Người bị vảy nến da đầu luôn cảm thấy mất tự tin vì những tổn thương sưng đỏ, ngứa ngáy hiện diện ngay trên da đầu và nhiều vùng lân cận. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không? Tại sao kem bôi có thể cải thiện nhanh chóng và hiệu quả bệnh lý này? Mời các bạn tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thông tin cụ thể nhất nhé!

Vảy nến da đầu có biểu hiện như thế nào?

Bệnh vảy nến da đầu là một rối loạn trên da phổ biến, diễn biến dai dẳng, làm cho các mảng da nổi lên, ban đỏ và thường đóng vảy. Chúng xuất hiện thành từng đám nhỏ nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ da đầu. Bên cạnh đó, tổn thương cũng có thể lan lên trán, ra sau gáy hoặc cả phía trong tai.

Người bị vảy nến da đầu thể nhẹ hầu như không thể nhận thấy, nhưng khi tiến triển nặng, tồn tại trong một thời gian dài có thể gây ra vết loét sâu, khó hồi phục. Bên cạnh đó, tình trạng ngứa ngày ở vùng da đầu bị bệnh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và giấc ngủ của bạn, nhiều trường hợp gãi quá mức dẫn đến nhiễm trùng da và rụng tóc.

Một số người còn thắc mắc không biết vảy nến da đầu có lây không? Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác nhưng hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, rối loạn hệ thống miễn dịch là yếu tố gốc rễ của tình trạng này, khiến các tế bào da phát triển quá nhanh và tích tụ thành những mảng vảy xếp chồng lên nhau. Do đó, bệnh không có khả năng lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành nhưng tỷ lệ bị di truyền tương đối cao (nếu bố mẹ mắc phải bệnh lý này thì các con có nguy cơ bị bệnh cao hơn người bình thường nhiều lần).

Triệu chứng vảy nến ở da dầu

Các biểu hiện của vảy nến da đầu nhẹ có thể chỉ bao gồm vảy mỏng, mịn. Tình trạng bệnh từ trung bình đến nặng sẽ gặp phải một số triệu chứng sau:

- Mảng da đóng vảy, ửng đỏ, khô ráp.
- Có thể xuất hiện vảy trắng, bạc.
- Da đầu bị khô, nhiều gàu.
- Ngứa ngáy.
- Đau nhức.
- Rụng tóc.
Thực tế, bị vảy nến da đầu không gây ra rụng tóc, nhưng gãi nhiều hoặc bệnh đang trong giai đoạn nghiêm trọng cũng có thể dẫn đến rụng tóc tạm thời. Tuy nhiên, tóc của bạn vẫn sẽ mọc trở lại sau khi da đầu bớt tổn thương.

Cách trị vảy nến da đầu hiện nay

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi hoàn toàn vảy nến da đầu. Phương pháp điều trị chủ yếu là cải thiện triệu chứng bệnh và phòng ngừa tái phát, cụ thể:

Điều trị tại chỗ

Cách cải thiện nhanh chóng biểu hiện bệnh chính là xử trí trực tiếp trên da bằng các sản phẩm thuốc bôi, kem, gel ngoài da, dầu gội,... với trường hợp nhẹ. Hoạt chất thường được sử dụng đó là: Axit salicylic và nhựa than hàm lượng thấp.

Ngoài ra, một loại thuốc khác thường được chỉ định cho người bị vảy nến da đầu, chẳng hạn như:

- Anthralin (ít sử dụng hiện nay).

- Thuốc kháng khuẩn nếu có tổn thương do nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm men (có thể đi kèm với bệnh vảy nến da đầu).

- Calcipotriene (dẫn xuất mạnh của vitamin D).

- Tazarotene (dẫn xuất của vitamin A).

- Calcipotriene và betamethasone dipropionate (dẫn xuất vitamin D kết hợp với corticoid mạnh).

- Corticoid dùng tại chỗ.

Các loại thuốc này sẽ được bôi trực tiếp lên da đầu của bạn, cần thực hiện theo đúng hướng dẫn cho đến khi các tổn thương lành lại, có thể kéo dài tới 2 tháng hoặc hơn. Khi đã cải thiện hoàn toàn, bạn có thể ngăn ngừa tái phát bằng cách gội đầu thường xuyên với sản phẩm chứa nhựa than hoặc các loại thuốc khác.

Nếu bị vảy nến da đầu nhẹ ở một vài khu vực, bạn cũng có thể được xem xét tiêm corticoid trực tiếp vào những vị trí đó.

Điều trị mở rộng

Nếu các triệu chứng của bạn không đáp ứng với các phương pháp điều trị tại chỗ, liệu pháp quang trị liệu bằng nguồn sáng laser có thể giúp ích. Ví dụ, laser excimer tập trung ánh sáng cường độ cao vào các khu vực bị ảnh hưởng và tránh vùng da khỏe mạnh xung quanh. Ánh sáng cực tím (UV) thông qua một thiết bị cầm tay được gọi là lược UV - có thể được sử dụng để điều trị toàn bộ da đầu.

Bên cạnh đó, nên phối hợp với các thuốc uống hoặc tiêm để cải thiện nhanh triệu chứng, bao gồm: Corticoid, cyclosporine, methotrexate, retinoids,... Tuy nhiên, chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như: Tổn thương gan, thận, rối loạn chuyển hóa, khô da, rụng tóc,... nên cần tham khảo kỹ tư vấn của chuyên gia.

Ngoài ra, cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt khoa học và lành mạnh hơn, nhằm giảm sự tiến triển của bệnh, đồng thời hạn chế tái phát.

- Xem xét, lựa chọn loại dầu gội không chứa chất tẩy rửa mạnh. Có thể tham khảo một số bài thuốc dân gian từ thảo dược khá an toàn mà hiệu quả từ lá trầu không, lá lốt, cây vòi voi,... Bên cạnh đó, nên gội đầu bằng nước ấm giúp thư giãn da đầu tốt hơn.

- Tránh gãi nhiều gây chà xát, nhiễm khuẩn.

- Phơi nắng trong khoảng thời gian nhất định cũng có khả năng cải thiện các tổn thương khi bị vảy nến da đầu.

- Hạn chế lo âu, căng thẳng vì có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

- Không dùng rượu, bia, thuốc lá vì gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

- Tăng cường rau xanh, trái cây, uống đủ nước để giảm khô da.