Vẩy nến là một bệnh ngoài da thường gặp, chiếm khoảng 6% các bệnh nhân khám da liễu. Bệnh lành tính, thường không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng gây tác động xấu đến thẩm mĩ, tâm lí và những hệ lụy khác. Nam và nữ có khả năng mắc bệnh ngang nhau, người lớn gặp nhiều hơn trẻ em. Bệnh phát thành từng đợt, tùy từng người. Cách xác định tư tưởng hòa bình và sống chung với bệnh là vô cùng quan trọng.
Những đợt tái phát này liên tục hay rời rạc. Thương tổn của bệnh xuất hiện thường xuyên trên da gây nên nỗi mặc cảm cho người bệnh. Hiểu được bệnh, duy trì bệnh ở trạng thái tốt nhất, giới hạn các biến chứng từ việc điều trị không đúng cách… sẽ mang lại chất lượng cao hơn cho cuộc sống của người bệnh.
Bệnh vẩy nến biểu hiện ra sao?
Bệnh vẩy nến biểu hiện trên da bằng các mảng đỏ có giới hạn rõ và đóng vảy trắng đục. Khi đè lên thì màu đỏ này biến mất. Các mảng đỏ có ranh giới rất rõ với vùng da lành bên cạnh, kích thước từ vài cm đến hàng chục cm (vẩy nến mảng) hoặc chỉ là các thương tổn màu đỏ, hơi gồ lên mặt da kích thước chừng vài mm, khá đồng đều (vẩy nến giọt). Trong trường hợp nặng, bệnh lan rộng toàn thân (vẩy nến toàn thân).
Khi cạo, gãi thì vẩy bị rớt ra một cách dễ dàng giống như sáp đèn cầy hoặc có khi là mảng lớn. Các thương tổn này được phân bổ một cách đối xứng ở rìa chân tóc, da đầu (trông giống như gầu), cùi chỏ, đầu gối, vùng xương cụt, bộ phận sinh dục hoặc các nếp gấp.
Tự tin với bệnh vẩy nến
Bệnh không đau, có thể có ngứa với mức độ ít nhiều tùy theo từng người. Móng có thể bị hư, có các chất bột vụn đội bờ tự do lên và bị ăn khuyết dần hoặc phiến móng trở nên xù xì, lỗ chỗ như bị kim đâm vào.
Trường hợp nặng, bệnh có thể gây sưng, đau và biến dạng các khớp làm giới hạn vận động. Da có thể bị nổi nhiều mụn mủ ở bàn tay, bàn chân hoặc rải rác khắp người. Lúc này bệnh nhân thường bị sốt, mệt mỏi hoặc căng đau vùng da bị bệnh. Bệnh cũng có thể làm cho da cả người bị đỏ luôn không hồi phục (đỏ da toàn thân)
Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Bất thường miễn dịch được cho là nguyên nhân chính gây ra bệnh vẩy nến. Thêm vào đó, yếu tố di truyền, các xáo trộn về sinh hóa, chấn thương tâm lý, thuốc... cũng ảnh hưởng trên sự khởi phát, tái phát hoặc làm bệnh nặng thêm. Những yếu tố làm bệnh nặng hơn là nhiễm liên cầu trùng, nhiễm siêu vi trùng, căng thẳng, chấn thương tâm lý... Cần nhớ là bệnh vẩy nến không lây lan cho người khác nên không cần cách ly hay xa lánh người bệnh.
Bệnh có di truyền không?
Bệnh vẩy nến có tính di truyền, điều này đã được xác định rõ ràng trong 30-40% các trường hợp. Nếu trong gia đình chỉ có hoặc cha hoặc mẹ bị bệnh thì khoảng 8% các con sẽ mắc bệnh, còn nếu cả cha và mẹ cùng bị vẩy nến thì khả năng mắc bệnh của các con là 41%.
Bệnh vẩy nến được điều trị như thế nào?
Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị hết hẳn. Các thuốc điều trị có thể giống hoặc khác nhau tùy từng bệnh nhân, điều kiện kinh tế, mức độ nặng nhẹ và yếu tố tâm lí. Có 3 phương pháp chính điều trị bệnh: thuốc uống, thuốc bôi ngoài da và quang hóa liệu pháp.
Thuốc uống
Bác sĩ thường kê toa các thuốc giúp làm giảm triệu chứng ngứa, lo âu, thuốc nâng tổng trạng... Thuốc đặc trị sẽ được cân nhắc cho các trường hợp nặng (biến chứng khớp, vẩy nến mủ, đỏ da toàn thân). Những thuốc đặc trị này thường được kê đơn bởi các bác sĩ đã có kinh nghiệm trong việc sử dụng, cho đối tượng bệnh nhân nằm viện với sự theo dõi sát sao của nhân viên y tế. Các thuốc này bao gồm:
- Thuốc ức chế sự hình thành quá trình miễn dịch như cyclosporin
- Thuốc ức chế sự tân sinh như methotrexate
- Thuốc chứa chất vitamine A acide (Tigason, Soriatane) là các thuốc đặc trị, được dùng cho trường hợp vẩy nến kháng trị hoặc vẩy nến mủ. Thuốc này cho kết quả tốt nhưng đắt tiền và nhiều tác dụng phụ (nghiêm trọng nhất là gây quái thai cho phụ nữ nếu như mang thai trong giai đoạn dùng thuốc).
- Các chế phẩm sinh học chứa chất alefacept và etanercept cũng có tác dụng tốt trên bệnh vẩy nến.
