Vảy nến (vẩy nến) là bệnh tự miễn ảnh hưởng đến khoảng 125 triệu người trên thế giới. Việc điều trị bệnh vảy nến gặp rất nhiều khó khăn do nguyên nhân gây bệnh chưa được tìm ra chính xác. Hiện nay, nhờ vào nhiều biện pháp, bạn có thể kiểm soát, quản lý các triệu chứng bệnh hiệu quả..

Giải đáp một số thắc mắc về bệnh vảy nến

Vảy nến là bệnh ngoài da khá phức tạp. Bởi vậy, nhiều người thường băn khoăn không biết vảy nến có lây không, có chữa được không và có di truyền không. Lời giải đáp cho các thắc mắc trên sẽ có ở nội dung dưới đây:

Bệnh vảy nến có lây không?

Vảy nến là bệnh do sự rối loạn của hệ miễn dịch, không phải do vi khuẩn, virus nên không lây nhiễm. Do đó, bạn có thể yên tâm tiếp xúc, cầm tay, dùng chung đồ với người bị vảy nến mà không cần phải lo lắng.

Vảy nến có chữa được không?

Hiện nay, vảy nến chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nhờ nhiều biện pháp như dùng thuốc, quang hóa trị liệu,… bạn có thể kiểm soát được các triệu chứng bệnh và ngăn ngừa vảy nến tái phát.

Vảy nến có di truyền không?

Vảy nến là bệnh có yếu tố di truyền và lịch sử gia đình. Nếu bố hoặc mẹ bị vảy nến thì nguy cơ con mắc bệnh này là 8% còn nếu cả bố và mẹ đều bị vảy nến thì nguy cơ con sinh ra mắc bệnh là 41%.

hinh-anh-vay-nen-toan-than.jpg

Hình ảnh bệnh vảy nến toàn thân

6 loại kem tự nhiên giúp điều trị bệnh vảy nến

Dưới đây là danh sách 6 loại hỗn hợp tự nhiên giúp điều trị bệnh vảy nến nhờ tác dụng kiểm soát, cải thiện triệu chứng hiệu quả.

1. Nha đam (lô hội)

Gel lô hội có nhiều đặc tính tự nhiên tuyệt vời để điều trị bệnh vảy nến như chống viêm và tái tạo da. Bạn lấy 1 lá nha đam, loại bỏ vỏ và dùng phần ruột thoa lên các tổn thương vảy nến.

2. Mướp đắng

Loại rau này có nhiều lợi ích sức khỏe như tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm viêm, điều này rất hữu ích cho người bị bệnh vảy nến. Bạn có thể sử dụng mướp đắng để tự chế ra loại kem giúp trị các triệu chứng của bệnh vảy nến. Cách làm như sau: Luộc mướp đắng, bóc vỏ, cắt thành lát và xay nhuyễn. Sau đó, thoa hỗn hợp này lên da và để trong 20 phút trước khi rửa sạch lại với nước ấm.

3. Chuối

Chuối là một gợi ý hữu ích cho bạn để giảm triệu chứng bệnh vảy nến. Bạn có thể lấy vỏ chuối chà xát mặt trong lên các tổn thương bệnh vảy nến hoặc xay nhuyễn chuối và thoa lên vùng da ảnh hưởng trong 15 phút. Sau đó, rửa sạch da bằng nước ấm.

4. Sử dụng baking soda

Baking soda rất tốt trong việc giảm ngứa và tẩy tế bào chết. Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận bởi phương pháp này có thể gây kích ứng da.

Bạn chuẩn bị khoảng 3 muỗng canh baking soda (30g) và 60ml nước. Sau đó, bạn cho baking soda vào bát và thêm nước, trộn đều cho đến khi tạo thành hỗn hợp mịn. Thoa hỗn hợp lên vùng da bị vảy nến và để trong 30 phút. Tuy nhiên, nếu cảm thấy nóng rát, hãy sửa sạch và thấm khô da.

5. Sử dụng ớt

Ớt chứa một hoạt chất hóa học là capsaicin giúp giảm đau bằng cách ức chế các đầu dây thần kinh. Khi dùng cho người bị vảy nến, nó cũng làm giảm tình trạng viêm, đỏ và bong tróc.

Bạn có thể dùng chiết xuất ớt và trộn với nước rồi thoa lên da trong 10 phút. Sau đó, rửa sạch da bằng nước sạch.

6. Sử dụng hạt lanh

Hạt lanh chứa tinh dầu có khả năng chống viêm tuyệt vời. Bạn có thể sử dụng 20g hạt lanh và 60 ml nước để tạo thành hỗn hợp tốt cho da. Dùng máy xay hoặc giã hạt lanh cho mịn, sau đó cho nước để tạo thành hỗn hợp mịn và thoa lên da trong vòng 15 phút.