Vảy nến là một trong những bệnh tự miễn phổ biến nhất hiện nay với khoảng 125 triệu người mắc trên thế giới. Việc nhận biết chính xác triệu chứng bệnh vảy nến sẽ giúp việc điều trị dễ dàng hơn. Hiện nay, bạn có thể sử dụng kem bôi để cải thiện triệu chứng vảy nến rất hiệu quả. Hãy tìm hiểu về loại kem dược liệu này trong bài viết sau!

Triệu chứng bệnh vảy nến là gì?

Theo thống kê, khoảng 2 – 3% dân số thế giới bị vảy nến. Tuy được đánh giá là bệnh lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó có thể khiến mọi người xa lánh, từ đó khiến người mắc tự ti, chán nản, thu mình, ngại giao tiếp.

Triệu chứng bệnh vảy nến khác nhau tùy thuộc vào thể vảy nến bạn có. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: Những mảng da đỏ phủ đầy vảy bạc; da khô, nứt nẻ; ngứa, rát hoặc đau nhức... Đây là dấu hiệu của vảy nến thể mảng – loại vảy nến phổ biến nhất với 80% người vảy nến bị thể này.

Ngoài ra, vảy nến còn có một số thể với các triệu chứng khác như sau:

- Vảy nến thể giọt: Tổn thương nhỏ như hình giọt nước, đỏ, sưng viêm và có vảy trắng. Bệnh thường tập trung ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên.

- Vảy nến thể mủ: Da có các mụn chứa đầy mủ trắng mọc ở bàn tay, bàn chân hoặc toàn thân. Mụn mủ có thể vỡ ra, gây bội nhiễm hoặc nhiễm trùng.

- Vảy nến đảo ngược: Tổn thương da đỏ tươi, mịn, không có vảy trắng, xuất hiện ở nách, háng, nếp gấp da.

- Vảy nến đỏ da toàn thân: Da toàn thân bị đỏ như tôm luộc, vảy trắng bao phủ toàn thân.

- Vảy nến thể móng: Móng bị đổi màu, sần sùi, biến dạng.

- Vảy nến thể khớp (viêm khớp vảy nến): Khớp bị sưng, tấy, đỏ và đau.

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến

Hiện nay, nguyên nhân gây vảy nến chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, nó có liên quan đến sự rối loạn của hệ miễn dịch, kết hợp với các yếu tố nguy cơ từ môi trường.

Hệ miễn dịch của chúng ta có chức năng bảo vệ cơ thể, chống lại và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài môi trường như virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, khi bị vảy nến, hệ miễn dịch nhầm lẫn, tấn công các tế bào biểu bì da, khiến tế bào da tăng sinh và chết đi liên tục, chúng tích tụ lại bề mặt da và hình thành những vảy trắng bạc và dễ bong tróc. Trong nhiều trường hợp, hệ miễn dịch tấn công tế bào xương và móng.

Ngoài nguyên nhân trên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị vảy nến hoặc khiến triệu chứng bệnh trầm trọng hơn, bao gồm:

- Yếu tố di truyền, lịch sử gia đình

- Cháy nắng.

- Trầy xước, chấn thương da.

- Uống rượu, bia quá nhiều.

- Hút thuốc lá.

- Stress, căng thẳng kéo dài.

- Thời tiết lạnh, khô.

- Sử dụng một số loại thuốc điều trị.

- Béo phì, thừa cân,…

Bệnh vảy nến có chữa được không?

Thật không may, hiện nay chưa có cách chữa vảy nến khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp dưới đây để cải thiện triệu chứng vảy nến hiệu quả:

Sử dụng thuốc điều trị vảy nến

Sử dụng thuốc thường được bác sĩ chỉ định cho người bị vảy nến. Các loại thuốc có nhiều dạng như bôi, uống hoặc tiêm. Tùy vào mức độ của bệnh mà bạn sẽ được chỉ định loại thuốc phù hợp. Tuy nhiên, không tự ý dùng thuốc hoặc ngừng thuốc để tránh tác dụng phụ.

Điều trị vảy nến bằng quang hóa trị liệu

Đối với bệnh vảy nến nặng hoặc diện tích tổn thương lớn, một lựa chọn hữu ích là tiếp xúc với tia cực tím (UV). Nó giúp giảm triệu chứng vảy nến khá hiệu quả và được đánh giá là an toàn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phương pháp này có thể gây bỏng, ung thư da.

Thay đổi lối sống

Rất nhiều biện pháp cải thiện vảy nến tại nhà có thể được sử dụng trong điều trị bệnh vảy nến. Bạn cần lưu ý một số điều sau:

- Sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên để tránh da bị khô.

- Tránh thời tiết lạnh, khô, sử dụng máy làm ẩm khi tiết trời hanh khô, độ ẩm giảm thấp.

- Tránh các loại thuốc gây bùng phát vảy nến.

- Tránh những vết xước, vết cắt, vết sưng và nhiễm trùng.

- Tắm nắng một cách hợp lý: Không nên tắm quá 20 phút/lần và tránh tắm nắng trong thời gian từ 10h - 15h bởi có thể làm tổn thương da.

- Giảm stress bằng cách tham gia lớp học yoga hoặc massage.

- Giảm tiêu thụ rượu.

- Tập thể dục và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

- Bỏ hút thuốc lá.

- Tăng cường vận động hàng ngày, ít nhất 30 phút/ngày với các bài tập thể dục nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, đạp xe,...