Thuốc bôi
Các thuốc giúp lột sừng, tiêu sừng như acid salicylic, AHA, các dẫn xuất của retinoid, ure, hắc ín, dầu Cade... Thuốc bôi có chứa các chất corticoid giúp thuyên giảm nhanh triệu chứng ngứa, đỏ. Các thuốc này nếu dùng lâu sẽ gây teo da, rậm lông, nổi mụn, đỏ da, nghiện thuốc, tăng nguy cơ bội nhiễm (vi trùng, vi nấm, siêu vi trùng) hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh... Thuốc có chứa chất calcipotriol, một dẫn xuất của vitamin D, giúp ngăn chặn sự tạo vẩy, chống viêm, đưa da về trạng thái bình thường. Chất này đang được xem là chọn lựa đầu tiên cho việc trị liệu tại chỗ bệnh vẩy nến. Tuy nhiên không được thoa lên mặt vì khả năng gây kích ứng và không được dùng cho phụ nữ có thai.
Quang và quang hóa liệu pháp
Phương pháp này được dùng cho các bệnh nhân vẩy nến dai dẳng hoặc người có diện tích da bệnh khá nhiều (hơn 40% diện tích cơ thể ). Lúc này, việc thoa thuốc có thể bất tiện cũng như cơ thể phải gánh chịu các tác dụng phụ của thuốc thoa khi dùng trên diện rộng.
Tuy nhiên không phải ai cũng được áp dụng phương pháp điều trị này. Người có tiền căn nhạy cảm ánh sáng, đục thủy tinh thể, suy gan thận, người có các bệnh gắn liền với nguy cơ ung thư da như ngộ độc Arsenic, người có các bệnh mà việc phơi nắng sẽ làm nặng thêm như bệnh lupus ban đỏ, porphyrie hoặc trẻ em dưới 12 tuổi đều không được chỉ định quang liệu pháp.
Bệnh nhân sẽ được chiếu tia cực tím A sau khi uống psoralen (gọi là PUVA liệu pháp) hoặc phối hợp uống chất retinoid với liệu pháp PUVA hoặc phối hợp thoa hắc ín với chiếu tia B hoặc chiếu tia cực tím B (UVB) đơn độc.
Quang trị liệu có tác dụng ức chế quá trình phân chia và nhân lên của các tế bào thượng bì do tác động trực tiếp của tia UVB lên nhân tế bào và phân tử khác. Mặt khác, cũng có giả thuyết cho rằng việc chiếu UVB sẽ làm chết các tế bào T, là tế bào có trách nhiệm một phần cho chứng viêm gây ra bệnh.
Sống chung với bệnh vẩy nến như thế nào?
Do nguyên nhân sinh bệnh phức tạp, vẩy nến là một trong những bệnh về da khó chữa hết hẳn. Điều này gây chán nản trong tâm lý người bệnh và làm họ căng thẳng thêm mà càng căng thẳng, càng âu lo, buồn bực thì bệnh càng nặng. Điều này tạo thành một vòng lẩn quẩn ngày càng làm bệnh thêm nặng.
Tuy không điều trị hết hẳn nhưng việc trị liệu sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp thuyên giảm các biểu hiện ngoài da, giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng nặng nề, khó chữa như tổn thương khớp, vẩy nến mủ hoặc bệnh cảnh đỏ da toàn thân. Không những thế, trị liệu đúng cách còn giúp bệnh nhân giới hạn được các tác dụng phụ do thuốc gây ra. Việc phòng bệnh thường chỉ nhằm ngăn chặn sự trầm trọng của bệnh hơn là ngăn bệnh không xảy đến với mình. Vì vậy việc tìm hiểu cách sống chung với bệnh là một việc cần thiết giúp người bệnh có được một cuộc sống thoải mái.
Những việc bệnh nhân nên làm:
- Hiểu được tinh thần sống chung với bệnh một cách lạc quan
- Biết cách chế ngự căng thẳng, vui chơi giải trí lành mạnh
- Giữ sức khỏe tốt, rèn luyện thể lực
- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn nhiều đạm (vì người có bệnh thường bị mất đạm qua lượng vảy tróc ra hằng ngày), ít béo, ngọt (đã có các nghiên cứu cho thấy có sự liên quan bệnh vẩy nến với rối loạn chuyển hóa lipid)
- Điều trị bệnh vẩy nến ngay từ khi thương tổn da còn ít theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa
- Phòng ngừa và trị liệu sớm các nhiễm trùng đường hô hấp, răng miệng
- Thoa kem giữ ẩm cho da khi bệnh đã thuyên giảm
- Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn phải trị đồng thời nhiều bệnh với nhiều thuốc uống cùng lúc. Một số thuốc uống có thể làm nặng thêm bệnh vẩy nến như thuốc kháng sốt rét hoặc gây tương tác hóa học với nhau.
Những việc bệnh nhân không nên làm:
- Cào gãi, chà xát thương tổn vì ở bệnh vẩy nến có hiện tượng KOEBNER. Đây là hiện tượng nổi thêm sang thương mới sau khi có kích thích cơ học
- Tự điều trị theo mách bảo hoặc dùng đi dùng lại đơn thuốc đã đỡ bệnh trước đây mà không qua ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
- Tắm nước quá nóng, điều này có thể làm nặng thêm tình trạng khô da tróc vẩy.
- Uống rượu.
Tóm lại, bệnh vẩy nến là một bệnh da mạn tính. Người bệnh cần tuân thủ và hợp tác với thầy thuốc để việc trị liệu đạt hiệu quả. Ngoài ra, một lối sống lành mạnh với tinh thần lạc quan yêu đời kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lí, biết cách chế ngự căng thẳng là những việc khả thi giúp bệnh nhân có cuộc sống tốt đẹp dù cho một phần cuộc sống của họ luôn phải đồng hành với bệnh vẩy nến.