Bệnh vảy nến là gì?

Vảy nến là một trong những bệnh da liễu phổ biến nhất hiện nay. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi và cân bằng ở 2 giới. Theo ước tính, có khoảng 125 triệu người, trong đó có 2,5 triệu người Việt Nam mắc bệnh này.

Vảy nến có nhiều loại nhưng phổ biến nhất là vảy nến thể mảng (vảy nến mảng bám) với các triệu chứng như tổn thương da màu đỏ, sưng viêm và có vảy trắng kèm theo ngứa ngáy, đôi khi nứt nẻ, gây đau đớn. Bệnh thường xuất hiện tại các vùng tì đè như khuỷu tay, đầu gối, da đầu,...

Ngoài ra, vảy nến còn có các loại khác như:

- Vảy nến thể giọt: Tổn thương như giọt nước thường mọc ở cánh tay, lưng,...

- Vảy nến thể mủ: Da có các mụn mủ trắng trên tay, chân hoặc lan ra toàn thân.

- Vảy nến đảo ngược: Tổn thương da đỏ tươi, mịn, không có vảy ở nách, háng, nếp gấp da,...

- Vảy nến đỏ da toàn thân: Da toàn thân đỏ tươi, phồng rộp và có vảy trắng bao phủ.

Ngoài ra, vảy nến còn ảnh hưởng đến móng, gây biến dạng móng; Ảnh hưởng đến khớp khiến khớp sưng, đau và tấy đỏ.

vay-nen-the-giot.jpg

Hình ảnh vảy nến thể giọt 

Bệnh vảy nến có lây không?

Vảy nến là bệnh tự miễn, không phải do virus, vi khuẩn nên KHÔNG lây nhiễm thông qua tiếp xúc với người mắc bệnh. Do đó, bạn có thể ôm, bắt tay, dùng chung đồ dùng, quan hệ tình dục với người bị vảy nến mà không cần lo lắng bệnh sẽ lây nhiễm. Tuy nhiên, bệnh vảy nến có thể lan rộng từ một vị trí của cơ thể. Nhiều người bị vảy nến da đầu, sau đó không điều trị đã làm cho bệnh lan ra tay, chân và toàn thân. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh thì hãy đến ngay các chuyên khoa Da liễu để được bác sĩ khám, chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp.

Vảy nến có yếu tố di truyền và yếu tố lịch sử gia đình. Nếu trong nhà có người bị vảy nến sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh này ở các thành viên còn lại.

Bệnh vảy nến có chữa được không?

Hiện nay, vảy nến chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Người mắc cần xác định chung sống hòa bình với bệnh cả đời. Tuy nhiên, đừng quá bi quan, vảy nến có thể được kiểm soát ổn định thông qua việc dùng thuốc, quang hóa trị liệu hoặc các biện pháp thay đổi lối sống.

Bệnh vảy nến có nguy hiểm không?

Vảy nến là bệnh lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị, biến chứng của vảy nến là khá nghiêm trọng, cụ thể:

- Biến chứng lên thận: Vảy nến không gây biến chứng suy thận nhưng chính thói quen tự ý dùng thuốc của nhiều người khiến thận bị tổn thương. Ngoài ra, nhiều loại thuốc có tác dụng phụ nghiêm trọng lên thận.

- Biến chứng lên hệ tim mạch: Nhiều loại thuốc điều trị vảy nến làm tăng nguy cơ đau tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

- Gây bệnh rối loạn chuyển hóa: Đây là tên gọi cho nhiều vấn đề về sức khỏe như: Béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, triglycerid tăng cao hoặc HDL-cholesterol thấp hơn ngưỡng an toàn. Người bị vảy nến có nguy cơ cao bị các bệnh này.

- Bị tiểu đường type 2: Người mắc vảy nến trung bình và nặng có nguy cơ bị tiểu đường type 2 cao hơn người bình thường.

- Biến chứng tâm lý: Người bị vảy nến thường chán nản, tự ti, mặc cảm, thậm chí trầm cảm do những tổn thương trên da gây nên.

Bệnh vảy nến có ngứa không?

Khoảng 50% người bị vảy nến thấy ngứa ngáy trên tổn thương da. Mức độ ngứa có thể từ nhẹ đến trầm trọng, gây mất ngủ, ảnh hưởng đến cuộc sống. Người bị vảy nến có thể dùng các loại kem chống ngứa để cải thiện tình trạng tốt hơn.