Tại sao bị vẩy nến” là băn khoăn của hầu hết những người mắc bệnh. Thật khó để giải thích tại sao trong gia đình không ai bị vẩy nến nhưng bạn lại gặp phải tình trạng “khó coi” này, hay tại sao bạn không hút thuốc lá, ít uống rượu mà vẫn bị vẩy nến. Nếu đang quan tâm đến vấn đề này thì bạn hãy tham khảo thông tin trong bài viết sau đây.

Vẩy nến là bệnh gì?

Vẩy nến (vảy nến) là bệnh tự miễn gây viêm da mạn tính, hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Tình trạng này ảnh hưởng tới 2 – 3% dân số với khoảng 125 triệu người bệnh. Đặc điểm chủ yếu của vẩy nến là gây tổn thương da, trong một số trường hợp, nó còn tác động đến khớp và móng.

Vẩy nến có nhiều loại khác nhau, dưới đây là một số loại phổ biến:

- Vẩy nến thể mảng (vẩy nến mảng bám) là loại phổ biến nhất, chiếm 80% các trường hợp mắc vẩy nến. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là da có các tổn thương sưng đỏ, viêm và bong vẩy với đường kính từ 2 – 20 cm. Những tổn thương này có thể nhỏ hoặc gộp với nhau thành các mảng rộng. Chúng thường xuất hiện ở đầu gối, da đầu, khuỷu tay.

56.jpg

Hình ảnh bệnh vảy nến

- Vẩy nến thể giọt: Bệnh gây ra các tổn thương đỏ, sưng viêm, có vẩy trắng bao phủ ở cánh tay, chân hoặc lan ra toàn thân, đường kính thương tổn từ 2 – 20 mm. Trẻ nhỏ, thanh thiếu niên thường bị loại bệnh này.

- Vẩy nến thể mủ (vẩy nến mụn mủ): Các đám mụn đầu mủ trắng xuất hiện trên nền da viêm đỏ ở bàn chân, bàn tay hoặc toàn thân.

- Vẩy nến đảo ngược: Tổn thương da màu đỏ tươi, mịn, không có vẩy ở các nếp gấp da như nách, háng, lớp da dưới ngực. Triệu chứng có thể trầm trọng hơn nếu bị cọ xát hoặc thấm mồ hôi.

- Vẩy nến đỏ da toàn thân: Da toàn thân đỏ rộp, có lớp vẩy trắng bao phủ. Đây là loại vẩy nến hiếm gặp và rất nguy hiểm, bởi nó có thể khiến người mắc sốt, ớn lạnh, rối loạn nhịp tim,...

Ngoài ra, vẩy nến còn ảnh hưởng đến móng, gây biến dạng móng; Ảnh hưởng đến khớp khiến khớp bị sưng, viêm, đau, tấy đỏ.

Tại sao bị vẩy nến?

Rất nhiều người thắc mắc, tại sao bị vẩy nến. Tuy nhiên, cho đến nay, nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được biết đến. Theo tổ chức Bệnh vẩy nến Quốc gia Hoa Kỳ, ước tính khoảng 10% người thừa hưởng gen làm tăng khả năng mắc vẩy nến, tuy nhiên, chỉ có khoảng 2 – 3% trong số đó thực sự phát triển bệnh.

Các nhà khoa học đã xác định, khoảng 25 biến thể gen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến. Những biến thể di truyền này được cho là gây ra thay đổi trong cách hoạt động của các tế bào T của cơ thể. Tế bào T là các tế bào hệ thống miễn dịch chống lại những kẻ xâm lược có hại, như virus và vi khuẩn. Ở những người bị bệnh vẩy nến, các tế bào T quay sang tấn công chính những tế bào da khỏe mạnh của cơ thể do nhầm lẫn. Phản ứng của hệ thống miễn dịch này dẫn đến một loạt các phản ứng, bao gồm:

- Sự gia tăng các tế bào bạch cầu kích thích da, tạo ra những tế bào mới nhanh hơn bình thường;

