Vảy nến là gì?

Vảy nến là bệnh ngoài da do tự miễn có tính chất mạn tính, tái phát nhiều lần trong đời. Bệnh ảnh hưởng đến 2 – 3% dân số thế giới với khoảng 125 triệu người mắc, trong đó có 2,5 triệu người Việt Nam. Vảy nến chủ yếu ảnh hưởng đến da với các triệu chứng da hình thành các tổn thương sưng viêm, đỏ, có vảy trắng, đôi khi tổn thương ngứa ngáy và chảy máu. Các tổn thương vảy nến thường xuất hiện tại những vùng tì đè như khuỷu tay, đầu gối, da đầu,… Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, bệnh còn ảnh hưởng đến móng gây biến dạng móng, ảnh hưởng đến khớp gây sưng tấy, đau khớp. Hiện nay, chưa có cách điều trị vảy nến khỏi hoàn toàn. Đây là bệnh không lây nhiễm nhưng có yếu tố di truyền.

Nguyên nhân gây vảy nến

Hiện nay, nguyên nhân gây vảy nến chưa được tìm ra chính xác. Tuy nhiên, thông qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia tin rằng, bệnh bùng phát do sự suy yếu của hệ miễn dịch và các yếu tố nguy cơ khác từ môi trường sống.

- Sự suy yếu của hệ miễn dịch: Thông thường, hệ thống miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể thông qua cơ chế phát hiện và tiêu diệt các loại vi khuẩn, virus và những tác nhân gây bệnh khác. Tuy nhiên, khi bị vảy nến, các tế bào T bị nhầm lẫn nên thay vì tấn công các thành phần ngoại lai, chúng lại tấn công tế bào biểu bì da, khiến tế bào da phát triển và chết đi nhanh chóng sau 3 – 4 ngày thay vì 28 – 30 ngày như bình thường. Các tế bào da chết đi được đưa lên bề mặt da liên tục mà không thể rơi ra ngoài cơ thể. Chúng tích tụ lại, chồng lên nhau và tạo nên những tổn thương có vảy trắng kèm theo da đỏ, ngứa ngáy.

- Các yếu tố nguy cơ làm trầm trọng thêm bệnh vảy nến bao gồm:

+ Yếu tố di truyền, lịch sử gia đình bị vảy nến: Nếu có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị vảy nến thì nguy cơ mắc bệnh này của những thành viên còn lại sẽ cao hơn. Theo thống kê, nếu bố hoặc mẹ bị vảy nến thì 8% con sinh ra có nguy cơ bị bệnh, còn nếu cả bố và mẹ đều bị bệnh thì tỷ lệ con cái mắc vảy nến là 41%.

+ Đã bị các bệnh nhiễm trùng như viêm họng liên cầu khuẩn, nhiễm trùng da,…

+ Bị tổn thương da như: Xăm mình, vết tiêm, trầy xước da

+ Stress kéo dài

+ Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia

+ Thừa cân, béo phì

+ Lười vận động

+ Hút thuốc lá

+ Da bị cháy nắng

+ Sử dụng một số loại thuốc điều trị như điều trị rối loạn lưỡng cực, thuốc hạ huyết áp.

ruou-bia-va-benh-vay-nen.jpg

Rượu bia ảnh hưởng đến bệnh vảy nến 

Dấu hiệu nhận biết vảy nến ở mặt

Thông thường, vảy nến có xu hướng xuất hiện tại vùng tì đè của cơ thể như khuỷu tay, đầu gối, da đầu. Vảy nến ở mặt là tình trạng khá hiếm. Bệnh vảy nến ở mặt thường ảnh hưởng đến các khu vực như lông mày, chân tóc, trán, da giữa mũi và môi trên (vùng nhân trung).

Khi bị vảy nến trên mặt, các dấu hiệu có thể bao gồm: Da xuất hiện những tổn thương đỏ, sưng, viêm, có vảy trắng và ngứa ngáy. Đường kính tổn thương từ 2 – 5 cm. Vảy nến trên mặt có thể là kết quả của bệnh vảy nến da đầu, khiến các tổn thương lan rộng ra trán và nối với những tổn thương ở mặt. Mặt là một trong những vị trí mà vảy nến thường xuyên “ghé thăm”.

vay-nen-da-mat.jpg

Hình ảnh vảy nến ở mặt 

Bệnh vảy nến trên mặt có thể ảnh hưởng đến mí mắt, kéo dài đến lông mi với những tổn thương mẩn đỏ, sưng và dày sừng ở mí mắt, viêm mí mắt. Bệnh vảy nến cũng có thể xuất hiện trên môi, bên trong má, trên nướu răng hoặc trong mũi. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng nhai, nuốt thức ăn và gây không ít phiền toái đến công việc, học tập, cuộc sống của người mắc.

Phương pháp điều trị vảy nến ở mặt hiệu quả, an toàn

Da mặt thường mỏng, nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Do đó, việc điều trị vảy nến ở mặt cần rất thận trọng. Khi thấy có các triệu chứng bệnh, người mắc cần đến chuyên khoa Da liễu để được bác sĩ khám, chẩn đoán và có hướng dẫn điều trị đúng cách bởi nếu tự ý dùng thuốc, da mặt có thể bị bào mòn và gặp tác dụng phụ không thể phục hồi. Một số giải pháp dưới đây có thể được sử dụng để điều trị vảy nến trên mặt:

Điều trị vảy nến bằng thuốc uống và thuốc bôi

Sử dụng thuốc bôi thường được chỉ định khi vảy nến ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Thuốc toàn thân (uống hoặc tiêm) khi vảy nến đã nặng. Tuy nhiên, khi bị vảy nến trên mặt, người mắc tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc bởi có thể gặp phải những tác dụng phụ nghiêm trọng như: Da mỏng, trong suốt, dễ bầm tím, trầy xước, gây teo da,… không thể khắc phục. Một số loại thuốc cấm được thoa lên mặt. Ngoài ra, chuyên gia có thể kê một số loại thuốc điều trị toàn thân nếu người mắc thấy những triệu chứng bệnh tại các vị trí khác. Phương pháp quang hóa trị liệu không được khuyến khích khi bị vảy nến ở mặt bởi nó có thể gây bỏng, ung thư da,…

Ngoài sử dụng thuốc bôi tại chỗ và thuốc toàn thân, bạn cần áp dụng một số cách sau để cải thiện triệu chứng vảy nến trên mặt:

- Sử dụng kem giữ ẩm cho da hàng ngày.

- Thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài để bảo vệ da.

- Hạn chế makeup, hạn chế sử dụng các loại sữa rửa mặt, mỹ phẩm trong đợt bùng phát vảy nến.