chúng có dạng uống, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch. Đây là các thuốc ức chế miễn dịch, giảm viêm nên cải thiện triệu chứng vảy nến tích cực. Tuy nhiên, dùng thuốc kéo dài khiến hệ miễn dịch suy yếu, từ đó làm cho triệu chứng vảy nến ngày càng trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, thuốc cũng gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe nên người dùng cần thận trọng.
- Liệu pháp ánh sáng, còn được gọi là quang hóa trị liệu: Đây là phương pháp tiếp xúc da bị vảy với tia cực tím UV. Để liệu pháp này có hiệu quả, mọi người có thể cần 2 hoặc 3 buổi trị liệu mỗi tuần. Tuy được đánh giá là an toàn nhưng hãy thận trọng nguy cơ bị bỏng, ung thư da khi áp dụng phương pháp này.