- Sự mở rộng của các mạch máu trong da;

- Sự phát triển của các mảng dày, có vẩy liên quan đến bệnh vẩy nến;

- Sự tích tụ của các tế bào da mới trên bề mặt da;

Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh vẩy nến thường phát triển hoặc trở nên tồi tệ hơn do một số tác nhân liên quan đến môi trường, thể chất. Các yếu tố kích hoạt khác nhau tùy theo từng người, nhưng chúng thường bao gồm: Thời tiết lạnh, khô; Uống quá nhiều rượu; Hút thuốc lá; Bị nhiễm trùng gây ra sự suy yếu của hệ miễn dịch; Có vết thương ngoài da như vết cắt, vết côn trùng cắn hoặc cháy nắng; Căng thẳng quá mức; Sử dụng một số loại thuốc, bao gồm lithium, thuốc chẹn beta và thuốc chống sốt rét.

Cách ngăn ngừa vẩy nến tái phát hiệu quả

Mặc dù không thể thay đổi gen của mình, nhưng bạn có thể ngăn ngừa bệnh vẩy nến bằng cách kiểm soát các triệu chứng thông qua những phương pháp điều trị thông thường, bao gồm: Dùng thuốc bôi, uống thuốc hoặc tiêm thuốc.

Quang trị liệu hoặc điều trị bằng ánh sáng cũng có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh vẩy nến. Phương pháp này sử dụng ánh sáng cực tím tự nhiên hoặc nhân tạo để làm chậm sự phát triển và cải thiện tình trạng viêm da.

Bên cạnh các biện pháp điều trị y tế, thực hiện một số điều chỉnh lối sống cũng có thể làm giảm nguy cơ bùng phát bệnh vẩy nến. Chúng bao gồm:

Giảm căng thẳng

Căng thẳng có thể tác động tiêu cực đến bất cứ ai, đặc biệt là người mắc vẩy nến. Cơ thể có xu hướng phản ứng viêm với căng thẳng, dẫn đến sự xuất hiện của các triệu chứng bệnh vẩy nến. Bạn nên giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống bằng cách tập yoga, thiền hoặc gặp gỡ nhà trị liệu một cách thường xuyên.

Chăm sóc làn da của bạn

Chấn thương da như cháy nắng và trầy xước có thể kích hoạt bệnh vẩy nến ở một số người. Những loại chấn thương thường có thể được ngăn ngừa bằng cách chăm sóc da tốt.

Khi thực hiện các hoạt động có thể gây tổn thương da, bạn nên có biện pháp phòng ngừa từ trước. Sử dụng kem chống nắng và đội mũ khi ra ngoài. Bạn cũng nên thận trọng khi tham gia các hoạt động ngoài trời và tiếp xúc với các môn thể thao, chẳng hạn như bóng rổ hoặc bóng đá.

Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ

Nhiễm trùng được biết là tác nhân dẫn đến bùng phát bệnh vẩy nến vì chúng gây căng thẳng cho hệ thống miễn dịch, tạo ra phản ứng viêm. Viêm họng có liên quan đến sự xuất hiện của các triệu chứng bệnh, đặc biệt là ở trẻ em. Tuy nhiên, vẩy nến bùng phát có thể xảy ra sau khi bị đau tai, viêm amidan, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc da. Những loại nhiễm trùng thường được ngăn ngừa bằng cách vệ sinh tốt.

Hãy chắc chắn rằng, bạn đã rửa tay sạch sẽ trong suốt cả ngày. Ngoài ra, nên tránh dùng chung cốc và đồ dùng với người khác. Điều quan trọng nữa là phải làm sạch vết cắt hoặc vết thương đúng cách và giữ cho nó được sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.

Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh

Bị béo phì hoặc thừa cân làm cho các triệu chứng bệnh vẩy nến tồi tệ hơn. Vì vậy, điều quan trọng là kiểm soát cân nặng bằng cách tập thể dục thường xuyên và áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh.