Vảy nến là bệnh ngoài da mạn tính, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 2,5 triệu người Việt Nam. Tuy vậy, hiện nay, việc điều trị bệnh vảy nến gặp rất nhiều khó khăn, điều này khiến không ít người chán nản, tự ti và bỏ cuộc. Vậy phải làm sao để cải thiện vảy nến hiệu quả, lấy lại sự tự tin cho người bệnh? Mời bạn đọc thông tin có trong bài viết sau.

Điều trị bệnh vảy nến có khó không?

Hiện nay, việc điều trị vảy nến gặp rất nhiều khó khăn. Điều này khiến không ít người mắc vảy nến tự ti, mặc cảm, thậm chí một số trường hợp bị trầm cảm và có ý định tự tử để thoát khỏi bệnh. Tại sao lại như vậy?

- Hiện chưa có phương pháp hay thuốc chữa vảy nến khỏi hoàn toàn. Điều này đồng nghĩa với việc, bệnh sẽ thường xuyên tái phát mà không có dấu hiệu báo trước. Thông thường, các đợt bùng phát vảy nến sẽ xuất hiện khi người bệnh bị mệt mỏi, căng thẳng kéo dài hoặc trải qua đợt sang chấn tâm lý,… Các phương pháp điều trị hiện nay chỉ giúp cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa các đợt bùng phát bệnh.

- Vảy nến có nhiều loại, việc điều trị mỗi loại này không giống nhau: Khi có dấu hiệu da sưng đỏ, bong tróc vảy, ngứa ngáy thì rất có thể đó là bệnh vảy nến. Lúc này, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và có hướng điều trị phù hợp với từng loại bệnh.

- Tâm lý của người Việt Nam: Người mắc thường có thói quen tự ý chữa bệnh theo thói quen, kinh nghiệm dân gian hoặc truyền miệng. Điều này có thể khiến bệnh vảy nến trầm trọng hơn và khó điều trị sau này.

Các phương pháp điều trị vảy nến hiện nay là gì?

Mục tiêu điều trị vảy nến là giúp kiểm soát triệu chứng bệnh. Phương pháp điều trị được xác định bởi loại, mức độ nghiêm trọng và khu vực da bị ảnh hưởng bởi bệnh vảy nến. Bác sĩ có thể chỉ định một cách điều trị nhẹ, như kem bôi tại chỗ, sau đó chuyển sang phương pháp điều trị mạnh hơn nếu cần thiết. Các phương pháp điều trị khác nhau cho bệnh vảy nến bao gồm:

Điều trị tại chỗ

Điều trị tại chỗ thường là phương pháp đầu tiên được sử dụng cho bệnh vảy nến nhẹ đến trung bình bằng cách sử dụng các loại kem và thuốc mỡ cho các khu vực bị ảnh hưởng. 

- Chất làm mềm là phương pháp điều trị giữ ẩm được áp dụng trực tiếp lên da để giảm sự mất nước và bảo vệ vùng da tổn thương. Lợi ích chính của chất làm mềm là giảm ngứa và hạn chế bong tróc vảy. 

- Kem steroid hoặc thuốc mỡ (corticosteroid tại chỗ) thường được sử dụng để điều trị bệnh vảy nến nhẹ đến trung bình ở hầu hết các khu vực của cơ thể. Việc điều trị có tác dụng giảm viêm. Điều này làm chậm quá trình sản xuất tế bào da và giảm ngứa. Corticosteroid tại chỗ có thể được bác sĩ kê toa và chỉ nên được sử dụng trên những vùng da nhỏ hoặc trên các mảng tổn thương dày. Việc lạm dụng corticosteroid tại chỗ có thể dẫn đến mỏng da.

- Kem tương tự vitamin D thường được sử dụng cùng hoặc thay thế cho kem steroid tại các khu vực như chân tay, thân hoặc da đầu. Chúng hoạt động bằng cách làm chậm quá trình sản xuất tế bào da và chống viêm.

- Các chất ức chế calcineurin là thuốc mỡ hoặc kem làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch và giúp giảm viêm. Đôi khi chúng được sử dụng để điều trị bệnh vảy nến ảnh hưởng đến các khu vực nhạy cảm, như da đầu, bộ phận sinh dục và nếp gấp trên da nếu kem steroid không hiệu quả.

- Dithranol được sử dụng trong hơn 50 năm để điều trị bệnh vảy nến. Nó đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn chặn việc sản xuất các tế bào da và có ít tác dụng phụ. 

Quang hóa trị liệu vảy nến

Quang trị liệu sử dụng ánh sáng tự nhiên và nhân tạo để điều trị bệnh vảy nến. Liệu pháp này có thể được áp dụng trong bệnh viện và một số trung tâm chuyên khoa dưới sự giám sát của bác sĩ da liễu. 

- Quang trị liệu UVB sử dụng bước sóng ánh sáng vô hình với mắt người. Ánh sáng làm chậm quá trình sản xuất tế bào da, có tác dụng đối với một số loại bệnh vảy nến chưa đáp ứng với các phương pháp điều trị tại chỗ.

- Psoralen cộng với tia cực tím A (PUVA): Đối với phương pháp điều trị này, trước tiên bạn sẽ được cung cấp một viên thuốc hoặc kem bôi có chứa các hợp chất psoralen. Điều này làm cho làn da của bạn nhạy cảm hơn với ánh sáng. Da của bạn sau đó tiếp xúc với một bước sóng ánh sáng gọi là tia cực tím A (UVA). Ánh sáng này xuyên qua da bạn sâu hơn ánh sáng cực tím B. Phương pháp này được sử dụng nếu bạn bị bệnh vảy nến nặng mà không đáp ứng với điều trị khác. Tác dụng phụ bao gồm: Buồn nôn, đau đầu, nóng rát và ngứa. Bạn có thể cần phải đeo kính đặc biệt trong 24 giờ sau khi uống hoặc bôi thuốc để ngăn ngừa sự phát triển của đục thủy tinh thể. Việc áp dụng lâu dài phương pháp điều trị này không được khuyến khích vì nó có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da.

- Liệu pháp ánh sáng kết hợp: Kết hợp liệu pháp quang hóa với những cách điều trị khác giúp làm tăng hiệu quả của nó. Một số bác sĩ sử dụng phương pháp trị liệu bằng tia UVB kết hợp với nhựa than, vì nhựa than làm cho da dễ tiếp nhận ánh sáng hơn. Kết hợp phương pháp trị liệu bằng tia UVB với kem dithranol cũng có thể đem lại hiệu quả tích cực.

Phương pháp điều trị toàn thân

Nếu bệnh vảy nến của bạn nghiêm trọng hoặc các cách chữa khác không hiệu quả, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định điều trị vảy nến toàn thân. Phương pháp điều trị toàn thân hoạt động trên toàn bộ cơ thể.

Những loại thuốc này có thể rất hiệu quả trong điều trị vảy nến, nhưng chúng đều tiềm ẩn tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, trước khi bắt đầu điều trị, hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn của bạn và bất kỳ rủi ro nào liên quan đến chúng.

Nếu đang có kế hoạch sinh con, mang thai hoặc đang cho con bú, bạn cũng nên nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc mới nào để kiểm tra xem mức độ phù hợp đến đâu.

Có 2 loại điều trị toàn thân chính, được gọi là không sinh học (thường được dùng dưới dạng viên nén hoặc viên nang) và sinh học (thường được dùng dưới dạng tiêm).

- Thuốc phi sinh học

+ Methotrexate có thể giúp kiểm soát bệnh vảy nến bằng cách làm chậm quá trình sản xuất tế bào da và ức chế viêm. Thuốc có thể gây buồn nôn và ảnh hưởng đến việc sản xuất các tế bào máu. Sử dụng lâu dài làm tăng nguy cơ tổn thương gan. Những người mắc bệnh gan không nên dùng methotrexate và không nên uống rượu khi dùng thuốc. Methotrexate rất có hại cho em bé đang phát triển, vì vậy phụ nữ không nên mang thai trong khi đang dùng thuốc này.

+ Ciclosporin là một loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch. Tác dụng phụ của nó là làm tăng khả năng mắc bệnh thận và huyết áp cao.

+ Acitretin là một retinoid uống làm giảm sản xuất tế bào da. Nó được sử dụng để điều trị bệnh vảy nến nghiêm trọng mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Acitretin có một loạt tác dụng phụ, bao gồm khô và nứt môi, khô mũi và trong trường hợp hiếm hơn là viêm gan. Thuốc có hại cho thai nhi nên khi mang thai, người mẹ không nên dùng thuốc.

- Thuốc sinh học: Phương pháp điều trị sinh học làm giảm viêm bằng cách nhắm mục tiêu các tế bào hoạt động quá mức trong hệ thống miễn dịch. Chúng thường được sử dụng nếu bạn bị bệnh vảy nến nặng mà không đáp ứng hoặc không thể sử dụng các phương pháp điều trị khác.

+ Etanercept được tiêm hai lần một tuần và bạn sẽ được hướng dẫn cách thực hiện. Nếu tình trạng bệnh vảy nến không có sự cải thiện sau 12 tuần, việc điều trị sẽ được dừng lại. Tác dụng phụ chính của etanercept là phát ban nơi tiêm thuốc. Tuy nhiên, vì etanercept ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống miễn dịch nên nó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

+ Adalimumab được tiêm 2 tuần một lần. Nếu không có sự cải thiện triệu chứng bệnh vảy nến sau 16 tuần, việc điều trị sẽ được dừng lại. Các tác dụng phụ chính của adalimumab bao gồm đau đầu, phát ban tại chỗ tiêm và buồn nôn. 

+ Infliximab được sử dụng bằng cách truyền vào tĩnh mạch của bạn. Nếu bệnh vảy nến không có sự cải sau 10 tuần, việc điều trị sẽ được dừng lại. Tác dụng phụ chính của Infliximab là đau đầu và nhiễm trùng nặng.

+ Ustekinumab được sử dụng dưới dạng tiêm. Các tác dụng phụ chính của ustekinumab là nhiễm trùng cổ họng, phát ban tại chỗ tiêm và nhiễm trùng nặng.